Hội Luật gia Việt Nam khóa XII: Những dấu ấn quan trọng trong công tác tham gia xây dựng pháp luật

16/08/2019 06:47

(Pháp lý) - Nhờ có đội ngũ Luật gia đông đảo, giàu kinh nghiệm và có uy tín trong các hoạt động pháp luật, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) có những đóng góp quan trọng trong công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật. Đặc biệt, Hội đã chủ trì soạn thảo thành công Luật Trưng cầu ý dân và tham gia góp ý gần 90.000 văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ trì soạn thảo thành công Luật Trưng cầu ý dân

Dấu ấn nổi bật nhất trong công tác xây dựng pháp luật ở nhiệm kỳ vừa qua của HLGVN đó là Hội chủ trì soạn thảo thành công Luật Trưng cầu ý dân.

Trong nhiệm kỳ XII, HLGVN vinh dự được Quốc hội khóa XIII giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân. Nói về dự án Luật này, trong một trao đổi với Phóng viên Pháp lý, TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch HLGVN, Đại biểu Quốc hội chia sẻ: Trưng cầu ý dân là một phương thức quan trọng để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Thực tiễn cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản QPPL và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, kết quả của hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề trọng đại cũng còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế đó là do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một nội dung Hiến định.

 Chủ tịch HLGVN Nguyễn Văn Quyền trình bày về Luật Trưng cầu ý dân (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII)
Chủ tịch HLGVN Nguyễn Văn Quyền trình bày về Luật Trưng cầu ý dân (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII))

HLGVN nhận nhiệm vụ soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân trong điều kiện Việt Nam chưa có một văn bản quy phạm nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến trưng cầu ý dân cũng như chưa từng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nào thì đây là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, Thường trực Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, mời các chuyên gia, luật gia có trình độ, có kinh nghiệm và trách nhiệm cao tham gia vào quá trình xây dựng Dự án luật và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các hoạt động theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng Dự án Luật.

Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ nhất trí cao (với 426/435 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 86,23% tổng số Đại biểu Quốc hội). Luật Trưng cầu ý dân là dự án Luật lớn thứ hai mà HLGVN đã được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng thành công trong hai nhiệm kỳ kế tiếp nhau (trước đó là Luật Trọng tài Thương mại được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ 85,8% tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành). Kết quả này góp phần khẳng định năng lực và uy tín của HLGVN trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản luật nói riêng và trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh tham dự một hội thảo góp ý xây dựng pháp luật do HLGVN tổ chức.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh tham dự một hội thảo góp ý xây dựng pháp luật do HLGVN tổ chức.)

Tham gia góp ý xây dựng gần 90.000 văn bản quy phạm pháp luật

Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, Trung ương Hội đã tổ chức rất nhiều Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm góp ý cho nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Theo thống kê, Trung ương Hội đã tổ chức được 99 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học góp ý kiến vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng. Trong đó có một số văn bản Luật lớn, quan trọng như: dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)…Cùng với việc tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm góp ý kiến ở Trung ương Hội, Thường trực Trung ương Hội còn có văn bản để chỉ đạo các cấp Hội cùng tham gia góp ý để tổng hợp được đông đảo ý kiến của giới luật gia cả nước vào dự thảo văn bản QPPL. Nhiều ý kiến đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đánh giá cao, tham khảo và tiếp thu.

Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, số lượng văn bản quy phạm pháp luật mà các cấp Hội tham gia góp ý xây dựng là rất lớn.

Năm 2017, Hội đã tổ chức các hội thảo góp ý Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Hành chính công ; Luật Thuế bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng và ban hành Công văn số 44/CV-HLGVN ngày 22/2/2017 đề nghị các cấp Hội tham gia rà soát, đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan nhằm phục vụ công tác sửa đổi Luật này trong thời gian tới .

Năm 2018, Hội đã tổ chức các cuộc Hội thảo, Tọa đàm quan trọng góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi);… Đặc biệt, HLGVN đã có hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án.

Nhờ đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, các ý kiến góp ý xây dựng pháp luật, chính sách của HLGVN được các cơ quan soạn thảo đánh giá cao.
Nhờ đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, các ý kiến góp ý xây dựng pháp luật, chính sách của HLGVN được các cơ quan soạn thảo đánh giá cao.)

Đối với các Bộ Luật, Luật chưa có hướng dẫn cụ thể, HLGVN tích cực tham gia góp ý như: Dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thực hiện điểm e khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn thi hành Điều 65 của BLHS quy định về án treo và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác…

Không chỉ trực tiếp tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm… các thành viên của HLGVN còn tham gia có hiệu quả vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án Luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong nhiệm kỳ, đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia vào ban soạn thảo, tổ biên tập 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó có các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Cạnh tranh, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Kiểm toán Nhà nước…Nhiều Chi hội Luật gia ở các bộ, ngành và các cấp hội luật gia ở địa phương đã phát huy tốt vai trò, cử đại diện của tổ chức Hội trực tiếp tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong các ban soạn thảo, tổ biên tập của nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương. Nhiều Chi hội Luật gia các bộ, ngành ở Trung ương và nhiều cấp hội địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp uỷ, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương ghi nhận, biểu dương và khen thưởng, điển hình như: Chi hội Luật gia Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean; Hội Luật gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang…

Xác định việc góp ý xây dựng chính sách pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và là thế mạnh của Hội viên.

Hoạt động góp ý xây dựng chính sách pháp luật không chỉ được tổ chức tốt ở cấp trung ương mà còn được tổ chức tốt ở các địa phương. Các cấp Hội Luật gia đã tích cực tham gia các hoạt động theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương Hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, chủ động tổ chức góp ý kiến cho nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và địa phương, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính sách, pháp luật và văn bản quản lý của các cấp chính quyền. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội địa phương đã tham gia góp ý kiến xây dựng vào gần 90.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật (nhiệm kỳ trước là 43.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật) và đã tham gia rà soát hơn 28.000 văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Với những con số ấn tượng nêu trên, HLGVN và các cấp Hội đã để lại dấu ấn đặc biệt trong công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật, được các cơ quan ban ngành ghi nhận.

Luật Trưng cầu ý dân là dự án Luật lớn thứ hai mà HLGVN đã được Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng thành công trong hai nhiệm kỳ kế tiếp nhau (trước đó là Luật Trọng tài Thương mại được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ 85,8% tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành). Kết quả này góp phần khẳng định năng lực và uy tín của HLGVN trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản luật nói riêng và trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật nói chung.


Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội địa phương đã tham gia góp ý kiến xây dựng vào gần 90.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật (nhiệm kỳ trước là 43.000 lượt văn bản quy phạm pháp luật) và đã tham gia rà soát hơn 28.000 văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện những bất cập và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

 

Phan Phan

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Hội Luật gia Việt Nam khóa XII: Những dấu ấn quan trọng trong công tác tham gia xây dựng pháp luật" tại chuyên mục Sự kiện nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin