Doanh nghiệp cần biết: Khái niệm "Hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý và ưu điểm nổi trội

25/01/2024 16:17

Hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tới 90% thời gian và 85% chi phí trong nền kinh tế số hiện nay. Vậy hợp đồng điện tử là gì, có đảm bảo tính pháp lý không?

4-1654133705.jpeg
CNTT ngày càng phát triển đã giải quyết rất nhiều vấn đề trong các hoạt động đời sống, xã hội, kinh doanh. (Ảnh minh họa).

 

Hợp đồng điện tử là gì?

Luật giao dịch điện tử 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là loại hợp đồng mà các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ gửi đi, nhận lại, đồng thời được lưu trữ trên các phương tiện điện tử như công nghệ điện tử, kỹ thuật số, quang học cùng các phương tiện điện tử khác.

 

Hợp đồng điện tử có những đặc điểm cơ bản nào?

Một số đặc điểm tiêu biểu của hợp đồng điện tử (hay còn gọi được là hợp đồng online) mà các tổ chức, doanh nghiệp cần biết khi sử dụng có thể kể đến như sau:

  • Thể hiện bằng thông điệp dữ liệu điện tử: Hợp đồng điện tử có điểm mới so với hợp đồng giấy truyền thống là thông tin được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu.
  • Có ít nhất 3 chủ thể tham gia trong hợp đồng thay vì 2: Bên cạnh hai chủ thể trong hợp đồng thường gặp là bên bán, bên mua thì còn có chủ thể thứ ba là người đứng giữa hai chủ thể kia. Các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử hoặc nhà cung cấp mạng có thể là chủ thể thứ 3 và không tham gia vào quá trình thương lượng mà chỉ đảm bảo tính hiệu quả, giá trị pháp lý của hợp đồng.
  • Giá trị pháp lý được đảm bảo: Theo Điều 34 của Luật giao dịch điện tử (tham khảo từ hệ thống văn bản chính phủ), tính pháp lý của hợp đồng điện tử được công nhận tương đương với hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, với các hợp đồng về sử dụng đất, giấy đăng ký kết hôn hay một số loại hợp đồng dân sự khác thì việc ký hợp đồng online không đảm bảo tính pháp lý khi sử dụng.
  • Thực hiện mọi lúc mọi nơi: Vì thông tin trên hợp đồng được thiết lập dưới dạng dữ liệu điện tử nên hai chủ thể không cần gặp nhau nhưng có thể ký kết hợp đồng rất nhanh chóng tại bất kỳ đâu, bất cứ khi nào.

 

Top 4 ưu điểm khi ký hợp đồng điện tử, ký hợp đồng online

 
Tiện lợi và nhanh chóng  Hợp đồng điện tử có thể được ký ở bất kỳ đâu mà không cần hai bên tham gia phải gặp nhau.
Tiết kiệm thời gian, chi phí  Các bước trong quá trình ký kết hợp đồng đều được thực hiện online. Doanh nghiệp, tổ chức không cần in ấn, quản lý hay lưu trữ một lượng hợp đồng khổng lồ, đồng thời có thể giảm thiểu rất nhiều thời gian khi không cần chuyển phát hợp đồng hay gặp trực tiếp để ký kết.
Dễ dàng tra cứu, tìm kiếm  Doanh nghiệp không cần phải mò mẫm tìm kiếm trong cả “núi” hợp đồng lưu trữ. Thay vào đó, bạn chỉ cần tìm kiếm trên kho dữ liệu online là biết được hợp đồng đã ký, hợp đồng chờ ký hay hợp đồng trả lại vô cùng chính xác, nhanh chóng.
Đảm bảo khi có tranh chấp  Những phần mềm hợp đồng điện tử uy tín đều có tính năng lưu lại lịch sử ký (người ký, tên công ty, IP máy tính, thời gian ký …) khi tiến hành việc ký kết. Vì vậy, nếu có xảy ra tranh chấp, các bên đều có thể chứng minh được.

 

Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử theo pháp luật quy định hiện nay

Theo quy định tại Điều 34, Luật giao dịch điện tử 2005 tham khảo từ cổng thông tin điện tử chính phủ, hợp đồng điện tử có giá trị như hợp đồng truyền thống. Cụ thể:

“Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

Đồng thời, tại Điều 14 Luật này cũng có quy định

“Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Mặc dù được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, tuy nhiên tính pháp lý của hợp đồng điện tử vẫn được thừa nhận theo quy định pháp luật; đồng thời được sử dụng làm chứng cứ khi một trong hai bên tham gia không thực hiện đúng, hoặc vi phạm những điều khoản quy định trên hợp đồng. Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử phải thỏa mãn những điều kiện sau đây thì mới được coi là hợp lệ:

  1. Trên hợp đồng điện tử, các nội dung phải được giữ trọn vẹn và không có thông tin thay đổi, ngoại trừ trường hợp thay đổi những hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ dữ liệu của hợp đồng.
  2. Hợp đồng điện tử có thể mở được, đọc hoặc xem được bằng các phương pháp mã hóa hợp pháp mà hai bên tham gia hợp đồng thỏa thuận.

 

Các loại hợp đồng điện tử phổ biến theo hình thức và mục đích của hợp đồng

Dựa vào hình thức hay mục đích mà hợp đồng điện tử hay hợp đồng online thường được chia thành các loại sau:

1. Chia theo hình thức hợp đồng

1.1. Hợp đồng giấy truyền thống được một bên đưa lên website

Loại hợp đồng này trước tiên được soạn trên giấy, sau đó được chỉnh sửa và upload lên website để các bên tham gia ký. Các hợp đồng được đưa lên website thường có định dạng file PDF, có nút tick xác nhận sự đồng ý với những điều khoản trong hợp đồng kèm theo 2 nút lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý ký hợp đồng.

1.2. Hợp đồng điện tử được hình thành qua GDĐT (giao dịch điện tử)

Điểm nổi bật của loại hợp đồng này là các nội dung trên hợp đồng không được soạn sẵn mà được hình thành bởi giao dịch tự động. Nội dung hợp đồng sẽ được máy tính tổng hợp tự động và xử lý trong quá trình giao dịch dựa trên các thông tin mà khách hàng nhập vào.

Cuối quá trình giao dịch, hợp đồng được hoàn thành và hiển thị để khách hàng xác nhận sự đồng ý với các nội dung điều khoản. Bên bán sẽ được thông báo về hợp đồng và sau đó gửi xác nhận đến người mua qua nhiều hình thức như: mail, fax, số điện thoại,…

1.3. Hợp đồng điện tử hình thành qua email – thư điện tử

Đây là hình thức dùng thư điện tử để ký hợp đồng. Các quy trình đều như hợp đồng truyền thống nhưng có điểm khác biệt sau: phương tiện để giao kết hợp đồng là máy tính, email,…

Một số lợi ích mà loại hợp đồng điện tử này đem lại là tốc độ nhanh, tiết kiệm chi phí, thời gian… Tuy nhiên, còn một số tồn đọng của hợp đồng điện tử qua email phải kể đến như tính bảo mật thấp, dễ dàng bị lộ thông tin cũng như ràng buộc trách nhiệm các bên chưa được đảm bảo.

2. Chia theo mục đích hợp đồng

2.1. Hợp đồng kinh tế điện tử (hợp đồng thương mại điện tử)

Hợp đồng kinh tế, hay hợp đồng thương mại điện tử, được hiểu là loại hợp đồng có một bên chủ thể là thương nhân, 1 bên chủ thể còn lại phải có chức năng pháp lý theo quy định nhằm xác định hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu. Các thông tin dữ liệu cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật hiện hành.

Một số đặc điểm của hợp đồng kinh tế/hợp đồng thương mại điện tử có thể kể đến bao gồm:

– Chủ thể bao gồm một bên là thương nhân và một bên là chủ thể có tư cách pháp lý.

– Hợp đồng có mục đích chính là lợi nhuận.

– Đối tượng của loại hợp đồng này là hàng hóa. Hợp đồng kinh tế/thương mại điện tử bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng dịch vụ

2.2. Hợp đồng lao động điện tử

Giống các loại hợp đồng lao động truyền thống khác, hợp đồng lao động điện tử là giao kết của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện như tiền lương, trách nhiệm mỗi bên giao kết,… những thông tin này được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử, đồng thời có giá trị như hợp đồng lao động văn bản.

hop-dong-lao-dong-dien-tu-min-1654144973.jpg
Ảnh: minh họa

Đặc điểm của loại hợp đồng này là chủ thể gồm người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Những loại hình hợp đồng lao động điện tử thường gặp có thể kể đến là:

– Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn không xác định.

– Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn xác định.

– Hợp đồng lao động (HĐLĐ) được tính theo mùa vụ hay một công việc nhất định.

2.3. Hợp đồng dân sự điện tử

Hợp đồng dân sự giao kết thông qua phương tiện điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo pháp luật Việt Nam về giao dịch điện tử.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, một số lĩnh vực không áp dụng ký với hình thức hợp đồng điện tử là: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các loại bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ khác.

Vì vậy, để có thể xác định được tính chất và giá trị, tính pháp lý của hợp đồng điện tử thì chúng ta cần phải đặt trong các mối quan hệ và các giao dịch cụ thể.

 

Sự khác biệt giữa hợp đồng điện tử – hợp đồng giấy

Hợp đồng địện tử và hợp đồng giấy truyền thống có một số điểm khác biệt dù chịu sự điều chỉnh của bộ luật Dân sự 2015.

 
Tiêu chí Hợp đồng điện tử (Hay hợp đồng online) Hợp đồng giấy truyền thống
Căn cứ pháp lý – Luật Giao dịch điện tử 2005 và Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 – Bộ luật Dân sự mới nhất 2015
Phương thức giao dịch
  • Sử dụng phương tiện điện tử để có thể giao dịch
  • Được ký bằng chữ ký điện tử, chữ ký số USB Token, chữ ký số HSM …
  • Giao dịch bằng văn bản
  • Bằng lời nói
  • Bằng hành động
  • Các hình thức khác dựa trên sự thỏa thuận
Nội dung Ngoài các nội dung như Hợp đồng giấy, các bên có thể thỏa thuận về:
  • Yêu cầu kỹ thuật
  • Chứng thực chữ ký số/điện tử
  • Điều kiện đảm bảo sự toàn vẹn
  • Đối tượng hợp đồng
  • Số lượng, chất lượng
  • Giá cả, phương thức thanh toán
  • Địa điểm, thời hạn, phương thức hợp đồng thực hiện
  • Quyền, nghĩa vụ các bên
  • Trách nhiệm do vi phạm
  • Phương thức các bên áp dụng để giải quyết tranh chấp

 

Theo amis.misa.vn

Nguồn bài viết: https://amis.misa.vn/33644/hop-dong-dien-tu/

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp cần biết: Khái niệm "Hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý và ưu điểm nổi trội" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin