Nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

11/12/2016 07:31

Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng 09-12, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm và chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách” với sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ban, ngành.

Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến tham luận của nhiều đại biểu tham dự cho rằng, tham nhũng ở Việt Nam thường được hiểu là sự vi phạm pháp luật vì lợi ích riêng. Cách tiếp cận này chỉ dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành và không dễ áp dụng trong các dự án hợp tác công tư, bản chất là hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp cận tham nhũng từ góc độ xã hội để làm rõ các dạng tham nhũng và nguyên nhân tham nhũng trong các dự án phát triển hạ tầng và khai khoáng sử dụng nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.

 Kết quả nghiên cứu về tham nhũng đất đai được chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Kết quả nghiên cứu về tham nhũng đất đai được chia sẻ tại buổi Tọa đàm)

Thực tế từ một số dự án cho thấy, tham nhũng đất đai nảy sinh từ tương tác giữa doanh nghiệp với cán bộ công chức là nghiêm trọng nhất và ngày một tăng cao cùng với chủ trương đối tác công tư. Đồng thời, trong hầu hết các dự án lợi ích của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án này đã không quan tâm thỏa đáng. Trên thực tế các nhóm lợi ích chi phối quá trình quy hoạch và phát triển và ít quan tâm tới những lợi ích kinh tế và xã hội rộng lớn hơn.

Kết quả nghiên cứu ở 5 dự án khác nhau chỉ ra nhiều loại tham nhũng, như thông thầu, tham nhũng chính sách vv… Ở một dự án xây dựng đô thị mới ở miền núi phía Bắc tới 400 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, nhưng chỉ có một nhà thầu.

Doanh nghiệp phải chi phí nhiều khoản “bôi trơn”, mất 4 năm làm thủ tục mới được khởi công. Bù lại, các khoảng đất trong quy hoạch được phân cho nhà đầu tư, để chờ các dự án của “đệ tử” bán bớt hàng, chính quyền địa phương cho “tạm dừng dự án kiểm tra” vv… Người dân được bồi thường đất đai nhưng giá thấp và không còn sinh kế vì hết ruộng đất...

TS. Andrew Wells Dang - cố vấn quản trị cao cấp của Tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Việt Nam, cho rằng, “khoảng tự do chính sách” dẫn tới sự bắt tay giữa công - tư, giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế. “Cấu kết tham nhũng thời gian qua là do sự tham gia giám sát của cộng đồng chưa mạnh mẽ, mà điều này rất quan trọng, cho nên phải kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy mô hình người dân giám sát và sự tham gia của cộng đồng.

Từ cách tiếp cận này, các đại biểu đề xuất, bên cạnh luật pháp thì các tiếp cận từ góc độ xã hội như tăng cường trách nhiệm giải trình thông qua quá trình bầu cử cạnh tranh, kiểm tra, xem xét hành chính các dự án, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các dự án, đồng thời tạo cơ chế cho người dân tham gia vào quá trình thảo luận chính sách và giám sát sự tuân thủ chính sách…

Hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai và quản lý dự án cần bổ sung quy định bắt buộc tiếp thu ý kiến người dân, thay đổi quy trình ra quyết định của một nhóm nhỏ. Luật phòng, chống tham nhũng cần ưu tiên phòng ngừa việc cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ - công chức ở lĩnh vực đất đai, đầu tư. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng để tránh cấu kết từ xây dựng chính sách.

Theo Nọichinh

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai" tại chuyên mục Phòng, chống tham nhũng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin