Hiện nay, Việt Nam nhập khoảng 4.100 loại thuốc trừ sâu với khối lượng khoảng 70.000 - 100.000 tấn mỗi năm. Đây là một con số khủng khiếp.
[caption id="attachment_146651" align="aligncenter" width="410"] GS Nguyễn Lân Dũng[/caption]
Phát biểu tại hội thảo Đón sóng thực phẩm sạch diễn ra sáng nay 23/8, đặt câu hỏi cho các chuyên gia, lãnh đạo ngành Nông nghiệp, đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển nói:
Xin hỏi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bao giờ sẽ đưa ra được tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ và thành lập cơ quan chuyên trách cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ? Bao giờ thống nhất được một cơ quan thống nhất kiểm tra giám sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch?
Riêng với chính sách thuế, cơ quan thuế có đưa ra những ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp Startup kinh doanh, sản xuất thực phẩm sạch không? Bởi vì hiện nay, mỗi cửa hàng chúng tôi mở ra, làm ăn chưa kịp có lãi thì cơ quan thuế đã gõ cửa..?
Trả lời câu hỏi, bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng điều phối tổ chức chứng nhận hữu cơ PGS tại Việt Nam cho hay, hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề về việc làm thế nào để đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường.
"Đây là vấn đề đang đau đáu, và chúng tôi cũng mong Bộ Nông nghiệp mở lối cho chúng tôi. Hiện đã có nhiều cuộc thảo luận và chủ yếu là doanh nghiệp nhưng hình như chúng ta quên mất vai trò của nông dân", bà Nhung nói.
Theo bà Nhung, PGS là hệ thống có chuyên gia và gần như là hệ thống người cấp chứng nhận của bên thứ 3. Trong hệ thống phải có sự tham gia của người sản xuất, người tiêu dùng giám sát, quản lý.
"Nhiều người hỏi tôi sao hệ thống này không phát triển được, bởi vì thiếu chính sách. PGS chưa được chứng nhận nhưng tôi tin rằng chúng ta cứ làm đi, nó đi ra được thị trường và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng là hạnh phúc rồi".
Về vấn đề kiểm tra giám sát cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nêu ý kiến: "Đây là giải pháp hiện đại, các nước trên thế giới việc kiểm tra không nhất thiết là cơ quan quản lý nhà nước.
Tương lai theo tôi nếu PGS tại Việt Nam được thị trường công nhận, bước tiếp là cơ quan quản lý nhà nước công nhận chất lượng kiểm soát và làm đúng được phép thay mặt nhà nước".
Tuy nhiên, đóng góp vào kiểm tra, giám sát thực phẩm hữu cơ, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng không nên nói rau hữu cơ vì không có rau vô cơ. Chúng ta không nên nói rau an toàn, rau không an toàn mà phải là rau bảo đảm, trên bao bì ghi "chúng tôi không dùng thuốc hoá học, phân đạm hoá học".
Hiện nay, Việt Nam nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau. Trong khi Trung Quốc là nước rộng hơn hẳn chúng ta mà chỉ dùng có chừng 600 hoạt chất.
Bình quân mỗi năm mình nhập về 70.000 -100.000 tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây trồng - con số khủng khiếp luôn. Hàng nghìn loại thuốc sâu như vậy không thể phân biệt hết được, không thể kiểm soát được thực phẩm.
Vậy cho nên phải đảm bảo không dùng thuốc sâu, phân hoá học nữa. Và muốn làm như vậy thì rau trồng phải đặt trong lưới và dùng phân hữu cơ. Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc theo.
"Tại sao chúng ta không làm thuốc trừ sâu vi sinh học trong khi các nhà khoa học có hàng ngàn loại vi sinh vật… Các lãnh đạo toàn đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc nhưng nghiên cứu xong đút vào ngăn kéo.
Rõ ràng là chưa có ai lo cả, chúng ta cứ kêu gọi nhưng chẳng có một cái gì cụ thể...", GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Theo ông Dũng, cần phải có những cơ chế, chính sách và sự quyết liệt của Nhà nước. "Chúng ta nên phát triển thuốc trừ sâu sinh học, thay thế hoá học và thay thế hệ thống thực phẩm hiện tại bằng việc trồng rau trong nhà lưới và chỉ dùng phân hữu cơ", GS Dũng đề xuất.
Theo Cafebiz