Để Nhà báo dấn thân đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng…

(Pháp lý) - Theo Luật Báo chí, báo chí có nhiệm vụ “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Trên thực tế, khi dấn thân để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, nhà báo phải đối diện với vô vàn khó khăn, nhọc nhằn, cô đơn, thậm chí là cả hiểm nguy tính mạng luôn rình rập để tiếp cận công lý…

Nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực luôn đối diện với hiểm nguy

Hiệu quả của hoạt động nhà báo trong việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng rất rõ ràng. Có thể thấy trong hàng loạt các vụ việc tham nhũng, tiêu cực gần đây, có công đầu tiên trong việc phanh phui, đưa ra ánh sáng là các nhà báo. Tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp, có thể thấy nhà báo gặp phải vô vàn những khó khăn, thách thức.

Cần có giải pháp pháp luật sắc bén hơn để bảo vệ nhà báo tác nghiệp chống tham nhũng, tiêu cực.
Cần có giải pháp pháp luật sắc bén hơn để bảo vệ nhà báo tác nghiệp chống tham nhũng, tiêu cực.)

Còn nhớ, từ thời điểm 8/4 đến 14/5/2017, Tạp chí GTVT điện tử (tapchigiaothong.vn) đã liên tục đăng đàn 8 kỳ báo những bài viết của nhà báo Hằng Nga phanh phui về những sai phạm nghiêm trọng của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Surise Bay Đà Nẵng)- “mệnh danh” là khu đô thị lấn biển lớn nhất, đẹp nhất cả nước, do ông Phan Văn Anh Vũ làm người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Nhà báo Hằng Nga mất hơn 3 tháng ròng rã điều tra nhằm thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, trong quá trình tác nghiệp không ít lần chị gặp những khó khăn trở ngại trong việc đối chứng chứng cứ. Từ việc gặp gỡ với từng người dân, ghi nhận sự bức xúc của họ trước một “thành trì” ngang nhiên “coi trời bằng vung”. Cho đến những lần phải cải trang thâm nhập để điều tra, dù đã rất cẩn thận nhưng chị vẫn gặp nhiều sự đe dọa từ phía doanh nghiệp. “Tôi phải giả đóng trong vai khách hàng đi tìm hiểu mua căn hộ tại dự án. Gặp không ít sự cảnh giác của nhân viên dự án và để có được những hình ảnh tại dự án, tôi cũng phải dè chừng. Không thể công khai lộ diện, tranh thủ buổi trưa, khi bảo vệ và nhân công nghỉ ngơi, tôi xách xe máy chạy tới chạy lui, loanh quanh trên con đường Nguyễn Tất Thành, giống như là khách đi đường muốn chụp lại cảnh đẹp dọc bờ biển” – chị Nga chia sẻ.

Khi loạt bài được đăng tải, nhà báo Dương Hằng Nga lại bị “bủa vây” đủ đường bởi ông Phan Văn Anh Vũ. Ông này đâm đơn kiện nữ nhà báo tại Tòa án quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) với tội vu khống. Nguyên đơn là ông Phan Văn Anh Vũ lại vắng mặt không có lý do trong suốt quá trình hòa giải, thu thập bằng chứng. Vì không có chứng cứ nên Tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Thời điểm ấy, dù chỉ là bị đơn trong một vụ án dân sự, chị bị Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh trên toàn quốc. Sau này, trước những phản ánh của báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm mà Tạp chí GTVT điện tử nêu. Đồng thời, những sai phạm nghiêm trọng của Vũ nhôm cũng bị phác lộ. Vũ “nhôm” đã bị bắt.

Ở một vụ việc khác vào cuối năm 2018, Ban Thời sự VTV, Báo Phụ nữ TP. HCM liên tục phát sóng, đăng tải các phóng sự phản ánh tình trạng thu tiền "bảo kê" tại chợ Long Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Những thông tin này đã nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội trong cả nước. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh những hành vi của nhóm người thu tiền "bảo kê", xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cưỡng đoạt tài sản".

Sau khi vụ việc bị khởi tố, những nhà báo phanh phui vụ việc đã nhận đe dọa “giết cả nhà”.

