Đinh Mạnh Thắng đã làm 'cầu nối' chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh như thế nào?

Sáng nay (24/1), TAND Tp Hà Nội đã bắt đầu phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam.
9
HĐXX đã triệu tập 4 điều tra viên của vụ án này tới tham dự phiên tòa. Tuy nhiên chỉ có 2 người có mặt. VKS cho rằng 2 điều tra viên và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, HĐXX cần triệu tập đến tòa trong những ngày tiếp theo.

8 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC), Nguyễn Ngọc Sinh (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc PVP Land), Đào Duy Phong (59 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land), Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), Lê Hòa Bình (63 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5), Nguyễn Thị Kim Thoa (52 tuổi, đang mang án chung thân do có liên quan đến vụ án khác, nguyên kế toán trưởng công ty 1/5),Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (45 tuổi, ở TP.HCM, kinh doanh tự do), Thái Kiều Hương (44 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư VietSan)

Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Lê Hòa Bình (sinh năm 1954), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. VKS cho rằng sự vắng mặt của bị cáo Bình không ảnh hưởng đến việc xét xử vì trước đó bị cáo đã có lời khai của mình.

Tại phiên tòa hôm nay, có 2 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, 5 luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.

HĐXX gồm 2 thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền, Ngô Thị Ánh và 3 hội thẩm nhân dân. Cơ quan thực hành quyền công tố có 2 kiểm sát viên chính là Phạm Đức Long và Nghiêm Ngọc Hương cùng 1 kiểm sát viên dự khuyết.

Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX đã cách ly bị cáo Trịnh Xuân Thanh để thẩm vấn bị cáo Đinh Mạnh Thắng và các bị cáo khác. Phần lớn thời gian của phiên tòa hôm nay đã tập trung vào xét hỏi bị cáo Đinh Mạnh Thắng về việc Thắng đã làm "cầu nối" để đưa Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư Vietsan) đến gặp Trịnh Xuân Thanh, sau đó giúp Hương chuyển tiền cho Thanh.

Theo lời khai của bị cáo, Đinh Mạnh Thắng được Hương chuyển cho 5 tỷ đồng. Khi chuyển tiền Hương có nói: "Cám ơn anh". Hương có nhờ bị cáo Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng.

Bị cáo nói: "Hương gọi điện nói nhờ tôi chuyển cho anh Thanh 14 tỷ. Lúc đó tôi nói không có nhà, nói cứ chuyển qua nhà, vợ anh nhận hộ".

Vẫn theo lời khai của bị cáo Thắng, sau khi nhận tiền từ Hương, Thắng có gọi cho Thanh để báo. Lúc này Trịnh Xuân Thanh nói, cứ chuyển tiền cho Thanh qua lái xe. Thắng đã mang tiền lên xe, đến cơ quan, nói với lái xe của mình chuyển tiền cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh.

"Trước khi chuyển tiền cho lái xe của anh Thanh, bị cáo có gọi điện báo cho anh Thanh", bị cáo Thắng khai.

Cũng trong phần khai báo của mình, Đinh Mạnh Thắng cho biết số tiền sau này đã được Hương 'hỏi lại' vì 'việc không xong'.

Lý giải hành vi của mình, bị cáo Đinh Mạnh Thắng nói: Bị cáo nghĩ chỉ vô tình giúp Hương gặp Thanh. Việc kết luận điều tra và cáo trạng kết luận đồng phạm như thế nào, bị cáo không biết. "Tôi không tham gia việc chuyển nhượng cổ phần." - Bị cáo nói.
Cũng trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) cũng khai có nhận được 10 tỷ đồng vì đã giúp đỡ trong việc ký văn bản bán cổ phần. Sau khi nhận được 10 tỷ đồng, bị cáo có chuyển cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land) 2 tỷ đồng.

Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) và bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh xác nhận lời khai này của nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land. Bị cáo Sinh cho biết bị cáo biết rõ 2 tỷ đồng đó được lấy từ tiền chênh lệch giá.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin