Những tập đoàn kinh tế lớn bị Bộ Tư pháp Mỹ “sờ gáy”

(Pháp lý) - Không chỉ những tập đoàn kinh tế của các nước bị Bộ Tư pháp Mỹ “sờ gáy” mà ngay cả chính những Tập đoàn kinh tế của Mỹ như Facebook hay Google cũng bị điều tra về những nghi vấn “phạm luật”.

Mỹ buộc tội Huawei lừa đảo, âm mưu đánh cắp bí mật thương mại

Ngày 13/2, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đưa ra 16 cáo buộc nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), trong đó có lừa đảo và âm mưu đánh cắp bí mật kinh doanh.

Mỹ cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại

Theo DoJ, Huawei và một số công ty con đã lợi dụng những thỏa thuận bí mật với một số công ty Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ của những doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Huawei cũng bị buộc tội lừa dối các điều tra viên liên bang, cản trở cuộc điều tra về những hoạt động của tập đoàn này.

Cũng theo tuyên bố của DoJ, Huawei được cho là đã đưa ra chính sách thưởng cho bất cứ nhân viên nào sở hữu được thông tin bí mật từ các công ty đối thủ. Hiện Huawei vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến những cáo buộc trên.

Trước đó, Mỹ tố cáo Huawei lừa đảo ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Cáo trạng mới nhất còn tiết lộ các chi tiết về hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran và Triều Tiên.

Bộ Tư pháp Mỹ tố Huawei lừa dối về quan hệ với một công ty có tên Skycom, hỗ trợ Iran trong hoạt động giám sát trong nước, bao gồm cả cuộc biểu tình tại Tehran năm 2009. Công tố viên liên bang khẳng định Huawei đưa ra phát ngôn sai sự thật tới quan chức Mỹ, bao gồm nhân viên FBI, đại diện từ Ủy ban Tình báo Hạ viện.

Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu cũng bị nêu tên ở vai trò bị đơn. Ngoài ra, còn một số cá nhân khác chưa bị bắt giữ và công khai.

Đáp trả cáo buộc mới, Huawei tố cáo chính phủ Mỹ tìm cách làm tổn hại uy tín của công ty vì lý do cạnh tranh thay vì hành pháp. Huawei cũng khẳng định bà Mạnh không làm bất kỳ điều gì sai trái và tin rằng tòa án Mỹ cuối cùng sẽ có kết luận như vậy.

Đến 2 ông lớn của Mỹ cũng bị “ sờ gáy”

Trước đó, ngày 22/10/2019, Bộ trưởng Tư pháp bang New York (Mỹ), Letitia James cho biết cuộc điều tra chống độc quyền của bang này tiến hành đối với Tập đoàn công nghệ Facebook đã được mở rộng ra ở hầu hết các bang trên toàn nước Mỹ.

Theo bà Letitia James, có đến 45 tiểu bang cùng với thủ đô Washington và đảo Guam tham gia cuộc điều tra Facebook do bang New York khởi xướng.

Một ông lớn khác của Mỹ cũng gặp rắc rối pháp lý là hãng Google. Hôm 5/12/2019, bốn cựu nhân viên là Laurence Berland, Paul Duke, Rebecca Rivers và Sophie Waldman đã nộp đơn lên Ủy ban quan hệ lao động Quốc gia Mỹ (NLRB) tố Google sa thải họ trái luật chỉ vì phản đối một số chính sách. Khi làm việc tại Google, nhóm này không ủng hộ xây dựng công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt tại Trung Quốc, hay kế hoạch riêng với Lầu Năm Góc và khuyến khích đồng nghiệp làm điều tương tự. Sau khi có đơn của người lao động, NLRB đã tiến hành điều tra nhằm vào Google.

Ericsson chấp nhận trả hơn 1 tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc hối lộ

Google cũng bị NLRB điều tra do không thực hiện cam kết cho phép người lao động có thể tự do nói chuyện với báo chí và một số hoạt động khác. Trước đó, hãng tìm kiếm Mỹ đưa ra danh sách hơn 20 quyền và biện pháp bảo vệ nhân viên tại văn phòng của mình, trong đó có hướng dẫn chi tiết cho nhân viên, giải quyết khiếu nại cho nhân viên (kể cả những người đã nghỉ việc), không can thiệp vào các chủ đề mà nhân viên thảo luận

Theo CNBC, cuộc điều tra của NLRB tập trung vào việc Google có vi phạm luật lao động hay không khi sa thải những nhân viên hoạt động công đoàn, cũng như liệu công ty có ngăn cản các quyền tự do của người lao động.

Trong khi đó, Google cho rằng nhóm nhân viên đã vi phạm chính sách công ty, nhưng không đề cập đến động thái điều tra của NLRB. “Chúng tôi đã sa thải bốn cá nhân có hành vi cố ý và thường xuyên vi phạm các chính sách về bảo mật dữ liệu đã có từ lâu, bao gồm truy cập, phổ biến một cách có hệ thống nhiều tài liệu và công việc của nhân viên khác trái phép”, phát ngôn viên Google nói. “Không ai bị sa thải chỉ vì họ lo ngại hay tranh luận về các hoạt động của công ty”.

Nhiều tập đoàn chấp nhận nộp hàng tỷ USD nhằm dàn sếp các cuộc điều tra của Bộ tư pháp Mỹ

Vào cuối năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra về các hành vi sai phạm của Airbus và đưa ra những cáo buộc Airbus đã hối lộ các quan chức Chính phủ và nhiều hãng hàng không trên toàn cầu, sau đó che giấu những khoản chi này. Những cáo buộc được đưa ra bao trùm các hợp đồng bán hàng cho hàng chục đối tác nước ngoài của Airbus. Các cáo buộc được công bố cùng thời điểm các tòa án ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương bao gồm Mỹ, Pháp và cả Anh đồng thuận với các khoản dàn xếp giúp Airbus tranh khỏi cuộc chiến pháp lý lơ lửng suốt nhiều năm qua.

Ngày 31-1, Tập đoàn chế tạo máy bay của châu Âu Airbus đã nhất trí trả 4 tỉ USD cho Pháp, Anh và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc hối lộ. Nhờ những dàn xếp này, Airbus sẽ tránh được nguy cơ bị truy tố hình sự vốn được cho là có thể khiến hãng bị cấm tham gia các hợp đồng trong lĩnh vực công tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Thẩm phán Thomas Hogan thuộc tòa án liên bang ở Washington cho rằng đây là một chương trình hối lộ tràn lan và nguy hiểm tồn tại trong nhiều chi nhánh của Airbus SE và đã kéo dài nhiều năm. Hãng cũng đối mặt với các cuộc điều tra của Mỹ với cáo buộc vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đây là thỏa thuận dàn xếp cáo buộc tham nhũng nước ngoài có giá trị lớn nhất từ trước tới nay tại quốc gia này.

Và mới đây nhất, hồi đầu tháng 12/2019, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết gã khổng lồ công nghệ Ericsson của Thụy Điển đã chấp nhận trả hơn 1 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra hối lộ ở tại nhiều nước châu Á và Trung Đông trong đó có Việt Nam. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã vi phạm từ năm 2000 và tiếp tục cho tới năm 2016.

Trong một tuyên bố, ông Brian Benczkowski, người đứng đầu bộ phận hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết hành vi phạm pháp của Ericsson bao gồm cả những quản lý điều hành cấp cao và đã kéo dài 17 năm từ năm 2000 và tiếp tục cho tới năm 2016 tại ít nhất năm quốc gia.

Tất cả những hành vi sai lầm đó đều để nhằm tăng lợi nhuận cho công ty này.

Các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng từ năm 2000 đến năm 2016, Ericsson đã tham gia vào một kế hoạch hối lộ, làm sai lệch sổ sách và hồ sơ của họ và đảm bảo các quản lý của công ty “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành vi phạm pháp.

Trong thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Ericsson đã trả tiền phạt để “dàn xếp cuộc điều tra các hành vi vi phạm Luật Chống hành vi tham nhũng ở nước ngoài (FCPA)… chuyển tiền và khai khống hàng chục triệu USD một cách bất chính trên khắp thế giới”

“Thông qua các quỹ đen, tiền hối lộ, quà tặng, Ericsson thực hiện kinh doanh viễn thông với nguyên tắc chủ đạo là ‘đồng tiền biết nói’”, Georffrey Berman, công tố viên liên bang ở khu vực Nam New York, cho biết. “Lời nhận tội ngày hôm nay và việc chi trả hơn 1 tỷ USD tiền phạt gửi thông điệp rõ ràng tới mọi doanh nghiệp rằng làm ăn kiểu đó sẽ không được dung thứ”.

Luật pháp Mỹ có quyền tài phán về tội tham nhũng của các công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, hoặc nếu tội này diễn ra trên lãnh thổ hay ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của nước này.

Công ty cũng đã đồng ý duy trì một ban giám sát bên thứ ba để theo dõi việc tuân thủ luật của họ trong 3 năm tới./.

Đinh chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin