ĐBQH: Không có tố tụng đặc biệt, khó thu hồi tài sản không nguồn gốc

Bàn về nội dung xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH cho rằng, nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Nên mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật

Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của đại biểu sáng nay là việc nên hay không mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật? Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”.

Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu phạm vi điều chỉnh được quy định như trong dự thảo Luật thì sẽ không đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tế. Đại biểu hoàn toàn nhất trí việc cắt đứt được dây liên kết tham nhũng giữa khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước, cắt nguồn tham nhũng. "Nhưng không có nghĩa là sử dụng "con dao" duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này. Mà cần có những quy định của các luật khác nhau. Chính vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này", đại biểu Nhưỡng đưa ý kiến.

 

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre))

Từ đó, đại biểu Nhưỡng khẳng định không tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài Nhà nước; kiến nghị nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu làm công chức và kiểm soát từ đó trở đi. Đại biểu nhấn mạnh đây mới là giải pháp quan trọng.

Tuy nhiên, trước tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời cản trở hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước như dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp.

Các đại biểu: Trần Tất Thế (Hà Nam), Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương), Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam)… đều bày tỏ đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư. Theo ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), hiện nay ngày càng có sự gắn kết giữa các cơ quan đơn vị nhà nước với các đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đơn vị ngoài nhà nước đã trở thành đối tác cung cấp dịch vụ hàng hóa cho các đơn vị Nhà nước. Nếu chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng ở khu vực nhà nước mà không hoặc chưa quy định chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì công tác phòng, chống tham nhũng ngay ở trong khu vực nhà nước cũng khó đạt hiệu quả cao, do đó, việc mở rộng là điều rất cần thiết.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thống nhất cao việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực tư. Đại biểu Hàm đánh giá đây là điểm nổi bật trong sửa đổi Luật, phù hợp với công ước quốc tế, các chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Nó thể hiện sự đổi mới tư duy trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cộng đồng khi phát triển kinh tế thị trường.

Đại biểu Hàm cũng đồng tình việc dự thảo Luật tập trung phòng chống tham nhũng ở các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ, các tổ chức xã hội. Theo đại biểu, kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra ở các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người, và nếu tham nhũng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh lần này cũng chỉ ở 4 loại hình tổ chức tư nhân nên không kìm hãm sự phát triển của khu vực tư và không cản trở việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong khu vực Nhà nước.

Không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị thu hồi

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là xử lý tài sản không rõ nguồn gốc như thế nào?

Theo một số đại biểu Quốc hội, thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng đây là điều “người dân rất chờ đợi”. Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Ban soạn thảo cần tiếp thu, thảo luận thấu đáo trên nhiều khía cạnh vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực trạng, thu hồi tài sản tham nhũng đang tiếp tục gặp khó khăn. Trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng thu hồi chỉ đạt 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất, tức trên dưới 10%. Khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân từ pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng.

 

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn))

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, vì chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp nên một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, có thể khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể “đụng” được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và đến khi đó sẽ rất khó khăn cho việc thu hồi, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.

Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa Luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ.

Đối với quan điểm của Ban soạn thảo, việc không bổ sung cơ chế xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Tức là muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh, chứ không phải là người có tài sản có trách nhiệm giải trình, đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ sự không đồng tình và cho rằng, tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, độ ẩn của tội phạm này rất cao. Chính quốc gia có mô hình phòng, chống tham nhũng hiệu quả cũng không hy vọng thu hồi 100% số tài sản tham nhũng. Vì vậy, trách nhiệm giải trình và chế tài áp dụng khi không giải trình được được các nước đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản. Do đó, nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được.

Cho rằng, trách nhiệm giải trình tài sản là một trong 2 vấn đề “cốt tử” của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu ý kiến, việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vụ án hình sự. Còn trong phạm vi của Luật Phòng, chống tham nhũng thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản phải là chủ sở hữu tài sản. Nếu “anh không chứng minh được thì Nhà nước sẽ thu hồi tài sản”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.

Lý giải thêm về việc xử lý tài sản bất minh pháp luật chưa quy định nên thực tế phát hiện một số trường hợp chỉ xử lý kỷ luật còn tài sản không giải trình rõ nguồn gốc không có căn cứ xử lý, đại biểu Nguyễn Quang Dũng chỉ ra rằng, Điều 32 Hiến pháp 2013 chỉ công nhận quyền sở hữu của công dân đối với thu nhập hợp pháp. Do vậy, đối với thu nhập, tài sản qua xác minh là bất minh, bất hợp pháp thì việc tịch thu tài sản đó không trái Hiến pháp.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin