Dự luật nâng mức trần nợ công của Mỹ vượt qua rào cản Hạ viện, có thể gặp khó khăn tại Quốc hội

Ngày 30/5, dự luật về vấn đề nâng mức trần nợ công của Mỹ, do Tổng thống nước này Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nỗ lực đạt được, đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện. Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.
1-1685513365.jpg

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong cuộc thảo luận về trần nợ công tại Nhà Trắng ngày 22/5/2023 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với việc Ủy ban Lập pháp Hạ viện thông qua, thỏa thuận nguyên tắc nâng trần nợ công sẽ được đưa ra trước toàn thể Hạ viện để tranh luận và bỏ phiếu vào ngày 31-5 (theo giờ Mỹ). Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét.

Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử nước này.

Có gì đặc biệt trong thỏa thuận nâng trần nợ công đã vượt qua rào cản Hạ viện

Ngày 30-5, Ủy ban Lập pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận nguyên tắc nâng trần nợ công với tỷ lệ 7 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Theo hãng tin Bloomberg, trong 13 thành viên của ủy ban có 4 thành viên đảng Dân chủ và 3 thành viên đảng Cộng hòa theo xu hướng bảo thủ.

Khi phiếu bầu đang ở tỷ lệ 6 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Hạ nghị sĩ Thomas Massie - đảng viên Cộng hòa theo xu hướng bảo thủ - đã bỏ phiếu thuận cuối cùng để thỏa thuận nguyên tắc được thông qua tại ủy ban.

Trước đó, sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

 Thỏa thuận dài 99 trang nâng giới hạn nợ 31,4 nghìn tỉ USD trong 2 năm, đến ngày 1.1.2025, cho phép các nhà lập pháp gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.2024.

Thỏa thuận sẽ có những thay đổi được thực hiện lần đầu tiên trong gần 40 năm đối với Đạo luật chính sách môi trường quốc gia. Theo đó, một cơ quan sẽ được chỉ định để đưa ra các đánh giá về môi trường.

Thỏa thuận cũng giúp thu hồi khoảng 30 tỉ USD tiền cứu trợ chưa sử dụng trong đợt dịch COVID-19 mà Quốc hội đã thông qua trước đó, đồng thời thắt chặt các yêu cầu đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho người Mỹ nghèo.

Phản ứng ban đầu là tích cực từ các thị trường tài chính - thị trường sẽ rơi vào hỗn loạn nếu Mỹ vỡ nợ. Nhưng một số nhà đầu tư cảnh giác rằng việc cắt giảm chi tiêu do ông McCarthy đảm bảo có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ. Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho sự biến động tiềm tàng trên thị trường trái phiếu Mỹ.

Các đảng viên Cộng hòa đã lập luận rằng, việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế gia tăng nợ công, ở mức 31,4 nghìn tỉ USD, tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế Mỹ.

Theo dự báo của chính phủ, các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ đó được dự đoán sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong ngân sách trong những thập kỷ tới khi dân số già đi đẩy chi phí y tế và hưu trí tăng cao.

Thỏa thuận sẽ không làm bất cứ điều gì để kiềm chế những chương trình đang phát triển nhanh chóng này. Hầu hết các khoản tiết kiệm sẽ đến từ việc giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước như nhà ở, kiểm soát biên giới, nghiên cứu khoa học và các hình thức chi tiêu "tùy ý" khác. Chi tiêu quân sự sẽ được phép tăng trong 2 năm tới.

Quyền lực của Hạ viện Mỹ

Hạ viện Mỹ có quyền lực đặc biệt: quyền đưa ra các đạo luật về thu nhập, phế truất các quan chức chính phủ, và bầu tổng thống nếu như đại cử tri đoàn không quyết định được ai thắng cử.

Giống Thượng viện, Hạ viện Mỹ có quyền đề xuất các dự luật mới hay các sửa đổi luật. Thành viên ở hai viện này đều được bổ nhiệm vào các ủy ban phụ trách các lĩnh vực khác nhau như ngân sách và tư pháp. Hạ viện Mỹ có quyền khởi sướng các thủ tục tố tụng với quan chức chính phủ, đưa ra các đạo luật về thu nhập, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Mặc dù Thượng viện và Hạ viện có vai trò giống nhau là giám sát hoạt động của chính phủ, nhưng những người lập quốc ở Mỹ cũng trao cho họ những thẩm quyền riêng. “Họ có những vai trò riêng biệt. Ở Thượng viện, đó là về việc bổ nhiệm và về các hiệp ước, còn ở Hạ viện là về thuế và chi tiêu ngân sách”.

Có thể gặp khó khăn tại Quốc hội

Một số nghị sỹ Cộng hòa của Mỹ ngày 29-5 cho biết họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng trần nợ công. Đây là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công của Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc thông qua tại Quốc hội trước khi chính phủ nước này hết tiền trang trải các chi phí vào tuần tới.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cho rằng thỏa thuận sơ bộ này không đủ để làm thay đổi đường hướng tài khóa.

Một trong số các nghị sỹ bảo thủ, ông Chip Roy, ngày 30-5 cho biết ông sẽ không ủng hộ dự luật trên. Trong bài đăng trên trang Twitter cá nhân, ông cho rằng đây không phải là một thỏa thuận tốt, khi nước Mỹ sẽ phải gánh thêm khoảng 4.000 tỷ USD nợ công để đổi lại việc đóng băng chi tiêu trong hai năm và không có cải cách chính sách đáng kể nào.

Tại Thượng viện, nghị sỹ Cộng hòa Mike Lee cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận trên. Điều này có thể báo hiệu cho một cuộc bỏ phiếu khó khăn tại Thượng viện, nơi mà bất cứ thành viên nào cũng có thể trì hoãn tiến trình trong nhiều ngày. Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ 51-49.

Tuy nhiên, những người ủng hộ dự đoán Quốc hội sẽ thông qua thỏa thuận trước khi Chính phủ Mỹ hết tiền để thanh toán các hóa đơn. "Thỏa thuận chắc chắn sẽ được thông qua. Không nghi ngờ gì về điều đó" - hạ nghị sĩ Dusty Johnson của đảng Cộng hòa cho biết, sau khi nói chuyện với hàng chục nhà lập pháp đồng nghiệp. Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ được thông qua.

Tác động với thế giới nếu Mỹ không thể nâng trần nợ công

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 07/5 cảnh báo rằng đàm phán về trần nợ công không nên diễn ra với “một khẩu súng chĩa vào đầu người dân Mỹ và nền kinh tế Mỹ”.

Tình trạng thiếu vốn sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ ưu tiên chi tiêu để thực hiện trước trả nợ và trả lãi. Điều này đồng nghĩa với việc trì hoãn trả lương cho hàng chục triệu lao động trong lĩnh vực công. Chi trả an sinh xã hội và trợ cấp y tế cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương, trong đó có cựu chiến binh, cũng mang rủi ro bị trì hoãn.

Mặc dù khoản nợ nào không được thanh toán có thể chỉ là tạm thời nhưng các cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng ngay cả một vụ vỡ nợ "ngắn" cũng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất 500.000 việc làm.

Họ cho rằng vỡ nợ kéo dài có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6% và mất 8,3 triệu việc làm. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, Mỹ sẽ buộc phải ngừng vay nợ hoàn toàn vào tháng 7 hoặc tháng 8, điều này được dự đoán sẽ gây ra làn sóng chấn động hơn nữa với thị trường tài chính toàn cầu.

Sau đó, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò là nền tảng cho hệ thống tài chính thế giới. Việc vỡ nợ có thể làm suy yếu nghiêm trọng thương mại toàn cầu và đẩy phần còn lại của thế giới vào một cuộc suy thoái sâu.

Một vụ vỡ nợ nghiêm trọng hơn sẽ khiến đồng USD Mỹ sụt giảm mạnh, gây ra biến động hỗn loạn về tỷ giá hối đoái, đồng thời làm tăng giá dầu và các hàng hóa khác.

Tổng thống Biden muốn Đảng Cộng hòa cam kết công khai rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ và có thể tiếp tục thanh toán mọi hóa đơn nhờ khả năng tiếp tục vay nợ.

Năm 2011, khi ông Biden giữ vị trí phó tổng thống, chính quyền ông Barack Obama đã buộc phải nhượng bộ trước Đảng Cộng hòa để tránh vỡ nợ và Tổng thống Biden muốn tránh lặp lại tình trạng leo thang đó.

Minh Anh ( t/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin