(Pháp lý) - Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có vai trò không hề nhỏ trong việc giám sát quyền lực tư pháp: Bằng ngòi bút sắc bén, báo chí đã phát hiện và đưa nhiều vụ việc oan sai ra ánh sáng công luận, qua đó giúp cơ quan chức năng biết đến, soi xét lại và đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Sức mạnh từ những bài báo có “giá trị liên thành”.
Trong dòng chảy hiện đại, nhiều nhà báo đã dấn thân vào thực tiễn sinh động của cuộc sống, phát hiện, phản ánh nhiều vụ việc xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng để từ đó giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý kịp thời.
Còn nhớ, gần 30 năm trước, báo Tiền phong đã “nổ phát súng” đầu tiên khi lật lại một vụ án oan sai - vụ án Nguyễn Sỹ Lý ở Nghệ An. Là một cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Tây Nguyên, về phép nghỉ tết ngẫu nhiên trong làng xảy ra một vụ án mạng và thế là ông Lý bị tòa án kết án tội đồ. Bị ngồi tù bất đắc dĩ, ông Lý cùng gia đình kiên trì viết đơn kêu oan nhiều năm nhưng không có kết quả. Cho đến khi có một người tù ở cùng là Cao Tiến Mùi vì thấy ông Lý bị oan, sau khi ra tù đã tìm đến Báo Tiền Phong nhờ giúp đỡ và vụ án mới được sáng tỏ. Phóng sự điều tra “Ba ngàn ngày oan trái” của báo Tiền Phong gây chấn động dư luận lúc đó. Các cơ quan chức năng vào cuộc và Nguyễn Sỹ Lý được minh oan, trở lại làm cán bộ giảng dạy.
Một vụ án khác cũng đã từng gây chấn động dư luận xảy ra ở Khánh Hòa (cách đây khoảng 20 năm), quan tài người chết được gia đình đưa đến trụ sở UBND tỉnh để kêu oan. Một tài xế bị cho là gây ra tai nạn nghiêm trọng rồi bỏ chạy nên bị công an bắt tạm giam, rồi không may ông ta chết trong trại giam. Khi gia đình đem thi thể về chôn thì phát hiện một lá thư tuyệt mệnh nhắn gửi lại cho con, hãy tìm đến nhà báo để giải oan cho cha. Nhà báo Nguyễn Chính - Trưởng văn phòng đại diện báo Đại đoàn kết tại Nha Trang vào thời điểm đó được gia đình nạn nhân gửi gắm lòng tin.
Sau nhiều tháng dấn thân, cuối cùng nhà báo Nguyễn Chính đã thu thập các chứng cứ tài liệu chắc chắn, rõ ràng, đúng luật, để chứng minh rằng khi xảy ra vụ tai nạn thì xe của nạn nhân ở cách đó vài trăm cây số… Sau loạt bài điều tra “Hành trình giải oan” đăng tải trên báo Đại đoàn kết lúc ấy vụ việc đã được làm sáng tỏ. Kết quả, người tài xế được minh oan, Phó giám đốc Công an tỉnh đã đến tận nhà xin lỗi, đồng thời hàng loạt cán bộ công an có liên quan đến vụ việc bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Cách đây không lâu, dư luận cả nước chấn động trước loạt bài: “Khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày” vạch trần những sai phạm của các cơ quan Tư pháp huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), đăng trên báo Sài gòn giải phóng của nhà báo Hàn Ni, tạo sự lan tỏa lớn đến mức truyền thông cả nước nhập cuộc một cách mau lẹ. Nhận thông tin từ báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo dừng hình sự hóa vụ án cà phê Xin Chào. Viện KSND tối cao vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề và đưa ra kết luận, khẳng định ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào không phạm tội kinh doanh trái phép, vụ án bị đình chỉ, quyền lợi hợp pháp của ông Tấn được khôi phục. Hậu quả pháp lý, trưởng Công an huyện Bình Chánh và Viện phó và một kiểm sát viên sơ cấp VKSND huyện Bình Chánh bị cách chức vì những sai phạm trong vụ án trên.
Vụ “áp giải học sinh lên xe đặc chủng giữa sân trường” vào tháng 4/2015 được thông tin nhanh chóng, dư luận hết sức quan tâm. Em học sinh lớp 12 Đỗ Quang Thiện (Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phải ở gần 2 tháng trong trại giam với nỗi hoang mang tột độ. Một lần nữa, bằng nghiệp vụ, các nhà báo đã xác định một cách thấu đáo bản chất sự việc, phân tích và đưa ra nghi vấn, các chứng cứ bị tòa “bỏ quên”… Với nỗ lực phản ánh thông tin khách quan, đa chiều của báo chí, tia hy vọng được thắp lên khi Chánh án TAND tối cao kịp thời kháng nghị, hủy lệnh giam để em được trở lại tham gia kì thi tốt nghiệp THPT, được dư luận đồng tình.
Nhiều năm qua, báo chí Việt Nam đã góp phần lớn đưa những vụ tiêu cực, vi phạm trong hoạt động tố tụng ra ánh sáng. Nhà nước có hệ thống giám sát, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng phải công nhận rằng những vụ việc báo chí điều tra kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc, phản biện mạnh mẽ có tác động tích cực và được quan tâm chỉ đạo làm rõ hơn. Vụ án oan thế kỷ - Huỳnh Văn Nén có lẽ là một ví dụ rõ nét nhất về cuộc hành trình đấu tranh để đưa sự thật khách quan đến ánh sáng công luận. Trong suốt gần 18 năm ngồi tù oan của ông Nén, nhiều tờ báo và thế hệ nhà báo đã cùng đồng hành với gia đình ông một cách kiên trì và vô tư. Để rồi, dù muộn màng, nhưng sau cùng, ông Nén cũng được trao trả tự do và các cơ quan tố tụng Bình Thuận có lời xin lỗi chính thức với ông.
Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm bắt đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng tâm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, các cơ quan báo chí - truyền thông đã thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng giám sát, phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan báo chí - truyền thông cũng ngày được nâng cao. Từ các vụ việc trên, có thể thấy, báo chí đã và đang làm tốt những chức năng, vai trò của mình, “tiếng lòng” của người dân được bộc bạch và công lý đã được thực thi, mang lại niềm tin cho công chúng báo chí và giúp người bị oan sai được phục hồi danh dự.
Giám sát quyền lực tư pháp - báo chí không thể đứng ngoài cuộc
Mặc dù không được thay thế tòa án để phán xét hay buộc tội ai đó, nhưng rõ ràng là báo chí lại có khả năng tìm và chỉ ra những thiếu sót trong hoạt động tư pháp để đồng hành cùng các cơ quan tố tụng, chống oan, sai, kịp thời minh oan cho nhiều công dân vô tội.
Nguyên thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) từng có nhận xét: “Báo chí đã làm tốt vai trò chuyển tải thông tin tạo những hiệu ứng xã hội rất tốt. Việc đưa lượng thông tin chân thật, khách quan, chuẩn mực và nhiều phía từ các chuyên gia đã giúp các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và điều chỉnh hợp lý”. Tại Hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội, nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) vừa diễn ra tại TP. Đà Nẵng, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định: “Rất nhiều vụ việc báo chí phát hiện sớm, qua đó giúp cho UBTP biết được mà xử lý kịp thời, tạo sự đồng thuận cao”.
Sau những vụ án oan “lịch sử” của ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn hay ông Trần Văn Thêm, người ta tự hỏi “Vì sao lại xảy ra những vụ oan sai ?”. Câu trả lời có thể là do người thực thi quyền lực tư pháp có trình độ nghiệp vụ hạn chế, do nóng vội kết án, hoặc vì một lý do nào đó…Thế nhưng sau tất cả, điều đáng quan tâm vẫn là “Làm thế nào để phát hiện oan sai và xử lý như thế nào là tốt nhất?". Chỉ có thể nói rằng, báo chí không đứng ngoài cuộc và đã góp phần giám sát hoạt động tư pháp hiệu quả.
Vì vậy để giảm bớt đến mức thấp nhất án oan, cùng với việc không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp về hình sự và tố tụng, nâng cao năng lực trình độ và đạo đức của các cán bộ cơ quan tố tụng và cơ quan giám định, tổ chức lại hệ thống tòa án sao cho tòa chỉ tuân theo luật pháp, đề cao vị trí của luật sư, lấy kết quả tranh luận tại tòa để làm cơ sở xem xét nghị án… thì việc đề cao vai trò của báo chí sẽ góp phần hạn chế sự lạm dụng quyền lực tư pháp để làm sai. Hay nói cách khác, phát triển mạnh báo chí điều tra không chỉ làm tăng sức sống, sức chiến đấu của báo chí mà còn tích cực làm sáng tỏ vụ việc, giảm oan sai, tránh đi những tổn thất không thể bù đắp cho người lương thiện và gia đình họ khi bị oan sai, góp phần quan trọng để người dân tin tưởng vào công lý, tin tưởng vào cơ quan tư pháp.
Ở các nước phương Tây, tình trạng án oan cũng xảy ra rất nhiều. Một nghiên cứu công bố năm 2014 cho hay, cứ 25 tù nhân bị khép tội tử hình tại Mỹ thì có 1 người vô tội. Tuy nhiên, các nước phương Tây có quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư, một thứ quyền lực độc lập và đầy uy lực. Vì vậy báo chí có thể phát huy vai trò to lớn của mình, đồng thời góp phần cải thiện tình trạng án oan sai thông qua việc kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan công quyền. Thông qua hoạt động điều tra, báo chí là người phát hiện, tạo tiền đề cho các cơ quan tư pháp tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết. Đặc biệt, báo chí có thể tham gia theo dõi, hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong quá trình khởi tố, điều tra, xét xử thông qua việc cung cấp thông tin, chứng cứ.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Quảng, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, để báo chí làm tốt vai trò giám sát các cơ quan tư pháp, bản thân cơ quan tố tụng cũng chủ động trả lời thông tin một cách chính thống thông qua người có thẩm quyền, tránh những thông tin không đúng hay cùng một thông tin mà có cách viết khác nhau. Sự phối hợp và chia sẻ tốt giữa cơ quan báo chí và cơ quan tố tụng sẽ tránh được những cách hiểu không chuẩn mực. “Tôi từng ở vị trí giải quyết một vụ án oan tội giết người và lúc đó có báo chí vào cuộc. Ban đầu có một nhà báo nghi ngờ về tính công khai của các cơ quan đang giải quyết. Với trách nhiệm là người đi giải quyết sự việc tôi đã chân tình, cởi mở giúp cho họ chuyển tải được đúng và khách quan sự việc. Và qua đó báo chí cũng giúp chúng tôi chuyển tải những thông tin đầy đủ và bản thân người bị oan cũng chia sẻ với cơ quan tố tụng” – ông Quảng chia sẻ. Trước đó, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng những vụ việc bức cung, nhục hình và oan sai mà UBTP nêu ra tại các cuộc họp được dư luận rất quan tâm. Song, việc phối hợp với báo chí để chuyển tải thông tin đến người dân chưa tốt lắm.
Thời gian qua, báo chí đã góp phần quan trọng đối với quá trình cải cách tư pháp (CCTP) nước nhà theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP. Thực tế cho thấy, một bài báo hay, bình luận, phân tích sắc sảo sẽ tác động mạnh tới người làm chính sách, tới các vị đại biểu Quốc hội, bởi mỗi người mỗi nghề, không ai biết hết được mọi lĩnh vực. Báo chí tạo áp lực, thúc ép các cơ quan chức năng vào cuộc. Bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đặt hàng: “Tôi mong muốn các bạn ưu tiên hơn cho chủ đề tư pháp. Không chỉ viết bài về quá trình xây dựng, thảo luận các luật, mà khi ban hành rồi, tiếp tục mổ xẻ, phân tích các quy định mới. Báo chí cũng nên chủ động lấy ý kiến phản hồi từ cơ sở để xem vướng mắc trong thực tiễn ra sao, qua đó các cơ quan trung ương nắm bắt tình hình, kịp thời có hướng dẫn. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP đã từng nhấn mạnh, CCTP mà thiếu báo chí đồng hành là không được…
Vũ Lê Minh - Phan Diệp Hoàng