Đề xuất thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ

27/07/2021 08:57

Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, trong đó nêu rõ thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ.

4-1627350984.jpg

Ảnh minh họa

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (cấp bộ), UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc cơ quan hành chính nhà nước.

Trong quá trình tiến hành thanh tra trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan gồm:

a- Văn phòng bộ, các tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, các doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ trưởng) quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của bộ.

b- Văn phòng UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cấp sở), UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), doanh nghiệp nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

c- Văn phòng, các phòng, ban nghiệp vụ của doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đó.

Việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ thẩm quyền xem xét, xác minh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Theo đó, trong quá trình tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra, ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra, đoàn thanh tra trách nhiệm có thể xem xét, xác minh đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan khác để làm rõ các nội dung cần thanh tra.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung cần thanh tra có trách nhiệm làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/De-xuat-tham-quyen-thanh-tra-trach-nhiem-cua-Thanh-tra-Chinh-phu/440012.vgp

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin