Cục diện chính trị thế giới năm 2020 và những phác thảo năm 2021

Có thể thấy rõ, thế giới năm 2020 được bao trùm bởi rất nhiều sự kiện lớn ở mọi nơi và về nhiều phương diện khác nhau. Song sự kiện đáng được đề cập nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Thế giới vừa đi qua một năm đầy biến động và thách thức. Năm 2020 khép lại với một bầu không khí “màu xám” bao trùm toàn cầu trước nguy cơ lây lan của virus SARS-CoV-2, ảnh hưởng đến đời sống chính trị, an ninh toàn cầu.

Cũng bởi tác động của dịch bệnh và mức độ cần thiết cấp bách phải ưu tiên đối phó dịch bệnh nên việc xử lý mọi vấn đề thời sự lâu nay của thế giới đã trở thành thứ yếu trong năm vừa qua.

Bức tranh chính trị thế giới 2020

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/2/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Dịch bệnh trở thành sự kiện nổi bật hàng đầu của thế giới trong năm 2020 mà tác động, hệ lụy và hậu quả của nó sẽ còn rất đậm nét trong năm 2021, thậm chí cả trong những năm tiếp theo nữa.

Thế giới phải chung sống cùng dịch bệnh với nhận thức là những dịch bệnh như thế rồi đây có thể bùng phát bất kỳ khi nào, bất cứ nơi đâu. Dịch bệnh làm thay đổi cách sống của con người và hoạt động của xã hội.

Nhiều nhà khoa học, chính khách đều có nhận định chung là COVID-19 đã, đang và sẽ làm thay đổi căn bản cục diện kinh tế, chính trị thế giới, trong đó có cả những thay đổi đáng kể trong nhận thức của thế giới về các mối quan hệ quốc tế, về chiến tranh hiện đại.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, thế giới cần phải tư duy và nhận thức thật sự sâu sắc về cách thức mà đại dịch COVID-19 đã và sẽ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của toàn nhân loại, trong đó thế giới không chỉ đang đứng trước bước ngoặt của những thay đổi căn bản mà là đang bước sang kỷ nguyên của những chuyển dịch rất lớn trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia vốn được coi là có nền chính trị hiện đại, dân chủ nhất nhận thấy những thiếu sót trong quản lý.

Từ đây, các quốc gia tại khu vực châu Á, với khả năng quản lý, kiểm soát dịch bệnh tốt đã vươn lên phát triển. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây lại vật lộn với dịch bệnh đến kiệt quệ.

Dịch bệnh đã buộc nhiều chính quyền trên thế giới phải điều chỉnh ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại, làm thay đổi phương thức vận hành của quan hệ quốc tế và chính trị thế giới. Dịch bệnh làm kinh tế và thương mại thế giới suy giảm tăng trưởng, thậm chí suy thoái ở một số nơi.

Dịch bệnh thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và công ăn việc làm, tạo động lực mới cho phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật công nghệ số, truyền thông trực tuyến và hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Trong năm qua, bị lấn át và che mờ ít nhiều bởi dịch bệnh, các vấn đề chính trị an ninh thời sự dai dẳng lâu nay của thế giới tuy vẫn chưa được giải quyết nhưng cũng lại không vì thế mà gia tăng đáng kể mức độ gay gắt.

Xung đột bạo lực khu vực vẫn tiếp diễn, bất hòa giữa một số quốc gia vẫn gia tăng và xung khắc thương mại giữa Mỹ với một số đối tác của Mỹ leo thang căng thẳng, nhưng chúng không làm cả thế giới hỗn loạn hay bất an, bất ổn hơn những năm trước đấy.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực, các bên liên quan đều xác định rõ hơn giới hạn của hành động và biết kiềm chế.

Thực tế, các nước trên thế giới trong năm 2020 đều phải bận rộn với chính mình hơn trước. Ngoại trừ các nước lớn ra, quan hệ giữa các quốc gia khác trên thế giới với nhau trong năm qua về cơ bản không khác gì nhiều so với các năm trước.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al Zayani trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem ngày 18/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Với sự trung gian và dưới sự bảo trợ của Mỹ, năm qua Israel đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao chính thức với một vài thành viên của thế giới Arab.

Kể từ tháng 8 đến tháng 12/2020, liên tiếp có 4 nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel dưới sự trung gian của Mỹ gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc.

Dù trái với tinh thần của Sáng kiến Hòa bình Arab ký năm 2002, xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel đang được xem là “hiệu ứng domino” khi dự báo sẽ có thêm nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực tiến hành. Dự kiến, trong tháng 1/2021 sẽ có thêm một quốc gia Hồi giáo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Nga và Trung Quốc cũng tiếp tục củng cố và nâng tầm quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực đủ để hai nước lớn này trong thực chất như thể là đồng minh chiến lược của nhau mà không cần phải liên minh với nhau trên danh nghĩa chính thức.

Có thể thấy rõ, dù đối mặt dịch bệnh COVID-19 song nhiều “bước tiến” về hòa bình, hợp tác cũng xuất hiện đem tới niềm hy vọng to lớn vào một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng, trong năm 2020, một loạt sự kiện quốc tế căng thẳng trong quan hệ giữa các nước càng khiến năm 2020 thêm bất ổn.

Các cụm từ như “đụng độ biên giới Ấn-Trung”, “chiến sự Armenia-Azerbaijan”, “căng thẳng Mỹ-Trung” là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong năm 2020.

Suốt 45 năm qua, một loạt thỏa thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bằng văn bản hoặc phi văn bản, được duy trì như một lệnh ngừng bắn dọc theo đường biên giới ở rìa phía Đông của khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2020, căng thẳng đã bùng nổ sau cuộc đụng độ gây thương vong đầu tiên trong ít nhất 45 năm qua giữa binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới tranh chấp này.

Sau vụ ẩu đả, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều điều quân lượng lớn cùng khí tài hạng nặng tăng viện cho khu vực biên giới. Điều này từng khiến thế giới lo ngại, căng thẳng có thể dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tuần tra tại ngoại ô thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực Nagorny-Karabakh, ngày 29/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tương tự, căng thẳng Armenia-Azerbaijan bắt nguồn từ tranh chấp vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.

Nó biến thành xung đột vũ trang ngày 27/9/2020 và nhanh chóng leo thang thành chiến sự quy mô lớn, khiến hơn 5.000 binh sĩ hai bên thiệt mạng, gây nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực.

Tuy nhiên, sau 3 nỗ lực đình chiến thất bại, ba nước gồm Arrmenia, Azerbaijan và Nga thông báo đã ký thỏa thuận để chấm dứt xung đột vào ngày 9/11/2020 và Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực này.

Thực tế, mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan về Nagorny-Karabakh đã diễn ra từ trăm năm trước, không ít lần bùng phát xung đột và thậm chí xảy ra chiến tranh.

Nguyên nhân là do bất đồng giữa hai cộng đồng dân cư chính, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và ý chí chính trị của lãnh đạo Armenia và Azerbaijan.

Xét về địa lý, Nagorny-Karabakh nằm gọn trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng ở đây người gốc Armenia lại chiếm đa số.

Sau cuộc chiến 1988-1994, Armenia kiểm soát Nagorny-Karabakh, trong khi Azerbaijan, với sự hậu thuẫn về chính trị và vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, quyết tâm giành lại vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là chủ đề nóng kéo dài từ 2019 sang 2020 với mức độ căng thẳng được gia nhiệt gấp bội, đến mức nhiều người còn cho rằng sắp tiếp cận ngưỡng “Chiến tranh lạnh mới”.

Năm nay, thế giới dường như quá quen với những màn chỉ trích gay gắt Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump từ việc xử lý sai dịch COVID-19 đến loạt vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương hay công nghệ.

Mỹ lần đầu tiên bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó cấm sử dụng TikTok, cùng đồng minh “tẩy chay” công nghệ 5G Trung Quốc…

Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Iran để thực hiện cái họ gọi là “ngăn chặn tham vọng hạt nhân” của Tehran.

Cùng với việc bổ sung các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế, tài chính, ngoại giao, Nhà Trắng liên tục điều động nhiều máy bay, tàu chiến hiện đại đến vùng biển Arab để phô trương sức mạnh và răn đe Tehran.

Đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều chiến dịch “tập kích bí mật” để ám sát những quan chức cấp cao của Iran; điển hình là vụ ám sát tướng Qasem Soleimani-Tư lệnh đặc nhiệm Quds của lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran.

Ngày 27/11/2020, truyền thông Iran đưa tin ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, đã tử vong tại bệnh viện do bị thương nặng trong một vụ tấn công vũ trang. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây là vụ ám sát chuyên gia hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh, ngày 27/11/2020. Dư luận lo ngại sâu sắc với chính sách thù địch của Mỹ chống Iran có thể đẩy quan hệ Mỹ-Iran tới “giới hạn đỏ” của một cuộc chiến tranh khu vực hết sức nguy hiểm.

Ngoài ra, trong năm qua mối quan hệ giữa Mỹ với Nga cũng không thể cải thiện. Trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình, Tổng thống Trump đã không thể "khởi động lại" mối quan hệ của Mỹ với Nga như cam kết nhưng đã điều chỉnh rất cơ bản chiến lược và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Thậm chí, trong năm qua, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và chưa có ý định đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

Động thái này của Mỹ có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới không chỉ trong quan hệ với Nga, mà còn với nhiều nước, trước hết là với Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh trật tự thế giới mà tam giác quan hệ Mỹ-Trung Quốc-Nga được xem là đóng vai trò then chốt, các đối tác khác trên thế giới thực tế cũng đã phải rất tỉnh táo và khôn khéo để vừa tránh bị vạ lây bởi cuộc cạnh tranh chiến lược gia tăng mức độ quyết liệt không khoan nhượng giữa Mỹ với hai nước này, đồng thời vừa tận dụng được tối đa những hiệu ứng tích cực đối với họ từ biến động của mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, Trung Quốc, Iran…

Cục diện quan hệ quốc tế năm 2020 bởi vậy chính là những mâu thuẫn giữa các nước lớn với nhau, trong khi giữa các nước khác với nhau thì lại không như vậy.

Phác thảo bức tranh thế giới 2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể thấy rõ, thế giới năm 2020 được bao trùm bởi rất nhiều sự kiện lớn ở mọi nơi và về nhiều phương diện khác nhau. Song sự kiện đáng được đề cập nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nước Mỹ cứ 4 năm lại có một lần bầu cử tổng thống. Nhưng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 ở nước Mỹ đặc biệt hơn cả bởi nếu thay đổi tổng thống thì chính sách cầm quyền cũng sẽ thay đổi rất cơ bản, giống như sự lựa chọn giữa tiếp tục con đường cũ hay rẽ hẳn vào lối đi mới.

Bầu cử Tổng tống Mỹ 2020 diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang bị ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng nhiều chiều xen lẫn nhiều yếu tố như dịch bệnh COVID-19, suy giảm kinh tế, chia rẽ và mất ổn định xã hội.

Cuộc bầu cử này được tiến hành trong lúc cả thế giới đang phải thực hiện các biện pháp đóng cửa và cách ly xã hội.

Dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế và trật tự xã hội ở quốc gia này bị đảo lộn, đặc biệt là khi rất nhiều người dân của nước này bị đại dịch đẩy vào tình thế phải sống bằng trợ cấp xã hội và vay nợ.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm đảo lộn các lợi thế và bất lợi thế của hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đại diện cho hai chính đảng lớn nhất nước ở Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa.

Đây cũng là cuộc bầu cử tốn kém, gây chia rẽ, gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử chính trường Mỹ.

Vì là một cuộc bầu chọn người lãnh đạo ở một siêu cường kinh tế, quân sự số một thế giới nên sự quan tâm của dư luận quốc tế là vô cùng lớn.

Không chỉ người dân Mỹ phải chờ đợi cho đến khi kết quả cuối cùng được công bố, tất cả các hãng truyền thông, báo chí quốc tế và ngay cả các nhà lãnh đạo ở nhiều nước cũng phải mệt mỏi để xác định được thời điểm tốt nhất nhằm gửi đi những lời chúc mừng.

Các nhà phân tích cho rằng dù ông Joe Biden đã giành được chiến thắng cuối cùng nhưng ảnh hưởng và các di sản về chính sách đối nội, đối ngoại của người tiền nhiệm Donald Trump vẫn còn đó.

Trong bối cảnh đó, thế giới năm 2021 được nhận định sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ trên nhiều phương diện bởi chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ.

Trước mắt, việc quan trọng, cấp bách nhất đối với tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ là tập trung mọi nguồn lực, mọi cố gắng để đối phó với đại dịch COVID-19.

Nếu không giải quyết được dịch COVID-19 thì kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục sa sút, không giữ được vị thế số 1 của thế giới.

Thứ 2 là hàn gắn vết thương, mất lòng tin, bất bình trong xã hội Mỹ và việc này chắc chắn phải mất nhiều thời gian.

Về mặt quan hệ đối ngoại, việc đầu tiên ông Biden làm sẽ là khôi phục lại liên kết liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với châu Âu, sửa sai những việc làm trước đây của Donald Trump.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) công bố chiến lược quốc gia về ứng phó dịch COVID-19, tại Nhà Trắng, Washington DC., ngày 21/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Củng cố lại NATO, xốc lại châu Âu để đối phó với Nga. Nên quan hệ Nga với châu Âu, Nga với Mỹ nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn trong năm tới.

Đối với Trung Đông, ông Biden sẽ không thay đổi những quyết định cơ bản mà Donald Trump đã tạo lập, mà chỉ điều chỉnh những bước nhỏ.

Khả năng ông Biden sẽ quay lại thỏa thuận của nhóm P5+1 với Iran với sự thay đổi nhỏ, là không khiêu khích Iran, cố gắng tránh xung đột quân sự với Iran theo cách mà cựu Tổng thống Obama đã từng làm.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Biden sẽ khôn khéo theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, để chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Ông Biden sẽ tập hợp lực lượng ở Trung Đông để đối phó với sự hiện diện của Nga, Trung Quốc tại khu vực này.

Đối với những vấn đề khác, như Triều Tiên, ông Biden có thể sẽ tiếp cận theo phương pháp của cựu Tổng thống Obama trước đây.

Nên trong 4 năm tới đây sẽ không có cuộc gặp cấp cao giữa Biden và Kim Jong-un, nhưng chính quyền Biden cũng sẽ không làm nóng bán đảo Triều Tiên, mà tiếp tục duy trì mối quan hệ đối thoại ở cấp thấp.

Đối với Cuba, chính quyền Biden sẽ khôi phục từng bước nhỏ trong quan hệ Cuba, các mối quan hệ khác cũng sẽ được từng bước khôi phục.

Còn với Trung Quốc, “Tuần trăng mật Mỹ-Trung” trong giai đoạn 1978-2016 đã qua, từ nay trở đi tính đối đầu, cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt, căng thẳng, nhưng sẽ không có chiến tranh lạnh, càng không có chiến tranh nóng giữa Mỹ-Trung, mà vẫn trong vòng kiểm soát.

Tuy nhiên cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn thống nhất đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính vị trí siêu cường của Mỹ…

Chính bởi vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhiều khả năng, quan hệ quốc tế trong năm tới sẽ là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, trong đó tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, mang tính đối đầu./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/cuc-dien-chinh-tri-the-gioi-nam-2020-va-nhung-phac-thao-nam-2021/186251.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin