Giải pháp sử dụng toà án công lý Quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

(Pháp lý) - Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 đã xác lập hệ thống biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế. Điều 33 Hiến chương quy định: “Trong mỗi vụ tranh chấp nếu kéo dài có thể đe dọa sự hòa bình và an ninh quốc tế, các đương sự phải tìm giải pháp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian hòa giải, trọng tài, bằng con đường tư pháp, bằng việc sử dụng những cơ quan hoặc những hiệp định khu vực, hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn…”. Như vậy, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ pháp lý của tất cả các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế.

Tòa án Công lý quốc tế đã đưa ra những phán quyết công bằng và rõ ràng về những vấn đề pháp lý phức tạp trong giải quyết tranh chấp của một số nước (ảnh minh họa)
Tòa án Công lý quốc tế đã đưa ra những phán quyết công bằng và rõ ràng về những vấn đề pháp lý phức tạp trong giải quyết tranh chấp của một số nước (ảnh minh họa))

Dựa trên danh sách gợi ý các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp tại Điều 33 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế thường được chia làm hai nhóm. Một là, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính ngoại giao, gồm các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực, kết quả giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao thường là các nghị quyết, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc các cam kết và các điều ước quốc tế được các bên tranh chấp ký kết. Hai là, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán (Tòa án Công lý quốc tế, Tòa

án Luật Biển, Trọng tài quốc tế…) với đặc điểm cơ bản là giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp thông qua hoạt động xét xử với kết quả giải quyết tranh chấp là các phán quyết của Toàn án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế có giá trị chung thẩm, bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ và thực hiện.

Trong nhóm các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán, Tòa án Công lý quốc tế là thiết chế đã giải quyết số lượng lớn các tranh chấp quốc tế, với 119 vụ. Trong đó nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ như eo biển Corfu (Anh kiện Albania năm 1947), thềm lục địa Biển Bắc (Đức/Hà Lan, Đức/Đan Mạch năm 1967), tranh chấp đất, đảo và biên giới hàng hải (El Salvador/Honduras năm 1986), phân định lãnh thổ và hàng hải (Qatar kiện Bahrain năm 1991), chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan (Indonesia/ Malaysia năm 1998), tranh chấp lãnh thổ và hàng hải (Nicaragua kiện Columbia năm 2001), đền Preah Vihear (Campuchia kiện Thái Lan 2013). Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập đến khả năng sử dụng Tòa án Công lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay đối với Việt Nam.

Tòa án Công lý quốc tế- cơ quan tài phán chính của Liên hiệp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế

Tòa án Công lý quốc tế, tên Tiếng Anh International Court of Justice (được viết tắt là ICJ), là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, gồm: Đại hội đồng; Hội đồng bảo an; Hội đồng kinh tế - xã hội; Hội đồng bảo trợ; Ban thư ký và Tòa án Công lý quốc tế. Theo Điều 1 quy chế của ICJ, “Tòa án Công lý quốc tế được thành lập theo Hiến chương Liên Hợp Quốc là cơ quan xét xử chính của Liên Hợp Quốc…”, với chức năng cơ bản và chủ yếu là giải quyết tất cả các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau nếu được thỉnh cầu đúng theo quy định của quy chế tòa. Theo quy định tại Điều 36 của quy chế ICJ: “… thẩm quyền xét xử của Tòa án là nghĩa vụ xem xét về tất cả vấn đề tranh chấp pháp lý có liên quan đến: a)Giải thích hiệp ước; b) Vấn đề bất kỳ của công ước quốc tế; c) Có sự kiện, nếu về sau xác định được vi phạm nghĩa vụ quốc tế; d) Tính chất và mức độ bồi hoàn do vi phạm nghĩa vụ quốc tế…” Ngoài ra, với tư cách là cơ quan xét xử chính của Liên Hợp Quốc, ICJ còn có thẩm quyền trong việc pháp điển hóa pháp luật quốc tế (án lệ) và các thẩm quyền chuyên môn khác như, thẩm quyền đối với một tranh chấp liên quan đến chính quyền của tòa đối với vụ việc cụ thể; thẩm quyền của tòa trong quyền trong việc kiểm soát trình tự xét xử; thẩm quyền đối với các biện pháp bảo hộ tạm thời và việc chấm dứt các vụ tranh chấp…Theo Điều 40, quy chế ICJ “ Các vụ việc được khởi tố ở Tòa án tùy từng trường hợp, hoặc bằng thông báo thỏa thuận thỉnh cầu, hoặc bằng đơn kiện gửi cho Thư ký tòa án …”, các quốc gia muốn đưa một tranh chấp có liên quan ra giải quyết trước cơ quan này có thể chấp nhận thẩm quyền của tòa theo cách thức sau đây:
Phương thức chấp nhận trước thẩm quyền: Theo phương thức này, các quốc gia có thể chấp nhận trước thẩm quyền của ICJ bằng cách ký kết các điều ước quốc tế có điều khoản quy định về biện pháp giải quyết tranh chấp hoặc điều ước chuyên ngành về giải quyết tranh chấp, có quy định rõ: khi có tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực mà điều ước quốc tế đã được ký kết, các bên tranh chấp sẽ đồng thuận chuyển vụ việc ra giải quyết tại ICJ. Theo cách chấp nhận này, một tranh chấp quốc tế chỉ có thể được đưa ra giải quyết nếu các bên tranh chấp đều tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ, với điều kiện các tuyên bố chấp nhận thẩm quyền phải có nội dung và phạm vi hiệu lực (có nghĩa là khi một quốc gia chấp nhận trước thẩm quyền của ICJ, thì bất kỳ quốc gia nào chấp nhận một nghĩa vụ như vậy đều có quyền khởi kiện chống lại quốc gia đó trước ICJ). Các quốc gia có quyền lựa chọn thời điểm, nội dung, điều kiện chấp nhận thẩm quyền của ICJ bằng cách gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một bản tuyên bố về nội dung nói trên, sau đó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển cho Chánh án ICJ.

Tàu HD-8 của Trung Quốc đến vùng biển gần bãi Tư Chính.
Tàu HD-8 của Trung Quốc đến vùng biển gần bãi Tư Chính.)

Phương thức chấp nhận sau thẩm quyền: Theo phương thức này, sau khi tranh chấp đã phát sinh, các bên tranh chấp sẽ thỏa thuận lựa chọn và chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của ICJ. Trong trường hợp này, các bên tranh chấp sẽ ký một điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế (thường gọi là thỏa thuận thỉnh cầu) để đồng ý yêu cầu ICJ xem xét, giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau. Thỏa thuận thỉnh cầu này phải chính thức, rõ ràng và thực hiện bằng đường ngoại giao. Nội dung thỏa thuận phải nêu rõ đối tượng tranh chấp, các câu hỏi cần giải quyết, phạm vi thẩm quyền giải quyết và phạm vi luật áp dụng để giải quyết.

Ngoài thẩm quyền xét xử, ICJ còn có thẩm quyền tư vấn pháp luật theo yêu cầu của cơ quan chính của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn được Đại hội đồng cho phép. Thẩm quyền này được quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc, cụ thể: Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an có thể hỏi ý kiến của ICJ về mọi vấn đề pháp lý. Tất cả các cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn, trong một lúc nào đó, được Đại hội đồng cho phép cũng có quyền hỏi ý kiến ICJ về những vế đề pháp lý có thể đặt ra trong phạm vi hoạt động của họ.

Một số vấn đề cơ bản đặt ra nếu Việt Nam lựa chọn giải pháp sử dụng ICJ để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Nhìn vào tranh chấp ở Biển Đông, có thể phân ra làm 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thực chất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ) và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn (tranh chấp do việc giải thích và áp dụng UNCLOS). Hai loại tranh chấp này khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân... Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết, thẩm quyền giải quyết chúng của những cơ quan tài phán quốc tế cũng có sự khác nhau cơ bản. Theo quy định tại Điều 36 quy chế của ICJ “… thẩm quyền xét xử của Tòa án là nghĩa vụ xem xét về tất cả vấn đề tranh chấp pháp lý có liên quan đến:giải thích hiệp ước;vấn đề bất kỳ của công ước quốc tế;có sự kiện, nếu về sau xác định được vi phạm nghĩa vụ quốc tế; tính chất và mức độ bồi hoàn do vi phạm nghĩa vụ quốc tế…”. Như vậy, khi được thiết lập thẩm quyền thì ICJ có thể giải quyết cả hai loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS ở biển Đông.

Theo Điều 36, khoản 1 của Quy chế ICJ: “ Tòa có thẩm quyền xét xử tất cả các vụ việc mà các bên đưa ra cũng như tất cả các vấn đề được nêu riêng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc hoặc trong các Hiệp ước, các Công ước đang có hiệu lực”. Như vậy, theo phương thức chấp nhận trước thẩm quyền (compromissory clauses), các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có thể ký kết các điều ước quốc tế trong đó có điều khoản quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp để dự liệu khi có tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực mà điều ước quốc tế đã được ký kết, các bên tranh chấp sẽ đồng thuận chuyển vụ việc ra ICJ giải quyết. Với phương án này, giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN có tranh chấp, như với Philippines, Malaysia và Brunei, có thể cùng thỏa thuận đưa vụ tranh chấp chủ quyền Trường Sa ra giải quyết trước ICJ. Trong trường hợp được chấp nhận, trước tiên Việt Nam nên giới hạn yêu sách chủ quyền đối với những đảo, đá đã được chứng minh bằng luận cứ khoa học tự nhiên và lịch sử. Đây là cách gián tiếp đòi hỏi các nước liên quan như Trung Quốc tham gia vụ kiện này. Cùng với đó, hiện nay, các nước ASEAN và Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), Việt Nam và các nước ASEAN cần đưa vào văn kiện này điều khoản compromissory clauses công nhận thẩm quyền của ICJ trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Điều khoản này sẽ giúp cho bất kỳ quốc gia ký kết nào của COC cũng có quyền khởi kiện bên ký kết khác khi không tuân thủ các quy định của COC. Điều khoản compromissory clauses sẽ giúp cho COC trở thành một văn kiện pháp lý thực sự cho việc bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Bởi lẽ, khi có bất đồng liên quan đến việc giải thích hay thực thi COC, bên cho là bị vi phạm có thể đệ trình bất đồng lên ICJ, Tòa sẽ thụ lý giải quyết mà không cần phải có sự chấp thuận của bên bị cho là vi phạm và do vậy không cần có một thỏa thuận đặc biệt trao thẩm quyền cho ICJ. Các điều ước quốc tế này là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên “tiến lại gần nhau”, thu hẹp phạm vi tranh chấp, hạn chế làm phức tạp thêm tranh chấp trong khi chờ giải pháp giải quyết dứt điểm những bất đồng tại các khu vực đang tranh chấp.

Mặt khác, hiện nay trong số 66/192 quốc gia thành viên chấp nhận trước thẩm quyền của ICJ, thì có 02 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Campuchia đã tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ (ngày 19/9/1957), Philippines tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ (ngày 18/01/1972). Như vậy, đối với các quốc gia trong khu vực trực tiếp có tranh chấp ở biển Đông với Việt Nam, Philippines đã trao thẩm quyền đương nhiên cho ICJ. Trong Tuyên bố 1972 về chấp nhận trước thẩm quyền của ICJ, Philippines tuyên bố đồng ý giải quyết tại ICJ nếu bên kia chấp nhận quyền tài phán đã được phê chuẩn trên 12 tháng trước khi nộp hồ sơ đưa tranh chấp.

Do đó, đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tính đến thời điểm hiện nay, ICJ sẽ có thẩm quyền giải quyết nếu một trong các quốc gia có tranh chấp với Philippines tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của ICJ và cùng nhau đưa tranh chấp ra giải quyết tại ICJ hoặc đơn phương khởi kiện các yêu sách tại biển Đông của quốc gia này. Do vậy, để chủ động lựa chọn ICJ trong chiến lược giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần tính toán cân nhắc lựa chọn các phương án tuyên bố đơn phương chấp nhận thẩm quyền của ICJ theo Điều 36.2 Quy chế của Tòa trong việc giải quyết các tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn thời điểm, nội dung, điều kiện chấp nhận thẩm quyền của ICJ bằng cách gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một bản tuyên bố về nội dung nói trên.

Tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Trên cơ sở đã chấp nhận thẩm quyền của ICJ, Việt Nam có thể sử dụng quyền đơn phương khởi kiện và chọn yêu sách của Philippines là đối tượng (do Philippines đã chấp nhận trước thẩm quyền của ICJ và Philippines có tuyên bố đối với vùng Kalayaan rộng lớn bao trùm phần lớn quần đảo Trường Sa nhưng luận cứ pháp lý không xác đáng nhằm để bên có liên quan như Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc. Cùng với đó, Việt Nam có thể sử dụng phương thức Forum prorogatum (thách kiện) để nộp đơn kiện lên ICJ, nhằm đạt được mục tiêu công khai hóa tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, khẳng định vị thế và lập trường nhất quán của quốc gia thực sự có chủ quyền đối với quần đảo này, tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác. Nếu quốc gia bị thách kiện chấp nhận thẩm quyền của ICJ thì cơ quan này có thể giải quyết vụ kiện.

Pháp luật quốc tế hình thành hệ thống các thiết chế, phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế để các bên lựa chọn. Từ thực trạng, tính chất của cuộc tranh chấp biển Đông hiện nay, việc lựa chọn giải pháp đàm phán, cùng với xem xét giải quyết thông qua hệ thống cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có Tòa án công lý quốc tế cần được các quốc gia trong khu vực nghiên cứu áp dụng.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đã chỉ ra, đối với những tranh chấp không thể giải quyết bằng đối thoại và ngoại giao, nhiều quốc gia đã phải cậy nhờ đến tiếng nói của Tòa án Công lý quốc tế và thu lại kết quả tích cực. Không chỉ nhận được những phán quyết công bằng và rõ ràng về những vấn đề pháp lý phức tạp, họ còn tránh được bạo lực, chiến tranh cũng như những ảnh hưởng khó lường của chủ nghĩa dân tộc, trong khi vẫn duy trì được thương mại, đầu tư, du lịch, trao đổi văn hóa giữa các nước với nhau./.

Ngô Hải Hoàn – Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin