Điểm sáng Ba Vì (Hà Nội)

Ba Vì là một huyện đặc thù, chiếm trên 15% diện tích toàn thành phố và được chia thành 3 vùng rõ rệt. Huyện có nhiều tiềm năng nổi trội, đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh và phát triển nông nghiệp xanh. Đây là những lợi thế để phát triển.
anh-bavi-1645158163.jpg

Cùng với sự hỗ trợ tương xứng của thành phố, huyện đã có những sức bật mới, quyết tâm mới và đang từng bước nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển vượt lên… Những kết quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua là điều kiện để huyện duy trì ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, giá trị sản xuất năm 2021 ước đạt 26.080 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2020. Thu ngân sách đạt gần 303 tỷ đồng, bằng 109% dự toán thành phố giao… Đến nay, 30/30 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện có 101 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trên địa bàn đã có 27/31 xã, thị trấn được cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đạt 91%...

Để có những bước phát triển bền vững, huyện đang tập trung thực hiện công tác quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đồng bộ. Đẩy mạnh xây dựng hình thành các cụm công nghiệp mới; nâng cấp các chợ dân sinh; tích cực nghiên cứu cơ chế thị trường, nhu cầu đặt hàng để mở rộng vùng sản xuất theo hướng an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đối với công tác giáo dục, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch đảm bảo đưa học sinh trở lại trường học an toàn và quan tâm đến công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đối với sản xuất nông nghiệp cần đảm bảo hệ thống thủy lợi, phát huy thế mạnh về nguồn nước sạch, không khí sạch, đất sạch hình thành những vùng sản xuất canh tác giá trị cao.

Đáng chú ý, liên quan đến quy hoạch vùng huyện và quy hoạch sử dụng đất, huyện đề xuất bổ sung khu công nghiệp quy mô 300-500ha thuộc 2 xã Phú Cường, Tản Hồng và 1 cảng sông tại xã Tản Hồng; quan tâm bố trí nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cấp nước sạch, tôn tạo các di tích lịch sử; đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với các địa phương khác…

Ba Vì tiếp tục phát huy điểm sáng trong phòng chống dịch của thủ đô, tập trung chỉnh trang đô thị, chú trọng phát triển du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao; huyện Ba Vì tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp sạch, thực hiện kết nối vùng.

Trong thời gian tới, huyện cũng đã có kế hoạch phát phát triển được 1 -2 cụm công nghiệp; đẩy mạnh thương mại trong việc rà soát, quy hoạch, xây dựng chợ dân sinh; Phát triển trang trại với những con vật nuôi thế mạnh: bò sữa, bò thịt, đà điểu, gà đồi. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; làm tốt công tác thu ngân sách Nhà nước; phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.

Đối với công tác xây dựng Nông thôn mới cần xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, chỉ có khởi đầu mà không có điểm kết thúc, kết hợp phát triển đô thị gắn với du lịch sinh thái; tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa; tiếp tục đảm bảo công tác phòng chống dịch; tăng cường công tác quản lý đất đai; tăng cường công tác xây dựng Đảng theo Kết luận số 21 của Bộ Chính trị; quan tâm công tác quy hoạch huyện, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ đất và các nguồn thu khác tại địa phương. Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án. Quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo chất lượng. Trong đó, thời gian này huyện tập trung chỉ đạo triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Ba Vì giai đoạn 1 (đoạn qua thị trấn Tây Đằng) đã được UBND Thành phố phê duyệt có tổng mức đầu tư: 365.355.000.000 đồng, trong đó kinh phí thực hiện công tác GPMB: 221.814.000.000 đồng; thời gian thực hiện dự án từ 2021- 2023 với tổng diện tích thu hồi 3,5ha.

Theo kế hoạch, ngày 14/02/2022 sẽ tiến hành họp dân triển khai công tác đo đạc bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB dự án; việc hoàn thiện bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB dự án trong tháng 3/2022; tiến hành thực hiện công tác GPMB trong tháng 4/2022.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 414C đi xã Thuần Mỹ (nối khu du lịch hồ Suối Hai với khu du lịch nước khoáng nóng Thuần Mỹ) huyện Ba Vì đã được UBND Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư: 276.732.197.000 đồng, trong đó kinh phí thực hiện công tác GPMB: 105.219.002.000 đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2024 với tổng diện tích thu hồi 15,169 ha. Đây là 2 dự án có tầm quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị của Ba Vì; làm tiền đề để kết nối các tuyến giao thông huyết mạch tạo thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà nên công tác giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai một cách nhanh nhất, sớm nhất, đúng nhất.

Với những kế hoạch rõ ràng, cụ thể như vậy, Ba Vì đang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần đưa Ba Vì sớm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Bích Liên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin