Các phương tiện truyền thông Triều Tiên thường sử dụng những từ như “Songun”, “Juche”… để mô tả về quốc gia này. Ý nghĩa của chúng một phần là để tôn vinh các nhà lãnh đạo…
Songun (Tiên quân)
Từ này để chỉ chính sách ưu tiên quân sự của Bình Nhưỡng, xuất hiện dưới thời cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung năm 1960.
Ngày 8-10 năm nay, các phương tiện truyền thông Triều Tiên dùng từ "Songun" để ca ngợi cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Jong-un: "Năng lực chính trị nổi bật của ông đã được thể hiện đầy đủ trong việc tăng cường Đảng Lao động cầm quyền (WPK) thành một lực lượng dẫn đầu của cuộc cách mạng Songun (quân đội trước tiên)".
"Ngày Songun" cũng là một kỳ nghỉ lễ quốc gia của Triều Tiên, diễn ra vào ngày 25-8 hàng năm.
Juche (Chủ thể)
Chỉ ý thức hệ về sự "tự lực, tự cường" của Triều Tiên, xuất hiện dưới thời cố lãnh đạo Kim Il-sung. Hôm 7-10, ông Kim Jong-un phát biểu trong một phiên họp của WPK liên quan tới những nỗ lực không mệt mỏi của Bình Nhưỡng trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên "Juche".
Ngoài một đài tưởng niệm gọi là "Tháp Juche" nằm ở thủ đô Bình Nhưỡng, một bộ lịch phát hành rộng rãi ở Triều Tiên cũng mang tên "Lịch Juche", ra đời vào năm 1997.
Byeongjin (Song tiến)
Từ này dùng để chỉ chính sách then chốt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nội dung phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và nền kinh tế. Tại đại hội Đảng hồi tháng 5-2016, ông Kim cam kết theo đuổi chính sách được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 này.
Chollima (Thiên lý mã)
Đây là tên gọi một con ngựa có cánh tưởng tượng có thể chạy ít nhất 400 km mỗi ngày. Cuối những năm 1950, Triều Tiên phát động phong trào Chollima nhằm tái thiết kinh tế sau cuộc chiến 1950-1953. Triều Tiên còn có một khu phức hợp thép Chollima - một trong những nhà máy lớn nhất ở nước này.
Mallima (Vạn lý mã)
Cũng là tên của một con ngựa tưởng tượng nhưng chạy đường dài với tốc độ nhanh gấp 10 lần Chollima. Truyền thông Triều Tiên thường sử dụng cụm từ "tốc độ Mallima" để thúc đẩy người dân làm việc chăm chỉ hơn, qua đó hoàn thành các mục tiêu kinh tế của đất nước.
Kimilsungism và Kimjongilism
Những từ này có nội dung ca ngợi 2 cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il, đồng thời đề cập tới tư tưởng Songun và Juche.
Một cây lan đặc biệt đã được đặt tên là Kimilsungia (theo tên của ông Kim Il-sung) và một cây thu hải đường được đặt tên là Kimjongilism (theo tên của ông Kim Jong-il).
"Chiến dịch trung thành"
Những chiến dịch này là phương pháp huy động người dân Triều Tiên tối đa hoá sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định.
Năm 2016, Triều Tiên tổ chức các "chiến dịch trung thành" 70 ngày và 200 ngày nhằm cho cộng đồng quốc tế thấy họ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa.
"Tháng 3 gian khó"
Đây là thời kỳ xảy ra nạn đói trầm trọng ở Triều Tiên vào những năm 1990 khiến 3 triệu người thiệt mạng. Cụm từ này được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên vào đầu năm 2017 trước những khó khăn về kinh tế do lệnh trừng phạt quốc tế gây ra.
Núi Paektu
Gia tộc họ Kim thường được mô tả là "Dòng dõi núi Paektu". Cụm từ "Dòng dõi núi Paektu" được sử dụng để khuyến khích người dân Triều Tiên cam kết trung thành với lãnh đạo của họ.
Theo những lời tuyên truyền, ông Kim Jong-il sinh ra ở núi Paektu, mặc dù ông được cho là sinh tại Nga.
"Trừng phạt 3 đời"
Đây là cụm từ mà các phương tiện truyền thông của Triều Tiên hay dùng, có nghĩa là nếu một người phạm tội nghiêm trọng (thường liên quan tới tư tưởng), 3 thế hệ của gia đình người đó sẽ bị trừng trị.
Nhiều kẻ thù của Triều Tiên cũng thành "nạn nhân" của cụm từ nay, Chẳng hạn, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (con gái của người bị "nguyền rủa 3 đời" Park Chung-hee) bị truyền thông Triều Tiên lên án là "phải trả giá đắt vì phạm tội ác bị trừng phạt 3 đời do đã biến Hàn Quốc thành mồ chôn của tự do".
"Chỉ đạo tại chỗ"
Cụm từ diễn tả sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Họ thường được nhìn thấy kiểm tra các cơ sở quân sự hay kinh tế, xung quanh là nhiều quan chức luôn cầm sổ tay ghi chép.
Theo NLD