Bà Hứa Thị Phấn là bị can chính trong vụ án TrustBank bị rút ruột hơn 12.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo kết quả giám định thì sức khỏe của bà Phấn rất yếu, nhiều khả năng sẽ không có mặt tại tòa. Đây được cho là một phiên xử hi hữu khi toà xử một bị cáo đầu vụ mà không có bất cứ lời khai nào của đương sự.
Dự kiến, từ ngày 8 – 31/5, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng 27 đồng phạm.
Bà Phấn bị cáo buộc lợi dụng quyền chi phối (nắm 85% cổ phần Đại Tín) chỉ đạo cấp dưới thực hiện hàng loạt sai phạm dẫn đến gây thiệt hại hơn 12.000 tỉ đồng của ngân hàng này.
Tuy nhiên, 2 ngày trước khi bị khởi tố, bà này nhập viện. Công an nhiều lần đến lấy lời khai nhưng nữ đại gia luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".
Theo thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa hình sự TAND TPHCM (người được phân công làm chủ tọa phiên tòa này), trong hồ sơ đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về tình trạng sức khỏe của bà Phấn nên HĐXX xét thấy không cần thiết phải trưng cầu lại.
Theo kết luận giám định này, bà Phấn mất sức khỏe 93% do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại.
“Việc bà Phấn có mặt tại phiên tòa hay không đến ngày mở phiên tòa mới biết được, vì hiện tại các luật sư của bà Phấn chưa có đề nghị nào liên quan. Tòa cũng đã tống đạt giấy triệu tập hợp lệ đến bị cáo. Nếu bà Phấn vì sức khỏe không thể có mặt và xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại đến việc xét xử thì HĐXX vẫn xét xử vụ án bình thường”, ông Toản nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TPHCM Vũ Phi Long cho rằng, đây là trường hợp khá hi hữu khi toà xét xử một bị cáo đầu vụ mà không có bất kỳ lời khai nào của bị cáo.
“Người bị mất 93% sức khỏe thì tạm thời được coi là người có nhược điểm về thể chất và tâm thần. Tuy nhiên, để xác định họ có mất, hay hạn chế năng lực hành vi, khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải qua giám định pháp y”, ông Long nói.
Ông viện dẫn khoản 1 điều 290 bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa”.
“Trong trường hợp này, bà Phấn có lý do bất khả kháng nên phải trưng cầu giám định tâm thần. Nếu kết quả cho thấy bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Ngoài ra, tòa án còn có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt và HĐXX chấp nhận, nếu sự vắng mặt không gây trở ngại cho việc xét xử”, ông Long phân tích.
Là 1 trong 4 người bảo vệ bà Phấn, luật sư Lưu Văn Tám nói rằng: “Sức khỏe của thân chủ tôi rất khó để tham gia phiên tòa, giống như lần xét xử vụ án OceanBank, Phạm Công Danh khi bà Phấn là người liên quan. Tại phiên phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm đang diễn ra, bà Phấn là người kháng cáo mà không thể có mặt. Nếu TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử trong tình trạng sức khỏe bà Phấn không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo, không đảm bảo tính chặt chẽ về tố tụng. Bởi các bên liên quan có thể đưa ra những cáo buộc, quan điểm bất lợi mà bà ấy không thể thực hiện quyền tự bào chữa", ông Tám nêu quan điểm.
Theo luật sư, trong trường hợp này cơ quan tố tụng nên tạm đình chỉ vụ án, tương tự như trường hợp cựu Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Xuân Giá trong vụ án "bầu" Kiên trước đây.
Theo Dantri