Giám sát sao để khiếu nại, tố cáo không chìm vào im lặng?

09/03/2016 02:33

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Mặt trận và các cơ quan, tổ chức đi giám sát chỉ có thể đề xuất, kiến nghị chứ không có thẩm quyền giải quyết, xử lý. Vì vậy, nếu không đeo bám đến cùng thì việc giám sát không có tác dụng, kết quả giám sát dễ “bị chìm đi”...

[caption id="attachment_136595" align="aligncenter" width="410"] Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Long
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Long[/caption]

Sáng nay, 8/3 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở năm 2015.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát.

Theo đánh giá, chương trình được ký kết giữa 5 cơ quan, tổ chức đã phát huy được vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phát huy tốt chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đáng chú ý, hoạt động giám sát của các đoàn giám sát liên ngành ở Trung ương và địa phương đối với một số vụ việc tồn đọng, kéo dài tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc, qua giám sát đã phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho biết, việc Mặt trận cùng các cơ quan và tổ chức thành viên tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo đã làm được nhiều việc hữu ích, được người dân đánh giá cao. Việc chọn những vụ việc khiếu nại tố cáo, phức tạp kéo dài để làm điểm, giám sát tại địa phương để có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, ban, ngành, địa phương giải quyết triệt để, tránh oan sai cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Mặt trận và các cơ quan, tổ chức đi giám sát chỉ có thể đề xuất, kiến nghị chứ không có thẩm quyền giải quyết, xử lý. Vì vậy, nếu không đeo bám đến cùng thì việc giám sát không có tác dụng, kết quả giám sát dễ “bị chìm đi”. “Trong năm 2016, cần tiếp tục theo dõi kết quả xử lý những vụ việc đã giám sát và có kiến nghị giám sát”, ông Long đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức tham gia chương trình phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, qua đó giúp Mặt trận thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Thành công của sự phối hợp chính là tất cả các nội dung ký kết đều được triển khai thực hiện có kết quả, cụ thể như đã tạo được cơ chế làm việc giữa năm cơ quan, triển khai tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân, triển khai giám sát ở quy mô quốc gia đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Về chương trình phối hợp giám sát trong năm 2016, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan, tổ chức hoàn thành ký kết chương trình phối hợp trước 30/3.

Đối với nội dung giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài trong năm 2016, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ở Trung ương, 5 cơ quan tham gia chương trình tiếp tục bàn thảo, lựa chọn từ 1 đến 2 vụ việc có ý nghĩa trong cả nước để tiến hành giám sát. Tại địa phương, Mặt trận các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan, chọn một vụ việc bức xúc để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai giám sát.

Đặc biệt, người đứng đầu Mặt trận lưu ý, trong chương trình giám sát năm 2016, Ban Chỉ đạo cần có đầu mối để tiếp tục đôn đốc, theo dõi kết quả đã giám sát để các vụ việc không chìm vào im lặng.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tư vấn tiếp dân trên tinh thần tuần nào cũng có luật sư tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông với sự vào cuộc của hệ thống báo chí của Mặt trận cũng như các đơn vị tham gia giám sát nhằm tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội cũng như sự lắng nghe của các cơ quan, ban, ngành, địa phương về kết quả giám sát...

Từ kết quả mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố đã ký kết chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung giám sát, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chậm nhất đến tháng 6/2016 phải tập huấn cho 33 tỉnh còn lại để giới thiệu kinh nghiệm và tổ chức triển khai thực hiện.

Về phương hướng triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2016, các cơ quan tham gia chương trình sẽ tập trung tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn pháp lý cho nhân dân.

Ngoài ra, các bên tham gia chương trình phối hợp lựa chọn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết. Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Theo VGP News

Bạn đang đọc bài viết "Giám sát sao để khiếu nại, tố cáo không chìm vào im lặng?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin