Ngày 24/7, Hà Nội phát hiện thêm 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Thủ đô cũng đã phong tỏa rất nhiều điểm nóng liên quan đến các ca bệnh Covid-19.
Giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16
Tối 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, ban hành chỉ thị về việc "Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19". Động thái nêu trên được UBND TP Hà Nội lý giải nhằm đảm bảo an toàn cho thủ đô, an toàn và sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp.
Theo đó, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố, tỉnh cách ly với thành phố, tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xem thêm tại đây.
Người dân ra đường không lý do chính đáng bị xử lý như thế nào?
Sáng 24/7, Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố dựa trên nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày.
Theo đó, từ 6h sáng nay, Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của chỉ thị mới ban hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ căn cứ vào Nghị định số 117/2020 để phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch trên địa bàn.
Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế". Xem thêm tại đây.
Phân bổ hơn 600.000 liều vắc xin Covid-19 cho các quận huyện
Theo Sở Y tế Hà Nội, đơn vị này sẽ phân bổ 60.480 liều vắc xin phòng Covid-19 của Moderna và 563.500 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội. Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội.
Theo đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 các đợt tiếp theo căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vắc xin Covid-19 được phân bổ bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng, khẩn trương và tổ chức tiêm ngay sau khi nhận được vắc xin. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng căn cứ theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ.
Ngoài ra, các đơn vị nêu trên huy động tối đa nguồn nhân lực tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được phân bổ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn nhất. Xem thêm tại đây.
Những "điểm nóng" Covid-19 nào đang bị phong tỏa?
Từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 416 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, liên quan đến 10 chùm ca bệnh chính.
Trong đó, chùm ca bệnh liên quan Nguyễn Khuyến, Đống Đa và chùm ca bệnh tại KCN Thăng Long đứng đầu về số F0 với lần lượt 66 và 68 ca. Nhiều chùm ca bệnh tại Hà Nội đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây và vẫn liên tục ghi nhận thêm các F0 mới.
Hà Nội phát hiện thêm 23 F0 trong ngày đầu giãn cách xã hội - 4Nhấn để phóng to ảnh
Xét nghiệm người liên quan chùm ca bệnh tại nhà thuốc 95 Láng Hạ.
Ở lần bùng phát dịch trở lại này, Covid-19 cũng đã tấn công cả vào các khu công nghiệp (KCN Thăng Long), khu vực dân cư đông đúc (các khu phố trung tâm, chung cư) và cả chợ dân sinh (Các ca dương tính bán hàng tại Chợ Bùng, Thạch Thất được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng).
Hiện tại 27 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận F0. Huyện Đông Anh và quận Hai Bà Trưng đứng đầu về số F0 với lần lượt 62 và 60 ca.
Trong khi các ca bệnh phát sinh ở huyện Đông Anh tập trung ở KCN Thăng Long và đều đã được cách ly, thì tại quận Hai Bà Trưng xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, có dịch tễ phức tạp.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, các chùm ca bệnh tại Hai Bà Trưng có mắt xích với nhau nhưng không rõ ràng. Quận Hai Bà Trưng có mật độ dân số cao, dịch lẩn khuất trong cộng đồng, bùng ra nhiều nơi, nên gây khó khăn trong kiểm soát dịch. Xem thêm tại đây.
Phát hiện thêm 23 F0 trong ngày
Sau nhiều ngày liên tục có số ca bệnh mới tăng cao, chiều nay, Hà Nội chỉ ghi nhận 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tổng số F0 trong ngày là 23 ca.
Trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 689 trường hợp dương tính, trong đó có 424 trường hợp tại cộng đồng, 265 trường hợp là những người đã được cách ly.
Về việc thống kê đối tượng nguy cơ tại cộng đồng để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo công văn số 245/SYT-NVY ngày 18/7, tính đến 18 giờ hôm nay, toàn thành phố đã rà soát được 3.913 trường hợp, đã có 3.711 mẫu được lấy, kết quả 2817 mẫu âm tính, 13 mẫu dương tính, 881 mẫu chưa có kết quả.
Theo dantri.com.vn