Quy tắc xuất xứ trong CPTPP, RCEP, EVFTA: Những lưu ý quan trọng, Doanh nghiệp cần biết

23/04/2021 12:20

(Pháp lý) - Vì Quy tắc xuất xứ (QTXX) trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nói chung và các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nói riêng được quy định rất phức tạp ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư của các quốc gia thành viên nên các doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, bảo đảm phù hợp với tiêu chí xuất xứ dành cho ngành hàng của mình.

Tính phức tạp của quy tắc xuất xứ trong các FTA

Quy định về QTXX trong các hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA nói riêng và các FTA thế hệ mới nói chung đều có quy tắc xuất xứ riêng, chứa đựng các quy định để xác định xuất xứ của hàng hóa nội khối, đảm bảo rằng các đối tác thương mại chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP, RCEP, EVFTA thường gắn với nhiều cam kết tự do thương mại “xa hơn” so với FTA truyền thống cho nên có những đặc thù riêng biệt. Song về cơ bản, QTXX trong các FTA thế hệ mới mang đặc trưng cơ bản sau.

Thứ nhất, quy tắc xuất xứ là một “tính năng” vốn có của các khu vực thương mại tự do. Các FTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại bằng cách cắt giảm thuế đối với những mặt hàng có xuất xứ từ các nước thành viên. Tuy nhiên, tự do hóa không diễn ra tự động mà được triển khai qua một cơ chế giám sát nghiêm ngặt là quy tắc xuất xứ. Trong một khu vực thương mại tự do, quy tắc xuất xứ có chức năng là loại bỏ trường hợp một bên thứ ba nhập khẩu hàng hóa vào một nước thành viên của FTA sau khi đã vận chuyển qua một nước khác cũng là thành viên của FTA nhằm hưởng ưu đãi thuế quan mà hai thành viên này dành cho nhau. Vậy nên, quy tắc xuất xứ được coi là “chìa khóa” để tự do hóa các ưu đãi thuế quan của khu vực thương mại, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới.

Về bản chất, quy tắc xuất xứ được coi là một rào cản thương mại, được nhà nước sử dụng một biện pháp “bảo hộ ẩn” để bảo vệ sản xuất trong nước. Nếu như chương trình cắt giảm thuế quan “thiên vị” hàng hóa một nước khác, thì quy tắc xuất xứ lại có thể giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, như một cách thức để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi sự gia tăng số lượng hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ tạo ra cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, gây áp lực các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra nghiêm ngặt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của đối tác thương mại.

Thứ hai, quy tắc xuất xứ trong các FTA thế hệ mới ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư của các quốc gia thành viên. Những nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, quy tắc xuất xứ trong các FTA có thể giúp các nước thành viên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nhà đầu tư đến từ những nước không thuộc FTA. Nói cách khác, việc thiết lập một quy tắc xuất xứ phù hợp có thể thành công trong việc tạo ra các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các nước không thuộc FTA, thâm nhập vào FTA thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với mỗi quốc gia, quy tắc xuất xứ là một công cụ quan trọng, giúp xác định rõ ràng mức thuế áp dụng với hàng hóa nhập khẩu. Khi hàng hóa có xuất xứ từ những quốc gia không tồn tại thỏa thuận ưu đãi thuế quan với quốc gia nhập khẩu, sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị áp dụng mức thuế suất nhập khẩu cao, và đương nhiên lợi ích kinh tế của nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, giải pháp tốt để các nhà sản xuất giảm thiểu chi phí bỏ ra là đầu tư trực tiếp vào chính các quốc gia này. Cách làm này sẽ tránh được việc phải trả một mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua hoạt động sản xuất và cung cấp hàng hóa từ cơ sở sản xuất được thành lập ngay trên nước thành viên, nơi có thị trường tiêu thụ.

Đối với các thị trường tiêu thụ tiềm năng với nhiều lợi thế về đầu tư (nguyên vật liệu, nhân công, chính sách, pháp luật…) thì đây là một giải pháp đầu tư tốt, tạo ra lợi ích lớn lao cho chính bản thân quốc gia tiếp nhận đầu tư lẫn nhà đầu tư đến từ quốc gia không tham gia hiệp định tự do thương mại. Ngoài ra, ở các nước đang phát triển có tham gia các FTA, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, thúc đẩy sự hình thành các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất để xuất khẩu, vừa tận dụng được nguồn lực vốn có lẫn ưu đãi thuế quan. Trong trường hợp này, ưu đãi thuế quan có được xuất phát từ việc hàng hóa xuất khẩu được mang xuất xứ của nước tham gia FTA.

Thứ ba, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP, RCEP, EVFTA có tính phức tạp, là sự kết hợp của nhiều tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa. Khác với các quy tắc xuất xứ khác trong hệ thống quy tắc xuất xứ, quy tắc xuất xứ trong CPTPP, RCEP, EVFTA có tính phức tạp và thường là sự thể hiện cho đặc thù của liên kết nội khối. So với các QTXX trong các FTA truyền thống, QTXX trong CPTPP, RCEP, EVFTA cũng sử dụng các tiêu chí, phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa phổ biến của thương mại quốc tế là tiêu chí hàng hóa thuần túy, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị và tiêu chí công đoạn gia công, chế biến hàng hóa.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào đối tác ký kết FTA mà các phương pháp và công thức tính toán theo từng tiêu chí có sự phức tạp và ngặt nghèo hơn so với các quy tắc xuất xứ ưu đãi theo FTA truyền thống khác. Ngoài ra, căn cứ vào đặc tính của một số loại hàng hóa mà trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA còn tồn tại nhiều tiêu chí xuất xứ mặt hàng cụ thể khác, như quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng đối với hàng dệt may; quy tắc “phản ứng hóa học”, “nguyên vật liệu tiêu chuẩn” áp dụng đối với sản phẩm hóa chất, xăng dầu…

Kể từ những năm 1990, các FTA ra đời đã đi kèm với việc thiết kế và thực hiện các QTXX ít minh bạch, hạn chế và thường khác biệt giữa các bộ QTXX. Khi QTXX phức tạp hơn sẽ dẫn đến chi phí giao dịch cao hơn và hạn chế việc sử dụng các ưu đãi thương mại đa phương chính thức. Cho nên, cũng tương tự như QTXX trong FTA truyền thống, QTXX trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA cũng là yếu tố tạo nên hiệu ứng bát mì, làm phức tạp hệ thống QTXX của những quốc gia có xu hướng hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế.

Những khuyến nghị dành cho doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, sự tăng lên không ngừng của các quy tắc xuất xứ với sự khác biệt đáng kể và sự phức tạp vốn có trong tiêu chí, công thức và phương pháp xác định xuất xứ đã làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam “thất bại” trong quy trình chứng minh xuất xứ hàng hóa. Trở ngại lớn thường xuất hiện ở các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài. Khi hàng hóa không ở mức độ “thuần túy” thì việc chứng minh xuất xứ trở nên khó khăn và phức tạp.

Đặc biệt, đối với các quốc gia thành viên của FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã ký kết hiệp định như Australia, Canada, Nhật Bản, EU… thì việc tuân thủ QTXX là điều kiện tiên quyết để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi.
Để các lợi ích từ đối xử ưu đãi trong FTA thế hệ mới không bị triệt tiêu và vô hiệu hóa, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng các vấn đề sau:

Phải nắm vững các quy định, công thức tính toán của từng quy tắc xuất xứ ưu đãi liên quan đến ngành hàng của mình. Khi hàng hóa mang tính thuần túy hoàn toàn thì xác định xuất xứ hàng hóa khá đơn giản, nhưng khi hàng hóa không thuần túy thì một tiêu chí xuất xứ cụ thể được vận dụng với công thức, phương pháp xác định xuất xứ khá phức tạp. Bản thân các doanh nghiệp không nắm vững hoặc không biết cách vận dụng các quy định của quy tắc xuất xứ thì đương nhiên “thất bại” trong việc chứng minh xuất xứ cho hàng hóa. Các FTA có sự khác biệt trong yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, mà chủ yếu liên quan đến cách thức và phương pháp tính toán, vì vậy nhiều doanh nghiệp phải thiết lập và duy trì cả một hệ thống kế toán riêng phục vụ cho nhiệm vụ thỏa mãn quy tắc xuất xứ.

Bên cạnh đó, phải linh hoạt điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với chuỗi cung ứng sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tại, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép… vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… điều này gây trở ngại rất lớn cho việc vận dụng tiêu chí xác định xuất xứ.

Cho nên, đối với mỗi thị trường nhập khẩu cụ thể, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất và nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào bảo đảm phù hợp với tiêu chí xuất xứ dành cho ngành hàng của mình. Chẳng hạn, CPTPP cho phép các quốc gia thành viên sử dụng tiêu chí cộng gộp, theo đó khi các bên sử dụng nguyên phụ liệu có xuất xứ của từ một hoặc nhiều quốc gia thành viên để sản xuất ra hàng hóa thì hàng hóa đó cũng được coi là có xuất xứ nội khối. Do đó, trong trường hợp này, các doanh nghiệp phải xem xét đến tiêu chí cộng gộp để xác định lựa chọn nguồn cung nguyên vật liệu phù hợp cho hoạt động sản xuất của mình.

Sự khác nhau về quy tắc xuất xứ giữa CPTPP, RCEP và EVFTA

Đối với tiêu chí xuất xứ chung, CPTPP quy định, hàng hóa phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước, toàn bộ từ các nguyên phụ liệu có xuất xứ hoặc được sản xuất toàn bộ từ nguyên phụ liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó thỏa mãn các quy tắc của từng mặt hàng cụ thể.

Đối với RCEP, hàng hóa phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, điều này khác với tiêu chí của CPTPP. Bên cạnh đó, hàng hóa có thể được sản xuất tại một nước thành viên có sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng phải đáp ứng quy định tại Phụ lục 3A Hiệp định RCEP về quy tắc cụ thể mặt hàng.

Giống như RCEP, Hiệp định EVFTA cũng quy định về hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên, đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ thì có điều kiện là nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II của Nghị định thư 1.

Quy định về những công đoạn gia công chế biến đơn giản

CPTPP không quy định công đoạn gia công chế biến đơn giản vì thống nhất quan điểm trong khi đàm phán PRS đã tính đến và loại trừ các công đoạn gia công chế biến đơn giản. Danh mục PSR trong CPTPP được quy định đủ chi tiết, đủ chặt để tránh “công đoạn gia công chế biến đơn giản” có thể diễn ra nhằm gian lận xuất xứ thực chất của hàng hóa.

RCEP và EVFTAgiống nhau trong quy định về những công đoạn gia công, tuy nhiên EVFTA quy định cụ thể thêm về các công đoạn như: là, ủi, là hơi vải với sản phẩm dệt may; công đoạn tạo màu hoặc tạo hương cho đường hoặc tạo khuôn cho đường cục; nghiền nhỏ một phần hay hoàn toàn đường tinh thể.

Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về FTA còn rất hạn chế

Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW các số liệu thống kê của cho thấy, sự hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về FTA còn rất hạn chế. Nghiên cứu của VCCI đã chỉ ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về các FTA thế hệ mới. Cụ thể, đối với Hiệp định CPTPP, có 12% doanh nghiệp chưa biết và tới 40% chưa hiểu rõ về nội dung. Tỷ lệ này với EVFTA tương ứng là 17% và 56%… việc nắm bắt và tham gia vào FTA không chỉ tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, mà còn góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, EU, Mỹ…. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về những cơ hội, thách thức FTA mang lại, hiểu rõ và đáp ứng những quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp Việt được hưởng thuế quan ưu đãi, đấy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Trần Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Quy tắc xuất xứ trong CPTPP, RCEP, EVFTA: Những lưu ý quan trọng, Doanh nghiệp cần biết" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin