Hội thảo "Một số định hướng lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp"

Ngày 12-8, tại Quy Nhơn, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo: "Một số định hướng lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp". Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Hội thảo. Đến dự Hội thảo có đại diện của Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Viện Pháp y Quốc gia, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Định...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận và đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung của Luật Giám định tư pháp (GĐTP), trong đó tập trung vào thực tiễn công tác quản lý nhà nước về GĐTP; công tác trưng cầu GĐTP trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu từ năm 2013 đến nay; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về GĐTP thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; công tác trưng cầu GĐTP trong hoạt động điều tra của Công an thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Định.

 Hội thảo: "Một số định hướng lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Quy Nhơn, ngày 12-13/8/2019
Hội thảo: "Một số định hướng lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Quy Nhơn, ngày 12-13/8/2019)

Qua thảo luận cho thấy, hiện nay một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng cao như tài chính, ngân hàng... nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu gặp khó khăn, nhất là đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không rõ ràng những nội dung được yêu cầu; có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng; phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập văn phòng GĐTP còn chưa phù hợp với thực tiễn nhu cầu của xã hội, không thu hút được cá nhân, tổ chức tham gia; quy định về hồ sơ bổ nhiệm GĐTP, các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp chưa phù hợp với thực tế; quy trình bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lập danh sách, điều chỉnh danh sách tổ chức, người GĐTP chưa bảo đảm căn cứ thực tế nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng; thiếu quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định...

Trên cơ sở một số bất cập nêu trên, các đại biểu đã đưa ra một số định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp: (1) Bổ sung quy định về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận GĐTP để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong việc xem xét, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; (2) Quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các Bộ; (3) Cho phép thành lập văn phòng GĐTP đối với tài liệu, ADN... để đáp ứng được nhu cầu xã hội; (4) Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan trưng cầu, cơ quan tiến hành tố tụng để khắc phục những tồn tại hiện nay về GĐTP, nhất là tình trạng lạm dụng GĐTP để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; (5) Sửa đổi quy định về chi phí GĐTP theo hướng ngân sách nhà nước sẽ cấp trực tiếp chi phí giám định cho cơ quan, tổ chức thực hiện giám định trong trường hợp việc giám định được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức do nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động...

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-noi-chinh/201908/hoi-thao-mot-so-dinh-huong-lon-cua-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-giam-dinh-tu-phap-306296/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin