Ngay lần gặp gỡ đầu tiên với Hà Văn Thắm, ông Đinh La Thăng đã đồng ý để PVN góp 20% vốn vào Oceanbank. Tập đoàn Dầu khí sau đó mất trắng 800 tỷ khi Ngân hàng Nhà nước mua lại nhà băng này với giá 0 đồng.
Gần một tháng sau Tết, ông Đinh La Thăng tiếp tục ra hầu tòa trong vụ án thứ 2 liên quan. Vụ án mà ông cùng 6 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 800 tỷ đồng do ký thỏa thuận hợp tác góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) mà không thông qua Hội đồng quản trị, dù biết nhà băng này hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ.
Cái bắt tay giữa ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm
Trước khi làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2011-2016, ông Đinh La Thăng làm Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN rồi giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế Nhà nước có quy mô lớn này trong giai đoạn 2006-2011.
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2006, PVN được phép tham gia góp vốn để thành lập một ngân hàng thương mại cổ phần với tỷ lệ nắm giữ của tập đoàn trên 50% vốn điều lệ. PVN sau đó thực hiện các thủ tục để thành lập Ban trù bị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí (sau đổi tên thành Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt).
Tháng 7/2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN đã rút vốn, không tiếp tục tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt.
Hai tháng sau, ông Nguyễn Xuân Sơn (Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt) và Hà Văn Thắm gặp nhau bàn bạc về việc PVN góp vốn trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Do Oceabank đang có nhu cầu tăng vốn điều lệ và Hà Văn Thắm nhận thấy PVN là đơn vị có tiềm lực kinh tế nên đồng ý với đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn.
Ít ngày sau, ông Thăng với cương vị Chủ tịch HĐQT PVN lần đầu có cuộc tiếp xúc với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) tại trụ sở tập đoàn. Cuộc gặp ấy đi đến thỏa thuận về việc PVN góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank, tương đương 400 tỷ đồng. Các cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt là 10% vốn điều lệ tại Oceanbank.
Trong cuộc đàm phán này, hai bên thỏa thuận Oceanbank tiếp nhận số cổ đông này về làm việc cùng cơ sở vật chất, thiết bị đã được ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt đầu tư, mua sắm.
Một ngày sau cuộc gặp đó, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản gửi ông Đinh La Thăng báo cáo kết quả đàm phán với Hà Văn Thắm, kèm theo đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu tài chính của Oceanbank. Báo cáo này nêu rõ: "Nhìn tổng thể đến ngày 31/3/2008, Ngân hàng TMCP Đại Dương là ngân hàng có quy mô nhỏ, khả năng thanh khoản thấp…"
Cùng ngày, dù không tổ chức họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên nhưng ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận số 6934 với Hà Văn Thắm để PVN góp vốn vào Oceanbank. Bốn ngày sau khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, ông Thăng mới có bút phê "xin ý kiến các TV HĐQT" trên văn bản ngày 18/9/2008 do ông Nguyễn Ngọc Sự ký.
Trong bản đánh giá về năng lực của Oceanbank mà ông Sự ký gửi HĐQT tiếp sau đó, PVN cho rằng: Tính thanh khoản của ngân hàng kém, rất nhạy cảm với biến động của thị trường, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm theo từng năm. Trong Quý II/2008, Oceanbank không tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro tín dụng mặc dù các khoản vay dưới chuẩn vẫn ra tăng. Do đó, số liệu 6 tháng cho thấy sẽ phát sinh lỗ nếu ngân hàng hạch toán đúng các khoản thu nợ và tiến hành rà soát lại các hoạt động tín dụng…
Cơ quan điều tra nhận định "ông Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng không đưa ra bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến HĐQT".
Tới ngày 30/9/2008, trong cuộc họp HĐQT của PVN do ông Thăng chủ trì, các thành viên khác trong HĐQT mới hay biết về thỏa thuận số 6934, trong khi ông Đinh La Thăng đã ký hợp tác góp vốn với Hà Văn Thắm từ hơn 10 ngày trước.
Việc góp 20% vốn của PVN vào Oceanbank sau đó chia làm 3 đợt, kéo dài từ năm 2008-2011 với số tiền 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên thời gian sau đó nhà băng này kinh doanh thua lỗ, mất vốn sở hữu nên PVN bị mất hoàn toàn số tiền góp vốn. Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn. Ông Thăng với trách nhiệm của người đứng đầu bảo toàn vốn của tập đoàn, phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn vào Oceanbank bị mất trắng. Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 BLHS năm 1999.
PVN ưu ái Oceanbank thế nào?
5 tháng trước (9/2017) trong phiên xét xử sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Oceanbank mà ông Hà Văn Thắm bị cáo buộc là chủ mưu, thỏa thuận góp vốn giữa PVN và Oceanbank từng được tòa nhắc đến trong quá trình làm rõ sai phạm của những người liên quan.
Theo đó, sau khi có thỏa thuận 6934, ngày 13/5/2009, ông Đinh La Thăng có văn bản gửi các đơn vị thành viên tập đoàn đề nghị sử dụng dịch vụ của Oceanbank. Nội dung văn bản thể hiện, để tạo điều kiện cho Oceanbank trở thành định chế tài chính của tập đoàn trong việc quản lý dòng tiền, thực hiện việc chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị thành viên, HĐQT PVN yêu cầu các đơn vị sử dụng dịch vụ do Oceanbank cung cấp.
Ngày 17/9/2010, ông Đinh La Thăng tiếp tục ký văn bản gửi các đơn vị thành viên đề nghị phải khẩn trương phối hợp với Oceanbank thực hiện việc mở và sử dụng dịch tài khoản của nhà băng này, đồng thời báo cáo kết quả việc thực hiện về cho tập đoàn.
Thực hiện chỉ đạo này, từ năm 2009 đến năm 2014, có 165 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí gửi tiền vào Oceanbank với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình hơn 2.500 tỷ đồng và 74 triệu USD/tháng, tiền gửi có kỳ hạn khoản 16.000-18.000 tỷ đồng và 100 triệu USD/tháng.
Tài liệu điều tra vụ án Hà Văn Thắm thể hiện, giai đoạn 2011-2014 có hơn 51.000 cá nhân và gần 400 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank. Nhiều khách hàng lớn là các tổ chức kinh tế có vốn Nhà nước, trong đó chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Trong phiên tòa xét xử đại án Oceanbank mở ngày 1/9/2017, Nguyễn Thị Minh Thu (cựu Tổng giám đốc Oceanbank), khai rằng trong giai đoạn 2008-2014, tiền gửi của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) cao điểm nhất lên đến hơn trăm triệu USD.
Khi được gọi lên đối chất, ông Võ Quang Huy (Kế toán trưởng Vietsovpetro) nói có thời điểm Liên doanh Dầu khí Việt - Nga gửi 100 triệu USD vào Oceanbank, còn tiền Việt Nam khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) cho hay có hợp đồng tiền gửi trị giá 1.500 tỷ đồng tại OceanBank.
Ông Đinh La Thăng "chạy" xác nhận không đúng sự thật
Trở lại với bản thỏa thuận góp vốn số 6934 giữa PVN và Oceanbank, Hà Văn Thắm khai rằng trong cuộc gặp đầu tiên với ông Đinh La Thăng ngày 17/9/2008 tại trụ sở tập đoàn, PVN ngoài thống nhất việc tham gia góp 20% vốn điều lệ còn cam kết hỗ trợ về tài chính, vốn, đồng thời khuyến khích các đơn vị thành viên sử dụng các dịch vụ tài chính do nhà băng này cung cấp.
Trước khi ký thỏa thuận trên, Hà Văn Thắm khẳng định PVN chưa tiếp xúc với Oceanbank để tổ chức khảo sát, thẩm định tình hình hoạt động của nhà băng.
Cũng theo tài liệu điều tra, ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm mà không thông qua HĐQT, không thực hiện thẩm định, khảo sát Oceanbank… Cựu chủ tịch PVN quyết định góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank.
Trong khi đó, ông Đinh La Thăng từng nói trước khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm rằng ông đã trao đổi nhiều lần với các thành viên trong HĐQT mà trực tiếp là ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, bà Phan Thị Hòa về việc PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank. Ông Thăng cho rằng điều đó được thể hiện trên Giấy xác nhận ngày 28/3/2017 đã cung cấp cho Cơ quan điều tra để giải trình nội dung này.
Sau ngày bị bắt, ông Đinh La Thăng thừa nhận mình "chạy" giấy xác nhận với nội dung không đúng sự thật. Theo đó, 9 tháng trước khi bị khởi tố, vào tháng 3/2017, khi đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng đã điện thoại nhờ các thành viên HĐQT xác nhận việc HĐQT PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương tập đoàn góp vốn vào Oceanbank.
Do cả nể nên các ông bà từng là thành viên HĐQT đã ký xác nhận cho ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên sau khi bị khởi tố điều tra, ông Thăng khai nhận giấy xác nhận có chứ ký của các thành viên nguyên là HĐQT năm 2008, ghi ngày 28/3/2017 đã giao nộp có nội dung không đúng sự thật.
Hôm nay 19/3, ông Đinh La Thăng sẽ bị đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Ngoài ông Thăng còn 6 bị cáo khác liên quan đến vụ án phải hầu tòa, họ đều là các cựu lãnh đạo, cựu Hội đồng thành viên PVN.
Trong số này, có 3 người đã lĩnh án trong các phiên xử sơ thẩm khác. Cụ thể, ông Đinh La Thăng bị TAND TP Hà Nội tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái, trong vụ án xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 22/1.
Cũng trong phiên xử này, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên 9 năm tù, Ninh Văn Quỳnh lĩnh 7 năm tù. Riêng Nguyễn Xuân Sơn còn bị tuyên án tử hình trong phiên xử đại án Oceanbank hồi tháng 9/2017.
Đến hôm nay, ông Thăng đã có 101 ngày vướng lao lý. Ông từng xin HĐXX TAND TP Hà Nội cho tại ngoại vì "bản thân không gây nguy hiểm cho xã hội". Hầu tòa trong phiên xử vụ án Trịnh Xuân Thanh cách đây gần 2 tháng, ông Thăng bày tỏ sự lo lắng vì bản thân còn phải đối mặt với vụ án thứ 2 (vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank). Với hàng trăm công trình, dự án đã thực hiện..., ông Thăng trình bày rằng không thể lường được đâu là lần cuối mình phải nói "lời nói sau cùng tại tòa".
"Nhất nhật tại lao, thiên thu tại ngoại" - vào trại giam bị cáo mới hiểu được ý nghĩa lớn lao hai chữ tự do - ông Thăng nói trong phiên tòa trước.
Theo Soha