Thống kê sơ bộ, trong năm 2018 đã có chục vụ việc cản trở, gây khó khăn, truy sát, đe dọa, hành hung nhà báo. Chỉ trong ít ngày đầu năm 2019, liên tiếp các vụ việc nghiêm trọng với phóng viên, nhà báo đã xảy ra. Vào ngày 26/1, trong khi đang tác nghiệp tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) để tìm hiểu về tình hình khai thác quặng trái phép trên địa bàn, phóng viên Nguyễn Văn Tý (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang) và phóng viên Trần Đức Vinh (thuộc Văn phòng đại diện khu vực miền núi phía Bắc của Tạp chí Truyền thống và phát triển) đã bị các đối tượng khai thác quặng trái phép hành hung, truy sát. Nhưng rất may, khi xảy ra sự việc phóng viên Nguyễn Văn Tý đã kịp thời gọi điện về Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang và lãnh đạo huyện Sơn Dương thông báo vụ việc. Công an huyện Sơn Dương đã ngay lập tức cử cán bộ xuống hiện trường và bảo đảm được an toàn tính mạng, phương tiện hoạt động nghiệp vụ của phóng viên Nguyễn Văn Tý và Trần Đức Vinh. Đồng thời, tại hiện trường, cũng đã thu giữ 140 bao quặng khai thác trái phép và một số vật dụng nghi là dây cháy chậm để nổ mìn.

Nhà báo bị nhắn tin dọa giết khi thực hiện vụ việc điều tra.
Nhà báo bị nhắn tin dọa giết khi thực hiện vụ việc điều tra.)

Sau đó một ngày, sáng 27/1, nhà báo Hoàng Đình Chiểu, Phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam tại tỉnh Kon Tum đã bị nhóm côn đồ tấn công phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Theo bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, nhà báo Đình Chiểu nhập viện với chấn thương phần mềm mắt trái, chấn thương phần mềm ngực trái, chảy máu mũi, gãy thành ngoài xoang sàng bên trái do bị đánh. Tiếp đến, ngày 28/02, anh N.D.T, Phóng viên của Tạp chí Thương Trường có mặt tại Công ty TNHH Đông Y Gia truyền Tiến Hạnh (địa chỉ: tòa nhà Golden field trên đường Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình 2, Hà Nội) theo lịch hẹn làm việc. Khoảng 10h, sau khi kết thúc buổi làm việc, trên đường về, khi ngang qua đoạn đường đối diện với Nghĩa trang Mai Dịch (đường Hồ Tùng Mậu, hướng đi Mai Dịch), anh T đang điều khiển xe máy thì bất ngờ bị một xe ô tô Kia Cerato màu đen mang biển kiểm soát 30A – 66544 ép sát vào lề đường làm anh mất đà ngã xuống. Sau đó, 3 đối tượng lạ mặt từ trên xe ô tô xông vào đánh anh T liên tiếp vào vùng đầu, cổ, vai và cánh tay. Bị đánh bất ngờ, anh T gục xuống đường. Không dừng lại ở đó, các đối tượng tiếp tục dùng hung khí là một thanh sắt dài khoảng 50 cm, đập mạnh vào bả vai bên trái và vùng đầu.

Có thể nói, phóng viên nhà báo khi tác nghiệp liên quan đến những vấn đề tiêu cực của cơ quan, doanh nghiệp luôn gặp phải rất nhiều những cản trở khác nhau, thậm chí tính mạng của họ cũng bị đe dọa. Hầu hết những vụ việc nêu trên, họ chỉ nhận được sự hỗ trợ về tinh thần từ các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng xã hội mà chưa có cơ chế bảo vệ họ hữu hiệu để khích lệ họ dấn thân, đấu tranh với tiêu cực trong xã hội.

Bảo vệ Nhà báo bằng cách nào?

Khi đề cập đến vấn đề bảo vệ nhà báo nhất là nhà báo đang thực hiện các hoạt động báo chí điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, có nhiều quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, không cần có những thay đổi về mặt luật pháp trong thời điểm hiện tại mà chỉ cần cơ chế thực thi tốt các điều luật hiện có. Xu hướng nâng nhà báo được bảo vệ nhiều hơn công dân bình thường là không nên và trái với xu hướng phổ quát của báo chí.

Có ý kiến lại cho rằng, không phải là vấn đề bảo vệ nhà báo mà vấn đề bảo vệ công việc của nhà báo. Theo quan sát của các tổ chức nghiên cứu chính sách thì trong thời gian gần đây cho thấy, các hành vi tấn công/cản trở nhà báo theo mô tả quy phạm hành chính hiện nay giảm nhiều (cỡ 10 vụ/năm so với 40 vụ/năm trước 2015) tuy nhiên xuất hiện rất nhiều hành vi mới chưa được mô tả cần bổ sung vào Luật như là việc tấn công nhà báo trên mạng…

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 thì báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”

Rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội trao là nặng nề. Gắn với nhiệm vụ ấy, cần đề xuất một cơ chế đặc biệt để bảo vệ nhà báo khi đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Nhìn từ các vụ việc cụ thể, như việc nhà báo bị đe dọa, dọa giết, hay bị đối tượng cố ý gây thương tích trong thời gian gần đây, thiết nghĩ cần quy định nhà báo đang thực hiện các hoạt động điều tra (có báo cáo cơ quan, được cơ quan chấp thuận) là hoạt động công vụ. Thực ra kiến nghị này cũng được đưa ra nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa hiện thực.

 Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có quy trình và chủ động tiếp nhận tin báo tội phạm do báo chí chuyển đến.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có quy trình và chủ động tiếp nhận tin báo tội phạm do báo chí chuyển đến.)

Về mặt kỹ thuật lập pháp, đầu tiên chúng tôi khuyến nghị tách điểm d khoản 2 điều 4 của Luật Báo chí 2016 thành 2 điểm. Cụ thể, ghi rõ trong 1 điểm (trong khoản 2) của điều Luật này về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Sau đó, cần kiến nghị hướng dẫn hoạt động, được thực hiện theo điều khoản này là thực hiện công vụ. Tại một số điều Luật có sẵn trong Bộ Luật hình sự, hành vi cố ý gây thương tích, đe dọa giết người đối người thực hiện hoạt động công vụ đã được coi là tình tiết định khung tăng nặng. Để đảm bảo thực hiện quy định này trong thực tế, cần được hướng dẫn bằng một văn bản hướng dẫn của Tòa tối cao.

Về mặt nội dung, đối với hành vi đe dọa giết nhà báo. Đối với tội đe dọa giết người (Điều 133, BLHS 2015, sửa đổi 2017), hành vi đe dọa giết người cấu thành tội khi có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì là cấu thành tội đe dọa giết người. Khi nhà báo đang đấu tranh với tiêu cực bằng các hoạt động nghiệp vụ báo chí nhằm vào cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm mà bị chính cơ quan, cá nhân đó đe dọa giết, giết cả nhà… thì cần quy định là đối tượng đe dọa đã đủ yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người.

Hoặc đối với tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Khi nhà báo tác nghiệp bị xâm hại sức khỏe, cần quy định hành vi cố ý gây thương tích đối với nhà báo đang tác nghiệp, đang điều tra là tình tiết định khung tăng nặng đối với hành vi cố ý gây thương tích. Việc chế định những vấn đề trên vào một văn bản quy phạm pháp luật là điều không hề dễ dàng. Thiết nghĩ, Hội nhà báo Việt Nam cần có những nghiên cứu, kiến nghị để bảo vệ nhà báo điều tra bằng các quy định sắc bén của luật pháp.

Theo dõi các vụ việc mà nhà báo điều tra, người viết nhận thấy những điều mà chính những người trong cuộc trăn trở nhất đó là cần có quy định cụ thể trong tố tụng để tiếp nhận kịp thời những phản ánh của nhà báo về hiện tượng tiêu cực mà họ nêu. Cần có quy định liên ngành hướng dẫn việc tiếp nhận tin báo tội phạm thông qua phản ánh từ cơ quan báo chí.

Phan Minh

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin