Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

28/07/2021 11:51

(Pháp lý) - Tình hình dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác những ngày vừa qua diễn biến rất phức tạp khi số lượng ca nhiễm mới tăng nhanh, xuất hiện nhiều ổ dịch có nguồn lây khác nhau, hoặc chưa rõ nguồn lây, đặc biệt là xuất hiện biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm cực nhanh. Trước tình hành này, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội  khóa XV, nhiều Đại biểu Quốc hội ( ĐBQH) đã đề xuất những giải pháp mới nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. 

181-1627440468.jpg
Cần thêm các giải pháp phòng, chống dich COVID-19 mới trong tình hình mới

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 25/7, ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh. Trong bối cảnh này, đại biểu thống nhất cao với việc Quốc hội kịp thời đưa vào nội dung nghị quyết của kỳ họp về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. 

ĐBQH Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, để có thể ban hành Chỉ thị mới nhằm phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng với yêu cầu có những biến chủng mới và phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

image002-1627440501.jpg

ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh).

 Bên cạnh đó, có chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, tăng cường nguồn cung cấp vaccine, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Đại biểu dẫn chứng cụ thể từ thực tế tại Quảng Ninh cho thấy, việc xây dựng kịch bản phòng, chống dịch chi tiết, tổ chức thực hiện nghiêm túc và tốt tất cả các khâu, như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cũng như tổ dân, khu phố và người dân tham gia một cách tích cực, nắm bắt các thông tin chỉ đạo của tỉnh hằng ngày, nhờ đó sẽ không có những ca lây nhiễm trong cộng đồng, cơ bản khống chế được dịch bệnh trên địa bàn…

3 nguyên tắc và 3 tầng chống dịch

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, trong đợt dịch bùng phát lần 4 này thì chúng ta không thể lấy ca nhiễm của một tỉnh được coi là tiêu chí thành công, vì với chủng Delta này không thể biết được, có khi buổi sáng thức dậy tỉnh mình đã bùng phát rồi.

“Do đó, tiêu chí để chống dịch tốt đó chính là chúng ta cần có kịch bản đầy đủ cho việc tránh bùng phát dịch. Giai đoạn này chúng ta cần thiết theo nguyên tắc chung của cả nước để chống dịch. Theo tôi có 3 nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất là chống lây lan tối đa; thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong tối đa và thứ ba là đảm bảo phát triển kinh tế”, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Phân tích thêm cho điều này, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết, đối với nguyên tắc thứ ba, cần phải chia hệ thống chống dịch ra “3 tầng” giống như Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.

image003-1627440533.jpg

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang).

Đối với tầng thứ nhất, đấy là các bệnh viện dã chiến chăm sóc bệnh nhân F0, người nhiễm F0, người nhiễm không có triệu chứng nên nhiệm vụ là không bỏ sót các triệu chứng sớm khiến họ trở thành bệnh nhân thực sự. Chính vì vậy, cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ, điều kiện sinh hoạt bảo đảm.

Nếu không được như vậy, ở những vùng dịch bùng phát có thể triển khai cách ly F0 tại nhà với các gói theo dõi ứng dụng khám chữa bệnh từ xa như đã và đang thực hiện ở Ấn Độ và mới đây là Myanmar. Những người nhiễm không triệu chứng có nhà riêng đủ điều kiện cách ly cần được thực hiện gói chăm sóc như nhân viên y tế, điện thoại 2 ngày mỗi lần, sử dụng App chuyên dụng để tự nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và cách xử lý, video call các bác sĩ từ xa...

Tầng 2 là tầng chúng ta đã triển khai rộng rãi từ nhiều năm nay, đó là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần nhất là đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn mà Bộ Y tế thường xuyên cập nhật. Cần đánh giá mức độ bệnh chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hay quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức chúng ta cần khẩn trương bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, Monitoring theo dõi, thuốc men trong danh mục điều trị COVID-19.

Tầng 3 là tầng quan trọng nhất, đây là các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch, chúng ta cần khẩn trương hình thành các trung tâm này. Nơi đây chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO. Nguồn lực của cả Trung ương và địa phương cần tập trung vào đây để sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính. Ví dụ như ước tính 100.000 bệnh nhân COVID-19 thì phải chuẩn bị 5.000 giường ICU.

Tổ chức lại việc điều trị người nhiễm, phân 4 tầng điều trị

Trong một bài viết đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ĐBQH khóa XV đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống Covid-19 trong tình hình mới rất đáng quan tâm. Theo đó, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước thực tế dịch Covid-19 đã thay đổi về chất và yêu cầu phải giảm tải cho hệ thống y tế của các địa phương và cả nước, để ngành y tế hoạt động bền vững và chăm lo toàn diện cho sức khỏe nhân dân chúng ta phải bổ sung một số giải pháp mới phòng chống dịch. 

Từ thực tiễn của một số địa phương và kinh nghiệm các nước, GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất xem xét một số giải pháp mới như:

Tổ chức lại việc điều trị người nhiễm, chuyển từ mô hình đưa 100% người nhiễm (F0) vào các bệnh viện sang mô hình đưa khoảng 35% số người nhiễm vào bệnh viện. GS Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị quy trình điều trị người nhiễm Covid-19: Phân loại người nhiễm - 4 tầng điều trị - 1 trung tâm điều phối, ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Theo đó, sau khi người nhiễm được khẳng định là dương tính qua xét nghiệm thì được chuyển ngay về các bệnh viện tuyến quận huyện để theo dõi, phân loại theo 4 nhóm, gồm:

Nhóm 1: Bệnh rất nhẹ (không có triệu chứng, nồng độ virus thấp, không có các bệnh khác); Nhóm 2: Bệnh nhẹ (triệu chứng không rõ ràng, nồng độ virus thấp, có các bệnh khác cần điều trị); Nhóm 3: Bệnh mức độ trung bình, có thể có bệnh khác đi kèm; Nhóm 4: Bệnh nặng 

Ngay sau khi phân loại, các bệnh nhân sẽ được chuyển về 4 loại cơ sở:

Thứ nhất, các trung tâm giám sát và hỗ trợ người nhiễm ở các quận huyện tiếp nhận các bệnh nhân rất nhẹ (Tầng 1): đây không phải là các cơ sở điều trị, chỉ có chức năng giám sát sức khỏe, nâng đỡ sức khỏe cho người nhiễm rất nhẹ, kiểm tra nồng độ virus…

Thứ 2, các bệnh viện quận, huyện hoặc khu vực tiếp nhận các bệnh nhân nhẹ (Tầng 2): Đây là các cơ sở điều trị đa khoa hiện nay, được hỗ trợ một số bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa nhiễm, để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ, nhất là khi họ có bệnh nền hoặc đang phải điều trị 1 số bệnh khác…

Thứ ba, các bệnh viện cấp tỉnh, thành phố tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 mức trung bình (Tầng 3): đây là các bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa cấp tỉnh, thành phố hoặc bệnh viện tư nhân có lực lượng y bác sĩ và thiết bị phù hợp để tiếp nhận khoảng 10% số người nhiễm (F0) là bệnh nhân thể bệnh trung bình.

182-1627440597.jpg
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Sơ đồ quy trình điều trị các F0 “Phân loại người nhiễm, 4 tầng điều trị, 1 trung tâm điều phối”

Thứ tư, các bệnh viện cấp tỉnh, thành phố hoặc thuộc trung ương tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19 nặng (Tầng 4): đây là các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi, trang bị đủ các thiết bị đặc thù như: giường điều trị tích cực (ICU), máy theo dõi bệnh nhân, máy thở chức năng cao, ECMO, máy lọc máu liên tục, hệ thống oxy dòng cao, Xquang di động, siêu âm màu… để có thể điều trị các bệnh nhân nặng, chiếm khoảng 5% số người nhiễm Covid-19, nhất là khi họ có các bệnh nền và bệnh khác đồng thời. Trên cơ sở dự báo số người nhiễm mới Covid-19 trong thời gian 1-2 tháng tới ở địa phương, có thể xác định quy mô điều trị cần thiết của các bệnh viện này để chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh nhân nặng.

Theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, mô hình điều trị người nhiễm Covid-19 “Phân loại người nhiễm - 4 tầng điều trị” đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ, kịp thời tình hình người nhiễm mới được đưa tới các Trung tâm giám sát, hỗ trợ người nhiễm và các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhẹ, trung bình, nặng, việc chuyển người nhiễm cả hai chiều - chuyển khi nặng lên, chuyển khi bệnh nhẹ hơn, Sơ đồ trên và luân chuyển ngang người nhiễm, giữa các trung tâm giám sát, hỗ trợ người nhiễm và các bệnh viện để tránh quá tải của các đơn vị này. Vì vậy cần có 1 Trung tâm điều phối để cả hệ thống điều trị “Phân loại người nhiễm – 4 tầng điều trị” hoạt động hiệu quả cao, tạo điều kiện cho hệ thống y tế hoạt động bền vững, chăm lo sức khỏe toàn diện cho nhân dân…

Triển khai quyết liệt ngoại giao vắc xin và sản xuất vắc xin trong nước…

Bên cạnh đó, GS. Nguyễn Thiện Nhân còn đề xuất xem xét áp dụng nhiều giải pháp khác như: Tổ chức phòng chống dịch theo phương châm 5 tại chỗ; Cần có tiêu chí định lượng cho mục tiêu chống dịch và kiểm soát dịch; Cần một gói hỗ trợ tài chính để phòng chống dịch, đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhân dân và bảo vệ năng lực phát triển kinh tế sau dịch; Triển khai quyết liệt ngoại giao vắc xin và sản xuất vắc xin trong nước…

Nam Kiên  (tổng hợp)
 

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin