GS Trịnh Xuân Thuận: 'Cần đọc cả sách văn học và khoa học'

07/07/2016 02:51

Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng cho rằng sách văn học giúp ta hiểu con người còn sách thiên văn giúp ta hiểu vũ trụ, nên cần đọc cả hai.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra tại Hà Nội, lớn lên ở TP HCM. Năm 19 tuổi, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ, rồi nhận học bổng tại Mỹ. Hiện ông là giáo sư tại Đại học Virginia. Trịnh Xuân Thuận viết nhiều sách về thiên văn nhưng dễ hiểu, gần gũi với công chúng. Trong chuyến trở về Việt Nam tháng 7 này, ông dành cho Zing.vn cuộc trao đổi thú vị.

- Cho tới nay, gia tài sách của ông có bao nhiêu cuốn?

- Sách tôi viết cho đối tượng là những nhà nghiên cứu khoa học, các đồng nghiệp thì có khoảng sáu cuốn. Còn sách viết cho số đông công chúng thì 15 cuốn.

- Là một trong những nhà thiên văn nổi tiếng, tại sao ông viết sách khoa học thường thức nhiều gấp ba lần sách nghiên cứu chuyên ngành?

- Bởi tôi muốn gặp gỡ nhiều độc giả hơn. Nếu viết sách chuyên ngành phức tạp thì chỉ có khoảng mấy trăm người hiểu được. Tôi muốn những kiến thức về khoa học, vật lý thiên văn tràn rộng trong nhiều độc giả. Vì vậy tôi viết sách cho số đông. Nếu may mắn, sách của mình sẽ có cả trăm, nghìn người đọc.

Sách của tôi là best-seller ở Pháp, và cũng dịch ra 20 thứ tiếng nữa. Như vậy, nhiều người đã đọc sách. Thỉnh thoảng tôi được mời tới nước này, nước khác nói chuyện. Tuần trước tôi vừa tham dự hội thảo ở Geneva, có 1.200 người tới nghe. Phần đông họ biết đến sách của tôi, họ đọc rồi thì đến nghe. Bởi vậy, tôi mới biết rằng những kiến thức đó có ảnh hưởng tới người đọc.

- Mục đích chính của ông khi viết sách khoa học thường thức?

- Tôi muốn giảng giải cho số đông công chúng về những ngôi sao, vũ trụ, về những gì mà những nhà thiên văn đã tìm ra. Những hiện tượng mặt trời chết đi thành sao lùn, hoặc các sao nặng hơn mặt trời chục lần, mặt trời thành lỗ đen… Tôi cũng may mắn được ở trong lĩnh vực mà báo chí, mọi người quan tâm đến rất nhiều. Các nhà vật lý thiên văn tìm ra gì mới, các vấn đề ngoài hành tinh như sự sống ngoài trái đất… đều được chú ý.

Bởi vậy khi viết sách về những vấn đề đó được công chúng quan tâm.

[caption id="attachment_143943" align="aligncenter" width="410"] Giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: trinhxuanthuan.fr
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: trinhxuanthuan.fr[/caption]

- Khi viết sách, giáo sư làm thế nào để tác phẩm của mình dễ hiểu, dễ tiếp cận với số đông công chúng?

-Tôi không dùng khoa học mà viết về vũ trụ theo lối văn chương. Tiếng nói của vũ trụ là toán. Các khoa học đều dùng toán phương trình để tìm hiểu vũ trụ. Nhưng khi viết sách, tôi không dùng nó, mà dùng hình ảnh trong đời sống hàng ngày, để cho công chúng hiểu các ý niệm mà những nhà khoa học tìm thấy trong vũ trụ.

Tôi viết bằng tiếng Pháp – thứ ngôn ngữ mà tôi hiểu nhất. Tiếng Việt tôi nói chuyện giao tiếp hàng ngày nhưng khi viết triết lý thì khó khăn. Còn tiếng Mỹ tôi coi là thứ tiếng khoa học của tôi. Khi sang Mỹ, tôi không biết tiếng Anh. Tôi học ở các trường khoa học thì chỉ biết tiếng Anh khoa học.

- Ông có lời khuyên nào dành cho độc giả giúp họ dễ tiếp cận sách khoa học thiên văn?

-Mấy cuốn sách của tôi đều dễ đọc. Tùy vào sở thích của mỗi người để lựa chọn thôi. Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về sự nảy nở của vũ trụ thì đọc Giai điệu bí ẩn, nếu muốn tìm hiểu sự liên hệ giữa đạo Phật và khoa học thì đọc Vô hạn trong lòng bàn tay. Nếu các em thiếu nhi thích xem hình ảnh vũ trụ thì đọc Số phận của vụ trụ - Bigbang và sau đó…

- Ông có nhận xét gì về lượng sách thiên văn? Dường như mọi người đang xuất bản và đọc quá nhiều sách văn học so với sách khoa học?

- Người nào thích văn học thì đọc văn chương. Văn học là cách tìm hiểu con người nên rất quan trọng. Còn khoa học thì đi tìm hiểu về vũ trụ. Cả hai bổ túc cho nhau, ta không nên chỉ đọc một thể loại sách, mà phải đọc cả hai.

- Vai trò của sách vật lý thiên văn trong đời sống hàng ngày là gì?

- Vai trò thực hành của thiên văn trong đời sống hàng ngày thì không nhiều lắm. Nó chỉ là tìm hiểu vũ trụ thôi. Đã là con người thì ai cũng có bản tính tò mò, muốn tìm hiểu vũ trụ xung quanh mình. Cái đó đi từ mấy chục ngàn năm rồi, từ khi con người biết nghĩ tới môi trường sống chung quanh. Do đó, thiên văn không có vai trò thực tiễn trong đời sống hàng ngày; nhưng con người bao giờ cũng muốn đọc sách vật lý thiên văn để tìm hiểu vũ trụ xung quanh.

Nó đáp ứng sự tò mò của con người.

- Ông nhận xét như thế nào về sự đón nhận của độc giả Việt Nam với sách của mình?

- Mỗi lần tôi ra cuốn sách gì thì các nhà xuất bản Việt Nam đều để ý tới và ngỏ ý xuất bản. Tôi là người Việt nên rất vui khi sách mình được mọi người đọc.

Lần này về Việt Nam, tôi sẽ gặp gỡ các độc giả, các sinh viên, giảng viên, những nhà nghiên cứu… Trong buổi trò chuyện đầu tiên, có khoảng 200 độc giả nhí (cuốn sách giới thiệu hôm đó là sách cho đối tượng thiếu nhi –pv). Sau khi nghe tôi nói chuyện, các bạn nhỏ còn xếp hàng đứng cả tiếng đồng hồ để chờ xin chữ ký của tôi. Điều đó làm tôi vui.

- Ông đánh giá thế nào về ngành nghiên cứu vật lý thiên văn ở Việt Nam?

- Hiện giờ môn vật lý thiên văn chưa phát triển rộng ở Việt Nam, chỉ có vật lý thôi. Nếu muốn thật sự làm khảo cứu thiên văn thì phải ra thế giới. Tôi mong trường đại học một ngày kia sẽ mở ra ngành vật lý thiên văn để các sinh viên yêu thích có thể theo học.

- Ở tuổi gần 70 này, ông làm những việc gì?

- Công việc của tôi, về khảo cứu chiếm 50%, 30% tôi dạy học, 20% công việc tôi để viết sách.

Ba công việc này song song nhau. Tôi thường viết sách vào cuối tuần, khi không phải khảo cứu hay dạy học.

- Ông có thể chia sẻ về cuốn sách mình đang viết?

- Tháng 9 tôi sẽ ra một cuốn sách mới ở Paris, về chân không. Đó là một quan niệm quan trọng trong sự nảy nở của vũ trụ, trong các đạo như đạo Phật, đạo Lão.

Theo New.zing

Bạn đang đọc bài viết "GS Trịnh Xuân Thuận: 'Cần đọc cả sách văn học và khoa học'" tại chuyên mục Sách hay. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin