Doanh nghiệp nhỏ và vừa kì vọng cơ hội hội nhập từ chính sách

04/03/2024 16:50

(Pháp lý) - Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ( DNNVV) cho thấy: cho dù đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hết sức quan trọng. Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DNNVV phát triển.

Nhiều nước dành chính sách hỗ trợ đặc biệt về pháp lý, vốn, thuế…cho DNNVV

Mỹ: quốc gia phát triển bậc nhất, nhưng hết sức coi trọng DNNVV

Tuy Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất trên thế giới nhưng Chính phủ nước này vẫn hết sức coi trọng sự tồn tại và phát triển của DNNVV. Tại Mỹ, hơn 30 triệu doanh nghiệp nhỏ là động lực chính của nền kinh tế, tạo ra hai phần ba việc làm mới của khu vực tư nhân và sử dụng hơn 50% nguồn lao động quốc gia.

Có thể nói, Mỹ là quốc gia khởi đầu về luật hóa chính sách hỗ trợ DNNVV. Luật Hỗ trợ DNNVV của Mỹ (The Small Business Act) lần đầu tiên được ban hành vào năm 1953 với mục đích hỗ trợ và bảo hộ mức cao nhất có thể quyền lợi của các DNNVV và đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực của Chính phủ.

2-1705626943.jpg

Mỹ hết sức coi trọng DNNVV ( ảnh minh họa)

Luật này cũng quy định thành lập cơ quan hỗ trợ DNNVV của Mỹ (SBA) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV. SBA hoạt động như một tổ chức độc lập để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ. Thông qua việc hỗ trợ vốn và tạo cơ hội ký hợp đồng, SBA giúp doanh nghiệp nhỏ phát triển và tạo việc làm bền vững.

Hoạt động chủ yếu của SBA là thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính, cung cấp các khoản vay. SBA không cung cấp các khoản vay trực tiếp cho DNNVV mà thông qua cơ chế bảo lãnh một phần hoặc thông qua hệ thống ngân hàng theo quy định. SBA còn thực hiện các chương trình cho vay mua tài sản cố định, cho vay tài chính vi mô, chương trình hỗ trợ tài chính do thảm họa. SBA cũng thực hiện các chương trình phát triển DNNVV như tạo kênh thông tin tương tác DNNVV và Chính phủ thông qua mạng lưới 900 trung tâm hỗ trợ phát triển DNNVV để kết nối khách hàng có nhu cầu tiếp cận.

Các khoản vay được SBA đảm bảo thường có lãi suất, phí tương đương với các khoản vay không được bảo đảm và thường kèm theo dịch vụ tư vấn giúp doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp, vận hành hiệu quả. Khoản vay được SBA bảo đảm có khoản thanh toán thấp hơn, yêu cầu chi phí linh hoạt và một số khoản vay không yêu cầu tài sản thế chấp.

Không chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ hoạt động tiêu thụ sản phẩm tại nước Mỹ, SBA còn quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế và tăng tính cạnh tranh của những doanh nghiệp này bằng những khoản vay dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, tư vấn và đào tạo cho người đầu tư cũng như doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ liên bang Mỹ được biết đến là người mua lớn nhất thế giới. Hàng năm, những hợp đồng hàng trăm tỷ USD được sử dụng mua hàng hóa và dịch vụ cho cơ quan liên bang. Quốc hội đã đặt yêu cầu tối thiểu 23% khoản chi của Chính phủ phải được sử dụng từ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ.

Đặc biệt, SBA còn đóng vai trò giám sát cơ quan liên bang để đạt được 23% giá trị hợp đồng của chính phủ liên bang sẽ được ký kết với doanh nghiệp nhỏ. Cơ quan chính phủ liên bang công khai danh sách những hợp đồng và một số hợp đồng được đưa vào danh sách đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ. Một số hợp đồng (set-aside contract) trong danh sách đó là một phần công việc của hợp đồng lớn, hoặc những hợp đồng nhỏ (sole- source contract) dành cho doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ sẽ dành tối thiểu 5% giá trị hợp đồng hàng năm cho các doanh nghiệp nhỏ khó khăn, doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ và 3% giá trị hợp đồng cho doanh nghiệp nhỏ của người khuyết tật, doanh nghiệp nằm trong vùng suy thoái kinh tế và doanh nghiệp nhỏ nằm trong khu vực không được sử dụng đúng mức (historically underutilized business zone- HUBZone).
 
Trung Quốc: hỗ trợ đổi mới công nghệ, hoàn thiện thể chế huy động vốn cho DNNVV

Hiện nay, DNNVV chiếm khoảng 99,6% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, là bộ phận quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, có đóng góp lên đến hơn 60% GDP và 50% thuế cho quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của DNNVV vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có những khó khăn về huy động vốn do những rào cản thể chế gây ra, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.

Nhằm hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận tài chính, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách. Có 2 nhóm chính sách cơ bản hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn dễ dàng hơn:

Thứ nhất, DNNVV bổ sung vốn với nhiều kênh khác nhau, trong đó kênh huy động vốn truyền thống mà DNNVV được khuyến khích là vay tín dụng ngân hàng; vốn cũng có thể huy động từ các quỹ như quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ đầu tư; từ các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc ưu đãi thuế của Chính phủ;  Thứ hai, chính sách liên quan đến tài sản thế chấp vay. DNNVV cần tăng lượng tài sản để tạo điều kiện vay vốn nhanh chóng hơn, hình thức vay linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thiết lập hệ thống tổ chức bảo lãnh tín dụng cho DNNVV với hơn 4.000 tổ chức dựa trên nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa góp phần hỗ trợ DNNVV trong huy động vốn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng khá phát triển, hàng loạt cải cách chính sách đã hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường vốn thuận lợi hơn. DNNVV được phép kết nối với một ngân hàng hay một doanh nghiệp uy tín đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu. Chính sách cho DNNVV vay trực tiếp từ Chính phủ cũng được áp dụng góp phần tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động.

Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho DNNVV, Chính phủ đã áp dụng các chính sách miễn và giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy việc làm, khuyến khích phát triển công nghệ cao và ngành dịch vụ. Theo đó, có khoảng 95% DNNVV được hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi của Chính phủ, góp phần giải quyết vấn đề tài chính cho Chính phủ và hỗ trợ tài chính cho DNNVV.

3-1705626945.jpg

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số những mặt hàng chủ lực của Việt Nam

Đáng chú ý, Trung Quốc còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ… Trong những năm qua, đột phá về khoa học và công nghệ góp phần thổi làn gió mới hỗ trợ DNNVV phát triển sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và giải quyết nhu cầu tín dụng.

Theo Bảng xếp hạng toàn cầu, Trung Quốc đã vươn lên nhóm dẫn đầu về Chỉ số đổi mới của Bloomberg hay Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Trung Quốc luôn lọt top cao liên quan đến công trình nghiên cứu và nắm giữ số lượng lớn bằng sáng chế. Nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV trong huy động vốn để đổi mới công nghệ, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các văn bản khuyến khích DNNVV nâng cao công nghệ và vận dụng linh hoạt.

Thông qua nhiều biện pháp, các công ty công nghệ thông tin hỗ trợ nguồn lực cho các DNNVV khởi nghiệp và phát triển. Trung Quốc đã hình thành và áp dụng mô hình cho vay trực tuyến – công nghệ tài chính Fintech, nền tảng cho vay CreditTech, mô hình cho vay ngang hàng (P2P), Ngân hàng kỹ thuật số WeBank lớn nhất Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp thu nhập thấp... Đột phá Fintech đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động tín dụng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận vốn đa dạng hơn cho DNNVV mà trước đó bị thống trị bởi các ngân hàng thương mại.

Hàn Quốc: Hệ thống chính sách pháp luật hỗ trợ toàn diện cho DNNVV

Cũng giống như Nhật Bản, các chính sách hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc lần lượt ra đời với mục đích hỗ trợ và phát triển DNNVV, như: Luật Hỗ trợ cho DNNVV thành lập, Luật Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, Luật Về các quy định cho DNNVV trong các khu kinh tế, Luật Các cơ chế đặc thù hỗ trợ các DNNVV thương mại, Luật Xúc tiến đổi mới sáng tạo DNNVV, Luật Thúc đẩy mua sắm công cho DNNVV, Luật Khuyến khích đổi mới công nghệ của DNNVV, Luật Thúc đẩy liên kết giữa DNNVV và doanh nghiệp lớn, Luật về Các biện pháp đặc biệt để phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ,…

Các chính sách hỗ trợ DNNVV được quy định nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định hiện hành tại các đạo luật cơ bản như Luật Doanh nghiệp, Đạo luật Thuế,…

4-1705626944.jpg

Cửa hàng bán nông sản của Việt Nam tại Hàn Quốc

Nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, giao dịch hàng hóa của các DNNVV phải kể đến Luật về Hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường sửa đổi, bổ sung năm 2011. Đạo luật này xuất hiện giúp DNNVV hoạt động trong một số ngành nghề công nghiệp sẽ có được nhiều lợi thế hơn trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Cụ thể, đối với các dự án xây dựng của quốc gia, DNNVV sẽ được ưu tiên ký kết hợp đồng mua bán nguyên liệu, vật tư liên quan đến các dự án nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, sản phẩm quy định tại Điều 4.

Hệ thống chính sách hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc gồm một hệ thống nhiều luật bên cạnh Luật khung về DNNVV quy định các định hướng và mục tiêu lớn về chính sách phát triển DNNVV và một số Luật điển hình liên quan đến hỗ trợ và phát triển DNNVV.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm công nghệ do các DNNVV là chủ sản xuất, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chính sách hỗ trợ thông qua việc chỉ định một số tổ chức, cơ quan sẽ ưu tiên mua hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ do các DNNVV sản xuất. Chủ tịch Cơ quan quản lý DNNVV chịu trách nhiệm yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất thực hiện việc mua hàng hóa từ các DNNVV. Các DNNVV chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với các tổ chức công cộng, các doanh nghiệp lớn do luật chỉ định, đảm bảo chất lượng hàng hóa được yêu cầu trong các văn bản pháp luật và trong hợp đồng. (Chương 3 Luật về hỗ trợ mua bán cho DNNVV - Hàng hóa sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường, sửa đổi, bổ sung năm 2011).

Thông qua việc đưa ra các chính sách hỗ trợ như ưu tiên mua hàng hóa, ưu tiên ký kết hợp đồng, hay yêu cầu các doanh nghiệp lớn phải mua các sản phẩm sản xuất bởi các DNNVV chứ không được tự sản xuất đã góp phần mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các doanh nghiệp với nhau ở Hàn Quốc.

Một số đánh giá, gợi mở

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy rằng cho dù đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn hết sức quan trọng.

5-1705626944.jpg

Ảnh minh họa

Các nước tập trung hỗ  trợ về tài chính, tín dụng; Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ; Hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin và tư vấn; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp… Trong đó, mối quan tâm trọng tâm của nhiều nước là hỗ trợ DNNVV gia tăng khả năng tiếp cận tài chính và hỗ trợ tín dụng, gần đây, do sức ép hội nhập, các nước cũng đã dành sự quan tâm đến các hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm các nước cũng chỉ ra rằng hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV là mục tiêu và hoạt động hỗ trợ cơ bản cho DNNVV ở nhiều nước, do đó cần tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận được các hình thức hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đồng thời cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các DNNVV, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến mức thuế suất thấp hơn cho các công ty siêu nhỏ và nhỏ.

Song song với những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, Chính phủ các nước đều cho rằng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện, cung cấp thông tin về thể chế, pháp lý là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ cần có chương trình, chính sách hỗ trợ, có quan điểm, chiến lược đúng đắn mà còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau. Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời có định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn và phải khuyến khích, điều tiết hợp lý bằng hệ thống chính sách linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của giai đoạn đó.

Các nước có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng kết cấu Luật hỗ trợ cho DNNVV, kết cấu này có những điểm khác nhau nhất định phụ thuộc vào cách thức xây dựng, triển khai chính sách của từng nước, cụ thể:

Trong giai đoạn đầu tiên hỗ trợ DNNVV, Chính phủ Hàn Quốc chỉ đưa ra Luật cơ bản về DNNVV mang tính chất định hướng và tạo hành lang pháp lý để xây dựng các đạo Luật cụ thể hỗ trợ DNNVV về sau này. Các Luật cụ thể riêng biệt được ban hành sau đó nhằm để giải quyết các vấn đề cụ thể mà DNNVV gặp phải trong quá trình phát triển.

Tại Nhật Bản, chính sách cho DNNVV của Nhật Bản được xây dựng theo hai cấp độ rõ ràng ngay từ đầu, Luật cơ bản về DNNVV mang tính chất là một Luật khung định hướng thể hiện sự quan tâm, cam kết của Chính phủ đối với việc hỗ trợ DNNVV phát triển và nhiều Luật hỗ trợ chuyên ngành, đặc thù từng lĩnh vực được ban hành nhằm xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DNNVV để giải quyết các nhu cầu hỗ trợ của DNNVV trong từng thời kỳ phù hợp với tình trạng phát triển.

Trong khi đó, Mỹ đã hình thành Luật khung về DNNVV năm 1953 với mục đích bảo hộ quyền lợi cho các DNNVV, tạo ra khung khổ để xây dựng các chính sách cụ thể cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, hỗ trợ phát triển thị trường và quốc tế hóa doanh nghiệp. Một số đạo luật mới được thông qua như: Luật Phục hồi và Đầu tư lại của Hoa Kỳ năm 2009, Luật Việc làm của doanh nghiệp nhỏ năm 2010… đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phát triển cộng đồng DNNVV ở Hoa Kỳ.

Như vậy, có thể thấy rằng không thể thiếu được việc ban hành Luật về DNNVV, điều này tạo ra điểm nhấn và khẳng định mối quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển DNNVV, đồng thời sẽ cần có thêm các luật chuyên ngành để triển khai các chính sách cụ thể đối với DNNVV.

Đề xuất sớm hoàn thiện chính sách pháp lý đối với DNNVV ở Việt Nam

Từ nghiên cứu chính sách, thể chế một số nước trên thế giới về hỗ trợ DNNVV, dễ dàng nhận thấy DNNVV là trụ cột, xương sống của nền kinh tế, vì vậy, việc hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đang là nhu cầu rất cấp thiết. Việc hỗ trợ này đã được ghi nhận qua hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước, hoạt động của Chính phủ, các tổ chức,… mỗi quốc gia.

Qua đó đề xuất và gợi mở một số vấn đề hoàn thiện chính sách đối với DNNVV ở Việt Nam :

1, Trước tiên cần sớm sửa đổi Luật DNNVV. Một môi trường luật pháp thuận lợi, tích cực sẽ hỗ trợ các DNNVV nhiều hơn là những chính sách ưu đãi của Chính phủ.

2, Cần nhận thức rõ vai trò của DNNVV đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để có những biện pháp, chính sách hỗ trợ đúng mức và phù hợp, cần có tiêu chí xác định DNNVV một cách khoa học, đánh giá đúng mức vai trò và vị trí trong phát triển kinh tế. Đồng thời quan tâm chú trọng nắm bắt những thách thức mà DNNVV phải đối mặt về huy động vốn trong nền kinh tế thị trường, từ đó nỗ lực hoàn thiện thể chế tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển. Đặc biệt cần quan tâm tăng đặt hàng của Chính phủ đối với DNNVV.

6-1705626946.jpg

Ảnh minh họa

3, Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ DNNVV huy động vốn hiệu quả. Phát triển hệ thống tài chính thông qua đa dạng các kênh huy động vốn cho DNNVV. Để DNNVV có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn, Chính phủ cần phát triển hệ thống tài chính thông qua đa dạng các kênh huy động vốn cho DNNVV, đồng thời, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng được bảo lãnh; xem xét nới lỏng điều kiện vay vốn cho DNNVV, nghiên cứu phương pháp thay thế thích hợp, đặc biệt là điều kiện về tài sản thế chấp. Hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng cần được đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả tới nguồn vốn vay.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã được thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định pháp luật và chính sách cho quỹ đầu tư khởi nghiệp cần được hoàn thiện phù hợp với thực tế hơn để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và ổn định cho quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động.

4, Các chính sách pháp luật hỗ trợ DNNVV cần tập trung hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ về đổi mới công nghệ….

Trong bối cảnh mới, đòi hỏi chính sách hỗ trợ DNNVV phải có những nội dung quy định mang tính đón đầu tập trung vào các vấn đề hỗ trợ mới như: đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp; hỗ trợ cho các DNNVV tăng cường khả năng tham gia các chuỗi giá trị, hình thành các liên kết mang tính chất cụm, ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản

5, Kinh nghiệm các nước cho thấy Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện nhằm phát triển các hình thức hiệp hội, nghiệp đoàn, các tổ chức chuyên trách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các khó khăn theo hướng khuyến khích DNNVV phát triển. Việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện doanh nghiệp để hỗ trợ toàn diện đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, hình thành mối liên kết giữa các đơn vị thực hiện hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, đặc biệt là kết hợp với các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia tham gia vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc thực hiện các bước trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải thực hiện từ việc nghiên cứu nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của DNNVV; đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ pháp lý; thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra; đánh giá kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc tiếp nhận các phản hồi của doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Anh Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp nhỏ và vừa kì vọng cơ hội hội nhập từ chính sách" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin