Hà Nội để thương, Sài Gòn để nhớ

Với tôi, một gã trai Hà Nội, Sài Gòn như một cô gái tâm giao, một tri kỷ của cuộc đời.

Hà Nội, Sài Gòn trong mắt một gã Hà Nội ở lưng chừng tuổi trẻ trông giống như hai người thiếu nữ trái ngược nhau: một ồn ào - một sâu lắng, một dữ dội - một êm đềm.

Chuyện người

Cô gái Hà Nội mang dáng dấp đậm nét của một thiếu nữ phố cổ, cố gắng bám víu chút tính cách người Tràng An với những khép nép, e lệ. Họ, trong nhà vẫn giữ phép lễ nghi, gia đạo nhưng khi bước ra phường phố, hòa vào đám bạn lố nhố tân thời, lại trở thành một con người khác. Họ có lúc ồn ào vồn vã nhưng cũng có lúc kín đáo, thâm trầm. Với tôi, cô gái phố cổ dù đã kịp đua tranh với cái nhộn nhạo của thời cuộc, vẫn là một cô gái chậm, lặng, thăng trầm vậy thôi.

Khác với cô gái Hà Nội, cô gái Sài thành tỏ rõ là một thiếu nữ rất năng động. Cô không bị những lớp áo lễ nghi, gia đạo quàng lên người mình. Cô nhập cuộc rất nhanh với xu hướng thời đại mà không cần rập rình đứng sau, lặng lẽ quan sát một hồi lâu mới dám nhập cuộc.

Không ít lần tôi được bạn bè, người thân “dụ dỗ” vào Sài Gòn làm việc nhưng tôi chỉ đáp lại bằng một cái lắc đầu khe khẽ, dù rất yêu miền đất hứa này. Sài Gòn là một người con gái mạnh mẽ, mà với nàng thiếu nữ ấy tôi chỉ muốn chạm tay vào, muốn gặp nhau tâm sự những buồn vui, sướng khổ cho trôi hết đi những tẻ nhạt ngày thường. Với tôi, cô gái ấy như một người bạn tâm giao, một tri kỷ của cuộc đời. Chỉ vậy thôi.

23.1

Chuyện hát, chuyện ca

Phố Sài Gòn đậm nét trong tôi là một đêm lất phất mưa rơi, nơi góc nhỏ trên lề phố, những người đàn ông xúm xít bên nhau cùng chai rượu, tí mồi và một cây đàn. Thế là giọng hát vút lên, người gẩy đàn cứ gẩy, người hát cứ hát, bàng quan với náo nhiệt phố phường. Họ hát bolero, một đặc sản âm nhạc Sài Gòn.

Nhưng cũng lề phố tương tự vậy, ở Hà Nội bỗng dưng có những người quần tụ chỉ để gẩy đàn hát hò thì quả thật là sự khác người. Một giọng ca vút lên trong bàn nhậu lúc tan tầm chưa chắc đã lấy được thiện cảm của người bàn bên. Bởi xứ này có những khuôn phép riêng và nơi hát ca không đâu tiện bằng một phòng karaoke với giá cả đắt đỏ hơn Sài Gòn rất nhiều.

Uống Hà Nội, nhậu Sài Gòn

Nếu muốn chứng kiến một sự khác biệt rõ ràng về lối sống của hai miền, chẳng đâu bằng là vào một quán nhậu. Chữ nhậu (chỉ hành vi ăn uống có chất men dẫn đường) bây giờ được người Bắc sử dụng vô cùng phổ biến, dù nguyên sơ của nó được du nhập từ vùng phương Nam xa xôi.

Về thời gian, quán nhậu ở Hà Nội hãn hữu lắm mới mở đến 23 giờ. Người Sài Gòn thì có thể lai rai cho đến tận... ngày hôm sau.

Nhưng sự khác biệt rõ ràng nhất là phong cách phục vụ, vốn đã trở thành “thương hiệu” định hình cho mỗi vùng miền. Ở Hà Nội, thật khó đòi hỏi nụ cười thân thiện từ cô cậu phục vụ. Khi uống bia, đá đấy, thùng đấy, khách uống đến đâu tự bỏ vào ly. Chẳng ai có nghĩa vụ phải gắp đá cho bạn đâu. Còn ở Sài thành, nhân viên luôn túc trực bên mỗi bàn nhậu, chỉ cần viên đá hao hụt một chút là có ngay một viên khác thay thế.

Còn nữa, ở quán nhậu Hà Nội, khi bạn ngoắc một nhân viên rót bia để gọi thêm một món mới, có thể bạn sẽ nhận được lời giải thích: “Em chỉ rót bia, anh muốn gọi đồ thì gọi người khác”. Chuyên môn hóa đến như thế thật cũng là tài tình.

23.2

Sài Gòn để nhớ

Hà Nội ôm trong mình những cái xấu xí không thể “biên tập” nổi, nhưng Hà Nội cũng giữ được trong mình những nét duyên thầm để nhớ để thương. Quả thật, Hà Nội may mắn hơn Sài Gòn khi có trong mình bốn mùa khác biệt với những đặc trưng riêng. Mùa hè nắng bưng trên những ngã đường, mùa thu heo may gió khe khẽ, mùa đông lạnh căm gió luồn qua những manh áo ấm rồi mùa xuân mơn man tiết trời với những cơn mưa bụi…

Nhạc sĩ Phú Quang từng tâm sự với người viết rằng ông đã có trên 20 năm gắn bó với Sài Gòn. Mảnh đất này đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ông phát huy tài năng của mình. Nhưng rồi sự năng động của một thành phố lớn, sự ồn ào của một đô thị đông đúc không níu chân nổi ông đến hết cuộc đời mình.

Hỏi tiếp điều gì làm cho ông say Hà Nội đến vậy. Tác giả của Em ơi Hà Nội phố đã kể thật nhiều về những ký ức của mình, ký ức của những ánh nhìn con gái trong trẻo, những bím tóc thiếu nữ… Nhưng khiến ông nhớ nhất là những cảnh yêu đương đợi chờ của những ngày xưa cũ. “Ngày đó trai gái hẹn nhau, người con gái thường ngồi dưới gốc cây, dưới cơn mưa phùn. Khi người con trai đến, người con gái trao cho chàng trai đó một vòng tay ướt và một đôi môi lạnh”, nhạc sĩ Phú Quang kể.

Cái hoài cảnh đẹp như trong tiểu thuyết diễm tình ấy chỉ có thể có thực ở những vùng đất có bốn mùa như Hà Nội. Khi đông về, người con trai có thể dang rộng vòng tay ra để ủ ấm người yêu. Rồi ở góc bờ hồ lấp loáng ánh đèn dưới mặt nước vào những ngày giá rét, hai người xoa tay vào nhau cố tạo ra chút hơi ấm, rồi áp tay vào má truyền nhau hơi ấm nhỏ nhoi nhưng đong đầy tình cảm của mình.

Hà Nội chính bởi thế là nơi để người ta thương, nhưng Sài Gòn cũng là nơi để người ta nhớ. “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi”, lời ấy bật ra từ bài hát Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến chao ôi là đúng. Quả thật nếu cảnh, nếu tình phố của Hà Nội làm người ta thương bao nhiêu thì cái tình người với người đôi khi cũng làm cho người ta muộn phiền lắm. Tại sao thế nhỉ, e rằng lý giải cho kỹ càng cũng cần phải lao tâm nghiên cứu, chỉ biết rằng cái tình người trong tình phố ở Sài Gòn đậm nét hơn nhiều. Có người bảo cái tình ấy nó sinh ra vì nơi đây tụ người từ muôn phương tứ xứ về nặng gánh mưu sinh. Họ phần lớn đã buông bỏ quê nhà nên đều mang trong mình những nỗi nhớ quê hương, tình thương bản quán. Vậy là khi lòng xa xứ gặp kẻ ly hương, nghĩ cảnh nghĩ phận mà họ yêu thương nhau nhiều hơn chăng?

Theo Phapluattp

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin