(Pháp lý) - Theo dõi những phiên tòa xét xử các bị cáo tham nhũng trong nhiều đại án gần đây, dư luận luôn thấy những khoảng trống khó hiểu. Ở một số vụ án, trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp chưa được truy tới cùng, tội danh và hình phạt còn gây băn khoăn và dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm hiện ra tương đối rõ...
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong đại án xảy ra ở Vinaline
Diễn biến xung quanh đại án Dương Chí Dũng và đồng phạm, có một số vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị buộc phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị xác định là đồng phạm giúp sức, ông Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) và 8 quan chức, nhân viên khác. Ông Dũng, Phúc và các đồng phạm bị cáo buộc đã chi cả chục triệu USD mua ụ nổi cũ sản xuất từ năm 1965, để nhận "lại quả" từ bên bán. Hiện "đống sắt vụn" này chưa một lần đưa vào sử dụng, hậu quả vụ án được xác định rất nghiêm trọng.
[caption id="attachment_149232" align="aligncenter" width="410"] Dương Chí Dũng trong phiên tòa khai ra những cán bộ báo tin cho mình[/caption]
Trước và sau khi vụ án xảy ra, dư luận luôn đặt câu hỏi về trách nhiệm của thanh tra. Vụ án đó quá lớn, hàng núi tiền đổ xuống biển, nhiều con tàu thành đống sắt vụn trên biển, thế mà thanh tra không “phát hiện thấy vấn đề gì” là bất thường. Thanh tra không phát hiện ra tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong khi đơn vị đó có cả “một đống tội” thì thanh tra để làm gì? Kết luận của thanh tra không chỉ bỏ lọt tham nhũng mà còn tạo cơ hội cho tham nhũng hoành hành, đục khoét tiền bạc, phá hoại của cải của nhà nước và nhân dân. Điều này là dấu hỏi lớn không có câu trả lời hậu vụ Dương Chí Dũng.
Tiếp đó, trong một vụ án khác liên quan đến Dương Chí Dũng là xét xử Dương Tự Trọng và 6 bị cáo khác về hành vi tổ chức cho người đi trốn. Tại đây, nhân chứng Dương Chí Dũng khai đã đem 500.000 USD tới nhà một vị Thứ trưởng. Dương Chí Dũng kể lại: Khoảng 14 giờ chiều thì gặp được vị này và trình bày hoàn cảnh về vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam rằng mình không trực tiếp ký bất kỳ văn bản quan trọng nào. Tại nơi nghỉ của vị Thứ trưởng, Dương Chí Dũng khai có biếu quà 10.000 USD. Tối ngày 2/5/2012, Dương Chí Dũng điện cho Thứ trưởng và được ông này cho biết đang ở nhà. Dương Chí Dũng có mang theo 500.000 USD. Theo lời Dương Chí Dũng, toàn bộ số tiền 500.000 USD đều là tiền vay mượn của một số người quen để biếu vị cán bộ cấp cao. Đồng thời, Dũng còn khai ra mình liên lạc với nhiều quan chức để nắm thông tin trước vụ án.
Sau đó, dựa vào lời khai của Dũng tại phiên tòa, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra. Tuy nhiên sau này, vị Thứ trưởng mất do bệnh hiểm nghèo, vụ án được đình chỉ. Có nhiều ý kiến cho rằng, vị Thứ trưởng này mất, nhưng việc điều tra vẫn cần tiến hành bởi ngoài ông ta, theo Dũng khai, có dấu hiệu cho thấy còn có lãnh đạo khác liên quan. Việc điều tra sẽ làm rõ có hay không tham nhũng trong các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên các cơ quan chức năng đã không làm rõ những nghi vấn trên. Vấn đề này chưa được làm rõ cũng là khoảng trống lớn trong việc xét xử đại án tham nhũng liên quan đến Dương Chí Dũng ?
Tiền và tội hối lộ chưa được truy tới cùng trọng vụ án xảy ra ở RPMU?
Năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến 01 (giai đoạn 1). Dự án này được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giao cho chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). Ngày 9/9/2009, VNR ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật do nhà thầu Nhật Bản JTC đứng đầu. Gần cuối tháng 3/2013, một loạt tờ báo Nhật Bản đưa tin ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC đưa hối lộ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhằm đổi lấy trúng thầu dự án ODA.
[caption id="attachment_149233" align="aligncenter" width="404"] Các cựu quan chức đường sắt bị xử án nhẹ vì việc chứng minh số tiền nhận từ các nhà thầu Nhật Bản gặp “khó khăn”?[/caption]
Tháng 3/2014, Đoàn thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã thanh tra một loạt dự án JTC tham gia, trong đó có dự án đường sắt đô thị do RPMU làm chủ đầu tư. Sau đó 6 quan chức đường sắt gồm Phạm Hải Bằng, Trần Văn Lục, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu bị khởi tố để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với cáo buộc đã nhận 11 tỷ đồng của JTC. Tháng 6/2015, VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can Bằng, Lục, Đông, Duy, Thái, Hiếu tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bản án xác định, bị cáo Phạm Quang Duy tham gia sách nhiễu JTC để ép nhà thầu đưa tiền nên phải nhận mức án 8 năm 6 tháng tù. Với vai trò đồng phạm tích cực, Nguyễn Nam Thái (biết cấp dưới Bằng nhận tiền nhưng để mặc và tiếp nhận ý chí việc nhận tiền từ JTC nên lĩnh án 7 năm 6 tháng tù. Nguyễn Văn Hiếu không kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà thầu bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù. Bị cáo Trần Văn Lục (bị phạt 5 năm 6 tháng.
Điều đáng nói, cáo buộc và xét xử số tiền mà các bị cáo trên hưởng lợi rất ít. Bên đưa hối lộ đưa ra con số là 11 tỉ nhưng số tiền các cơ quan chức năng Việt Nam chứng minh lại quá thấp dẫn đến việc buộc tội và tuyên án quá nhẹ, không thuyết phục dẫn đến bản án không nghiêm minh.Mặt khác, dư luận cho rằng hành vi của các cựu quan chức đường sắt này đã vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, gây ảnh hưởng quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản và với các nước khác dù trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, các bị cáo lại không bị truy tố xét xử theo nhóm tội danh đưa – nhận hối lộ.
Trong vụ án này, dư luận luôn băn khoăn về tội danh của các bị cáo. Các bị cáo dường như được xử tội nhẹ so với hành vi mình gây ra. Với số tiền đã nhận là hơn 11 tỉ đồng, khoản 5 Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ qui định như sau: Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng trở lên. Nếu bị truy tố tội nhận hối lộ thì với số tiền lớn như thế, làm sao có bản án nhẹ như vậy dành cho các quan chức?
Vụ án đặt ra một vấn đề hệ trọng khi xét xử án tham nhũng đó là việc chứng minh số tiền bị tham nhũng chiếm đoạt và ranh giới giữa các tội danh trong nhóm tội phạm kinh tế.
Những khoản tiền lót tay ngàn tỉ chưa được làm rõ trong đại án VNCB?
Những đại án ngân hàng gần đây gây bàng hoàng dư luận vì số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Thiệt hại đó trong quá trình điều tra và dựa trên lời khai của các bị cáo tại tòa đã khá rõ về lý do cũng như “địa chỉ” của thiệt hại.
Trong đại án VNCB, ông Phạm Công Danh khai đã đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng khi giới thiệu để Danh tiếp cận tái cơ cấu Trustbank. Bị cáo cũng khai lúc đầu ông Thắm đòi 1.000 tỷ đồng nhưng sau đó hạ xuống 500 tỷ đồng, ông Thắm nói đây là tiền ông đã chi để chăm sóc khách hàng. Bị cáo đã đưa cho ông Thắm khoản tiền này để có cơ hội tham gia tái cơ cấu Trustbank.
Sau đó, bị cáo Danh cũng khai sau khi tiếp nhận ngân hàng bị cáo phải trả những khoản tiền rất lớn chi chăm sóc khách hàng do ông Thắm để lại từ tất cả các chi nhánh. "Bị cáo là người trực tiếp chi trả tất cả con số quá lớn do sức khỏe trí nhớ nên bị cáo không nhớ một con số cụ thể, không có giấy tờ", ông Danh khai.
[caption id="attachment_149234" align="aligncenter" width="410"] Rất nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan được Danh khai ra, cần được các cơ quan tư pháp tiếp tục làm rõ trong đại án VNCB.[/caption]
Số tiền thiệt hại lớn của VNCB còn liên quan đến khoản tiền mà ông Danh chi cho bà Hứa Thị Phấn. Tòa hỏi số tiền trên hợp đồng chuyển nhượng với bà Phấn ghi bao nhiêu, bị cáo khai là 4.620 tỷ đồng. Tòa hỏi thế bị cáo đã chuyển hết tiền chưa? Bị cáo Danh khai: "Chúng tôi đã trả khoảng hơn 3.600 tỷ đồng gì đó. Đây là sai lầm lớn nhất của tôi. Tôi cũng mong tòa đưa số tiền này vào vụ án để thu hồi trả cho VNCB".
Đó là những lời khai then chốt và có thể chứng minh bằng biện pháp kiểm tra đường đi của nguồn tiền. Từ đó có thể làm căn cứ để thu hồi tài sản tham nhũng. Thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần ý thức được điều này để làm rõ các vấn đề liên quan, các cá nhân liên quan đã nhận tiền của Danh dẫn đến việc ông này phải xoay sở bằng mọi cách để có tiền dẫn đến việc rối loạn, lũng đoạn ở VNCB.
Qua một số đại án cho thấy, việc thu hồi được tài sản tham nhũng cần phải đặt ra đầu tiên khi giải quyết án tham nhũng. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định pháp luật ràng buộc trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong vấn đề này. Từ những đại án tham nhũng đã xảy ra, nên chăng những nhà lập pháp cần thiết kế những quy định pháp luật để lấp lại những lỗ hổng này. Đòi hỏi trách nhiệm cao hơn nữa của cán bộ tố tụng giải quyết án tham nhũng...
Minh Hải