(Pháp lý) - LTS: Khi được hỏi về một trong những bức xúc nổi cộm hiện nay của cử tri, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền từng chia sẻ với Phóng viên Pháp lý: Cử tri của ta hiện nay bức xúc nhiều về việc thi hành pháp luật. Thi hành pháp luật không nghiêm, bất công sẽ ảnh hưởng xấu tới hình ảnh các cơ quan bảo vệ pháp luật, sẽ khiến cử tri bất an, bất bình. Trong số báo này, Pháp lý xin đi sâu phân tích, “mổ xẻ” những vụ việc nổi cộm thời gian gần đây cho thấy sự bất công, bất thường trong thi hành pháp luật và kiến nghị để hoạt động thực thi pháp luật lấy lại niềm tin của cử tri, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.
Bài 1: Pháp luật vô tình hay công lý bị bẻ cong?
Việc công an huyện Bình Chánh “nhạy bén”, “rốt ráo” trong việc xử lý một chủ quán phở, bị tội hình sự, xử lý chủ nhân một chòi vịt tội hình sự... đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Thế nhưng, cùng là thực thi pháp luật, bên cạnh những vụ việc cán bộ chấp pháp xiết dân đến ngạt thở, lại có những vụ việc bỏ lọt hành vi phạm tội nguy hiểm hoặc tố tụng “câu dầm”, chậm trễ đến kỳ lạ…
Đáng tội nặng mà vẫn thoát!
Trong thực tế thực thi pháp luật, dư luận cho rằng, có những sai phạm rất nghiêm trọng nhưng lại không bị xử lý hình sự. Cụ thể, vụ việc 8 cá nhân lãnh đạo tại 4 công ty công ích tại TPHCM là một ví dụ. Trong cuộc thanh tra 2 đơn vị này, văn bản Sở LĐTBXH gửi UBND TPHCM kết luận rất rõ: Tại Công ty TNHH MTV chiếu sáng công cộng đã khai khống với cơ quan chức năng thêm 151 người lao động ảo. Công ty TNHH MTV công viên cây xanh khai khống 183 lao động ảo. Mục đích của hành vi khai khống số lao động trên nhằm hưởng khoản tiền chênh lệch lớn trong quỹ lương và chi lương “khủng” cho lãnh đạo các công ty trên.
[caption id="attachment_140680" align="aligncenter" width="410"] Lãnh đạo Công ty TNHH MTV công viên Cây xanh đã khai khống số lao động tăng thêm 183 người nhằm mục đích hưởng khoản tiền chênh lệch lớn trong quỹ lương và chi lương “khủng” cho lãnh đạo, nhưng chỉ bị xử lý dân sự, hành chính.[/caption]
Hành vi chỉ đạo cán bộ cấp dưới làm chứng từ sổ sách để khai khống lương của lãnh đạo các công ty công ích trên đã bỏ qua các quy định tại những chính sách trên để “vặt” tiền nhà nước bằng việc chi lương “khủng” cho những cán bộ lãnh đạo trong công ty. Điều đó gây thất thoát số tiền lớn của nhà nước và gây bất bình cho nhân dân. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, hành vi sai phạm này có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo quy định của điều luật này, hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, có thể bị phạt tù từ 3-12 năm. Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên, có thể bị phạt tù từ 10-20 năm...
Thế nhưng thực tế thì những lãnh đạo của các công ty này chỉ bị cơ quan chức năng xử lý dân sự và hành chính.
Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm gây bất bình rất lớn trong quần chúng nhân dân. Thế nhưng thực thi pháp luật trước loại tội phạm này lại có dấu hiệu bao che, bỏ lơ hành vi phạm tội trong rất nhiều vụ việc. Có thể kể đến một trường hợp tiêu biểu tại Thanh Hóa mới đây. Báo cáo tham nhũng tại địa phương này từ năm 2011 đến 2014, phát hiện hơn 700 đơn vị có vi phạm với tổng số tiền hơn 200 tỉ đồng và trên 211ha đất trong 565 cuộc thanh tra hành chính. Tuy nhiên, cơ quan này kết luận không phát hiện có tội phạm tham nhũng. Người đứng đầu lãnh đạo này còn mạnh miệng nói, phải tin vào thanh tra bởi nhiều vụ chuyển hồ sơ sang tòa án, viện kiểm sát nhưng không phát hiện được tham nhũng. ?! Dư luận đến bó tay với kiểu thực thi pháp luật như vậy, có thất thoát tiền tỉ, có hành vi vi phạm… tại sao không thể điều tra, truy tố, xét xử? Hay do chủ thể phạm tội không phải là người có chức vụ mà là dân thường? Tuy nhiên cũng phải nói rằng, thưa lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dân thường biết gì mà vào cơ quan công quyền để tham nhũng?
[caption id="attachment_140681" align="aligncenter" width="410"] Khu biệt thự nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn xây trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì thách thức pháp luật[/caption]
Thực tế còn có những vụ việc sai phạm khủng khiến dư luận ồn ào nhưng các cơ quan chức trách lại bỏ lơ. Từ năm 2011, các công trình xây dựng của Khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn của Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh đã ở trên đất nông nghiệp ở Ba Vì, Hà Nội. Việc sử dụng đất sai mục đích trong khu nghỉ dưỡng này đã được kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử lý. Tuy nhiên mặc đoàn kiểm tra, mặc xử lý của nhà chức trách, công ty này vẫn tiếp tục vi phạm, họ vẫn xây biệt thự và chào bán trên các trang mạng mặc dù chưa được cấp giấy phép xây dựng hay chưa có những thủ tục hành chính cơ bản khác.
Hành vi của Công ty CP Đầu tư Thăng Long có dấu hiệu vi phạm các quy định của BLHS về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (Điều 270). Theo cấu thành của tội này thì chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư Thăng Long Xanh) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc hành vi xây dựng công trình trái phép hoặc đã bị kết án về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở mà chưa được xóa án tích mà vẫn cố tình xây dựng tiếp thì đã thỏa mãn cấu thành của tội này. Ấy thế nhưng từ khi bị dư luận lên án đến nay đã gần nửa năm, Điền Viên Thôn vẫn sừng sững ở đó thách thức dư luận. Chủ đầu tư, các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng vẫn vô can.
Trên thực tế thì thực thi pháp luật còn bất lực với nhiều hành vi phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, lý do là hạn chế từ luật. Từ lâu dư luận đã lên án việc để chất cấm trong thức ăn chăn nuôi bởi sau khi cho gà, heo ăn thứ chất đó sẽ gián tiếp là chất đầu độc con người. Mặc dù cơ quan chức năng đã bắt được không ít vụ mua bán, sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi nhưng vẫn không ngăn chặn được lòng tham của nhiều chủ trang trại và thương lái. Lý do là theo luật, chế tài xử lý với hành vi vi phạm này còn nhẹ. Một ví dụ tiêu biểu gần đây là kiểm tra 2 hộ nuôi heo tại Tiền Giang có đến 32 mẫu nước tiểu dương tính với chất tạo nạc salbutamol nhưng mỗi hộ chỉ bị xử phạt 7,5 triệu đồng.
Đáng nhanh làm chậm, đáng nặng xử nhẹ
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua dư luận cả nước sôi sục về việc quán phở thiếu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự. Điều đáng nói là vụ việc trên được xử lý cấp tập. Chỉ vì thiếu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mà trong vòng nửa tháng chủ quán phở bị khởi tố, sau đó là cáo trạng của VKS, sau đó là chuyển hồ sơ sang tòa. Ông Tấn bị truy tố theo khoản 1 Điều 159 BLHS, mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Nói đến vụ án được điều tra “cực nhanh” này, người viết lại nhớ đến những vụ án “chậm” mà điều tra mãi không ra. Đơn cử như một vụ việc cùng ở thành phố này, Phạm Sỹ Hoài Như (35 tuổi, nguyên thượng úy CSGT - Công an quận Tân Bình) và 4 bị cáo khác bị khởi tố tội Cố ý gây thương tích. Nhóm người này đã đánh chết anh Chín - người vi phạm giao thông cự cãi với cảnh sát - sau khi được lệnh của thượng úy Như. Vụ án đó kéo dài trong nhiều năm liền mà không được điều tra, truy tố, xét xử dứt điểm. Hay vụ việc nữ hộ sinh tố cáo trưởng trạm y tế ăn hối lộ ở Quảng Nam. Vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng sau hơn 4 năm mới đưa vụ án ra xét xử. Từ to hóa nhỏ, bản án cuối cùng chỉ là án treo cho Trạm trưởng trạm y tế.
[caption id="attachment_140682" align="aligncenter" width="410"] Để “lọt” 10 container hàng lậu hơn 26 tỉ đồng ở Sài Gòn nhưng nguyên cán bộ hải quan chỉ lãnh... án treo ( ảnh: Các bị cáo trong vụ 10 container tại tòa)[/caption]
Thực thi pháp luật bất công còn thể hiện ở việc tội nặng mà lại xử nhẹ. Vụ án mà chúng tôi nói đến là vụ 10 container hàng của 2 công ty trị giá 930 triệu đồng, được Nguyễn Phước Tường và Bùi Anh Tuấn, cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn KV3 ký thông quan. Kiểm tra bất ngờ 10 container theo 10 tờ khai và phát hiện thực tế hàng hóa trong các lô hàng không đúng như khai báo, thậm chí có cả hàng cấm. Vụ việc vỡ lở, các cán bộ Hải quan bị truy trách nhiệm. Theo đó, cán bộ hải quan đã thiếu trách nhiệm để lọt lô hàng có giá trị lớn lại có hàng cấm nhưng chỉ phải lãnh 3 năm tù lại được hưởng án treo. Trong khi đó một vụ việc khác cũng ở thành phố này, một nữ sinh lao vào ngăn cảnh CSGT thu xe là phương tiện duy nhất của gia đình thì bị xử 9 tháng tù giam.
Đó là một vài ví dụ “kỳ quái” cho thấy quá trình thực thi pháp luật của nước ta có rất nhiều bất thường, bất công, nhiều nhược điểm. Điều này nếu không nhanh chóng khắc phục, thật sự sẽ gieo cảm giác bất an khi nghĩ đến pháp luật, công lý trong xã hội hiện nay…
Minh Minh