Tham nhũng đang làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế không chỉ ở Việt Nam đang có mối liên kết giữa hai khu vực trong và ngoài nhà nước để tham nhũng, có sự chuyển dịch lợi ích ra khu vực ngoài nhà nước để tham nhũng.
Do vậy, các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo công bố bộ công cụ hướng dẫn các bước đi thực tế phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức mới đây đều nhận định, DN là một bộ phận không thể tách rời trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng nên phải có trách nhiệm và kỹ năng để cùng xã hội “cắt đứt chuỗi tham nhũng”.
Mạnh tay hơn nữa với tham nhũng
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày cho thấy, cử tri và nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn và đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ông Brook Horowwitz – Giám đốc điều hành tổ chức IBLF Global, tác giả bộ công cụ cho biết, bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN được biên soạn dựa trên kinh nghiệm quốc tế của nhóm các nước phát triển G20 nhằm phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với nội dung ngắn ngọn, dễ hiểu, bộ công vụ đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể để DN có thể áp dụng, thực hành để phòng ngừa tham nhũng dưới mọi hình thức, giúp quản trị rủi ro tốt hơn và đặc biệt có mong muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, cắt giảm tối đa chi phí và tăng khả năng cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.
Thực tế là vừa qua việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, việc xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn rất thấp.
Vì vậy, “Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân” – báo cáo nêu rõ.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, tình hình lãng phí, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng.
Do đó, Thủ tướng cho biết, trong năm 2017, Chính phủ sẽ “đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Phát hiện, xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, tập trung xử lý các vụ án lớn, xã hội quan tâm”.
Như vậy, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ vẫn đang là “ngọn cờ tiên phong” cho toàn xã hội trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Bản thân Chính phủ đã xác định sẽ cùng các lực lượng xã hội và cộng đồng tạo thế “chân vạc” cho cuộc chiến phòng, chống tham nhũng khi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính và đem sự công khai, minh bạch vào tất cả các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội để “xóa hết đất của tham nhũng”.
“Quên” DN sẽ khó phòng, chống tham nhũng triệt để
Thực tế cho thấy, tham nhũng vẫn đang là 1 trong 6 yếu tố tác động đến môi trường kinh doanh. Mỗi năm, ước tính, các DN toàn cầu dành khoản tiền để hối lộ chiếm 2% GDP toàn cầu. Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, thời gian qua, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và cắt giảm thời gian thực hiện đáng kể, ghi nhận những cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN, gia nhập thị trường, đặc biệt là sự minh bạch.
Tuy nhiên, điều tra của VCCI cho thấy, vẫn còn một số xu hướng đáng lo ngại như DN phản ánh các khoản chi trả chi phí không chính thức tăng từ 50% năm 2013 đến 66% năm 2015, 65% DN được điều tra cho biết bị nhũng nhiễu khi thực hiện thủ tục hành chính.
Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400ha đất, số tiền thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219ha đất. Như vậy, số tiền thu hồi cho Nhà nước chỉ được khoảng 8% so với tổng số tiền bị thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra (Báo cáo công tác 10 năm phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ).
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ thừa nhận, 20 năm qua mới tập trung chống tham nhũng trong khu vực công đối với người có chức vụ, quyền hạn nên chưa đạt mục tiêu phòng, chống tham nhũng.
Một trong những nguyên nhân được xác định là do chưa quy định toàn diện về phòng, chống tham nhũng, chưa xác định vấn đề tham gia của DN và khu vực ngoài nhà nước vào phòng, chống tham nhũng là một yêu cầu tất yếu. Thực tế có mỗi liên kết giữa hai khu vực để tham nhũng, có sự chuyển dịch ra khu vực ngoài nhà nước để tham nhũng.
Điều đáng nói là trong cuộc chiến này, dù DN là một bộ phận không thể tách rời và là đối tượng dễ bị tổn thương trước những vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhưng “DN đang thiếu tự tin về vai trò tham gia vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng” – TS.Vũ Công Giao cho biết.
Ông Brook Horowwitz – Giám đốc điều hành tổ chức IBLF Global, tác giả bộ công cụ cho biết, DN nhỏ dễ gặp phải và dễ bị tác động bởi tham nhũng vì không có cán bộ tuân thủ giám sát nhân viên hay cán bộ kiểm toán nội bộ kiểm tra từng giao dịch.
Qua tập huấn về bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN cho thấy, DN quan tâm nhất là khả năng phát hiện để phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ.
DN cũng muốn thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh để hướng đến không có tham nhũng trong nội bộ và giảm thiểu tham nhũng với đối tác. Rõ ràng, khung pháp lý không đủ để phòng, chống tham nhũng mà cần xóa hết “đất” cho tham nhũng phát triển.
Ông Giles Lever – Đại sứ Anh tại Việt Nam chỉ rõ, phòng ngừa tham nhũng không có nghĩa là làm tăng thêm các thủ tục hành chính, quy định hay ràng buộc về pháp lý mà là sự cam kết, vấn đề đạo đức DN, chiến lược kinh doanh của DN: minh bạch, trung thực và hiệu quả. Quan điểm này có sự tương đồng với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. “Tham nhũng được phòng ngừa hiệu quả nhất chỉ khi các DN cùng hợp tác hành động, chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt” – ông Lộc nhận định.
Do đó, với bộ công cụ phòng ngừa tham nhũng trong DN, mỗi DN sẽ là một “công dân” chống tham nhũng để cùng nỗ lực tập thể “cắt đứt chuỗi tham nhũng”. Bộ công cụ sẽ là cẩm nang hướng dẫn các DN tự phòng ngừa tham nhũng nội bộ và bên ngoài DN. Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI tin tưởng, khi 80% DN sử dụng bộ công cụ này thì việc phòng, chống tham nhũng trong nội bộ DN sẽ có hiệu quả, đồng thời lan tỏa đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống tham nhũng mà cả nước đang tiến hành.
Hiện Chính phủ cũng đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với các quy định khuyến khích DN phòng ngừa tham nhũng thông qua công khai, minh bạch, trách nhiệm của người đứng đầu trong sản xuất, kinh doanh, kê khai tài sản. Đồng thời khuyến khích DN tự mình tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng có bắt buộc một số Quỹ, ngân hàng thương mại áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng vì có ảnh hưởng đến nhà đầu tư…
Ngày 01/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đã quyết định sẽ đưa 6 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, gồm:
(1) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, thương mại và dịch vụ Agribank;
(2) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam;
(3) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh;
(4) Vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin;
(5) Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh thành phố HCM (phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty);
(6) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Theo Bao Phapluat