Đến 2030, Việt Nam tăng thêm khoảng 4,9% GDP nhờ hưởng lợi từ RCEP

Theo nghiên cứu của NCIF, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030 nhờ các ảnh hưởng của Hiệp định RCEP.

Phát biểu tại Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) định hình các chuỗi cung ứng ở Việt Nam như thế nào?”, TS. Lương Văn Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Hiệp định RCEP được ký năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác, bao gồm: Australia, New Zealand, Trung quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu.

RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các FTA trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6). RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, tốc độ cắt giảm ở các nhóm ngành khá khác nhau.

RCEP cũng bao gồm nhiều cam kết về thuận lợi hóa thương mại như: Đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan, giải quyết tranh chấp thương mại. Ngoài ra, còn nhiều cam kết liên quan đến đầu tư, mở cửa thị trường và bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ...

Đặc biệt, theo TS Lương Văn Khôi, ngoài các cam kết của một FTA truyền thống, RCEP còn có thêm các cam kết về thương mại điện tử, viễn thông, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), mua sắm công... Quan trọng nhất có lẽ là việc hài hòa hóa nguồn gốc xuất xứ khu vực với việc áp dụng phương pháp cộng gộp tỷ lệ xuất xứ, từ đó mở ra khá nhiều cơ hội và lợi ích cho các xuất khẩu nội khối.

luong-van-khoi-1668140704.jpg
 

TS. Lương Văn Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Khôi nhấn mạnh thị trường chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những điểm nóng hiện nay đặt ra đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trước những biến động địa chính trị - kinh tế thế giới và khu vực như hiện nay, Việt Nam đã chứng tỏ được tận dụng tốt các cơ hội bên ngoài trong xuất khẩu cũng như đầu tư trực tiếp ra ngoài. Tuy nhiên về dài hạn các Hiệp định thương mại tự do và những cú sốc khác từ bên ngoài sẽ định hình phát triển các chuỗi cung ứng Việt nam, qua đó sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, đầu tư và tăng trưởng trong dài hạn.

Đánh giá ảnh hưởng của Hiệp định RCEP tới định hình chuỗi cung ứng ở Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF cho rằng Hiệp định này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới kinh tế khu vực.

Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu cực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm. Những nước có tăng trưởng định hướng xuất khẩu sẽ là những nước được hưởng lợi nhiều.

Đối với Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều từ RCEP, theo đó dự báo GDP sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết RCEP cũng sẽ đặt ra khá nhiều vấn đề với Việt Nam. Lợi ích từ cắt giảm thuế quan là không nhiều do Việt Nam đã và đang thực hiện cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ ASEAN+6 cũng như giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã có nhiều FTA song phương cũng như đa phương khác như VKFTA, VJEPA, CPTPP.

Trong khi đó, các quy tắc xuất xứ trong RCEP có thể khích thích nhập khẩu hàng hóa trung gian vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc, tạo ra những bất lợi cho phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt nam.

Đặc biệt, ba đối tác lớn nhất trong RCEP bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Khi các đối tác này đã đặt được quan hệ tự do thương mại trong khuôn khổ RCEP sẽ tạo ra tác động chuyển hướng thương mại và đầu tư rất lớn đối với các đối tác trong ASEAN.

Ông Trần Toàn Thắng cũng chỉ ra một số lĩnh vực ngành hàng có khả năng bị ảnh hưởng lớn từ các tác động của RCEP. Cụ thể là ngành điện tử, ngành dệt, ngành da giày, may mặc, ngành sản xuất ô tô,…

ong-tran-toan-thang-1668140785.jpg
 

TS.Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF.

Trên cơ sở đó, ông Thắng cho rằng cần tăng cường công tác phổ biến thông tin về RCEP, đặc biệt là lợi ích và thách thức của các quy định trong RCEP trên góc độ định hình các chuỗi cung ứng từ đó giúp doanh nghiệp sẵn sàng hơn trong hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực và đẩy nhanh chương trình giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, đặc biệt là những ngành đang đối mặt với các thách thức từ RCEP do các quy định về thuế quan và hài hòa nguồn gốc xuất xứ ở Việt Nam; thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, đặc biệt cần đi kèm với các hình thức bảo hộ, hỗ trợ phù hợp với những ngành sản xuất linh kiện, tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt phát triển tốt hơn trong những ngành này.

Khuyến khích xuất khẩu của doanh nghiệp Việt với các đối tác trong RCEP với những ngành thuận lợi nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu, tăng tích lũy và chuyển dần lên phân khúc giá trị gia tăng cao hơn của thị trường.

Trong ngắn hạn, lựa chọn đối tác thu hút FDI phù hợp với từng ngành cụ thể, đặc biệt là các nước có trình độ công nghệ cao và đầu tư vào các sản phẩm thượng nguồn có giá trị gia tăng lớn, để tận dụng được quy tắc xuất xứ và nâng cấp chuỗi giá trị của Việt Nam.

Nhân dịp này, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã công bố báo cáo “Ảnh hướng của Hiệp định RCEP tới định hình chuỗi cung ứng ở Việt Nam”. Theo đó, báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính.

Thứ nhất, tổng quan các cam kết liên quan, đánh giá cơ cấu thương mại hàng hoá theo chuỗi cung ứng và mối quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và các nước RCEP.

Thứ hai, phân tích lộ trình cắt giảm thuế quan và quy tắc xuất xứ giữa việt Nam với các nước RCEP, từ đó đánh giá tác động tới sự thay đổi chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư FDI và cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Ngoài ra, báo cáo cũng tập trung sâu vào một số chuỗi cung ứng trong ngành chế biến, chế tạo cụ thể bao gồm: Điện tử, ô tô, dệt may. Đây là những nhóm ngành được đặc biệt quan tâm trong giai đoan hiện nay, do có tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu lớn, tác động của RCEP về tái định hình các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành này trong trung và dài hạn sẽ ảnh hưởng tới cả tăng trưởng, đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin