Công ước Singapore về Hòa giải thương mại quốc tế và khả năng tham gia của Việt Nam

(Pháp lý) - Công ước Singapore thúc đẩy hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế phát triển hài hòa, qua đó góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Điều kiện và thời điểm tham gia Công ước đang đặt ra cho Việt Nam những vấn đề cần giải quyết.

Vào ngày 7/8/2019, 46 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore đã ký Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về các thỏa thuận giải quyết quốc tế thông qua hòa giải, hay còn được gọi là Công ước Singapore về Hòa giải. Đây là một con số kỷ lục về số lượng các nước tham gia ký kết nhiều nhất trong ngày đầu tiên của một Hội nghị thương mại do LHQ tổ chức và có nhiều quốc gia nữa dự kiến sẽ tiếp tục thông qua Công ước này trong tương lai gần.

Lễ ký kết Công ước Singapore

Công ước về hòa giải thương mại quốc tế

Trong thương mại quốc tế hiện nay, có bốn phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Qua số liệu thống kê khảo sát của Bộ Tư pháp, phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp, cá nhân ưu tiên áp dụng lần lượt là thương lượng (57,8 %), Tòa án (46,8%), hòa giải (22,8%), trọng tài (16,9%).

Đối với phương thức giải quyết tại Tòa án, trên thế giới hiện nay, chưa có một Công ước nào được xây dựng với nội dung công nhận và thi hành kết quả các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại một nước khác. Còn với phương thức giải quyết tại Trọng tài đã có Công ước New York năm 1958 về việc công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài nhằm đảm bảo cho các phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và thực thi như phán quyết của Trọng tài trong nước.

Thách thức thường được nêu ra trong hòa giải quốc tế là thiếu một khung pháp lý hiệu quả và hài hòa để thực thi các thỏa thuận hòa giải xuyên quốc gia. Do đó, mục đích của Công ước Singapore về Hòa giải là đưa ra một quy chế quốc tế để thực thi các thỏa thuận đạt được thông qua con đường hòa giải, gần giống với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, còn được gọi là Công ước New York và nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận được các bên thông qua này đều mang tính ràng buộc và có thể thực thi theo một thủ tục đơn giản và hợp lý.

Công ước Singapore về Hòa giải áp dụng cho các thỏa thuận hòa giải đáp ứng tất cả các tiêu chí sau: Thỏa thuận giải quyết đạt được giữa các bên phải có kết quả từ hòa giải; Thỏa thuận giải quyết phải được ký kết bằng văn bản; Tranh chấp giữa các bên phải có tính chất thương mại; Tranh chấp phải có tính chất quốc tế (ví dụ: ít nhất hai bên tham gia thỏa thuận hòa giải có trụ sở kinh doanh ở các quốc gia khác nhau).

Công ước Singapore về Hòa giải loại trừ rõ ràng việc áp dụng nó khỏi các thỏa thuận hòa giải: Được kết luận để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình, hoặc liên quan đến gia đình, thừa kế hoặc luật lao động, hoặc đã được phê duyệt bởi hoặc kết luận trước một Tòa án, hoặc có thể được thi hành như một bản án của Tòa án tại một quốc gia nào đó, hoặc đã được ghi nhận và có thể được thi hành như một phán quyết trọng tài.

Đối với các thỏa thuận hòa giải thuộc phạm vi của mình, Công ước Singapore về Hòa giải yêu cầu các quốc gia thành viên thực thi các thỏa thuận hòa giải đó theo quy tắc tố tụng của họ và theo các điều kiện được quy định trong Công ước.

Công ước Singapore hỗ trợ cho kết quả hòa giải các tranh chấp thương mại quốc tế . Khi tham gia vào Công ước, kết quả hòa giải thành do hòa giải viên đưa ra ở một quốc gia sẽ được công nhận và thi hành ở một quốc gia thành viên khác. Điều đó sẽ thúc đẩy cho việc sử dụng hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh tranh chấp, mở rộng, tăng cường cơ hội hợp tác thương mại giữa các quốc gia trên thế giới.

Sự ra đời của Công ước vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi xung đột thương mại hiện rất thời sự trên thế giới và ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, cũng như quan hệ quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là xung đột thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.

Khả năng tham gia Công ước của Việt Nam

Để thực thi Công ước, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có một cơ chế pháp lý trong nước với phạm vi áp dụng, quy trình thủ tục phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, điều kiện của Công ước. Trong quá trình thảo luận, đàm phán và ký kết Công ước Singapore, Việt Nam đã tham gia với tư cách quan sát viên.

Giống như Công ước New York, Công ước Singapore đòi hỏi việc thực thi luật pháp trong nước, điều này chắc chắn sẽ có sự khác nhau giữa các khu vực tài phán. Công ước Singapore về Hòa giải sẽ được triển khai trong khu vực ASEAN nơi mà đã có năm quốc gia (Brunei, Lào, Malaysia, Philippines và Singapore) ký Công ước. Điều này càng đặt ra cho Việt Nam sự cân nhắc để tham gia Công ước.

Nếu tham gia Công ước này, Việt Nam có một số thuận lợi. Trước hết, Công ước phù hợp với chính sách và pháp luật của Việt Nam, khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài. Việt Nam đã có quy định pháp luật về hòa giải thương mại, cùng với đó là đội ngũ hòa giải viên vụ việc, một số trung tâm hòa giải được cấp giấy chứng nhận, được thành lập và đi vào hoạt động, nên nếu tham gia Công ước, kết quả hòa giải thành do các hòa giải viên, trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam thực hiện sẽ được công nhận tại các quốc gia thành viên Công ước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của hòa giải thương mại của Việt Nam.

Việc tham gia Công ước giúp thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại Việt Nam, từng bước đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế. Qua đó góp phần tăng cường giao lưu thương mại quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn còn khoảng trống và có một số điểm khác biệt so với quy định của Công ước. Ví dụ, theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án Việt Nam chỉ công nhận thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên, tổ chức hòa giải được đăng ký hoạt động theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, mà chưa có quy định về việc công nhận thoả thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên, tổ chức hòa giải ở nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam thực hiện. Luật chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (không phải Tòa án), nên thỏa thuận giải quyết tranh chấp do hòa giải viên nước ngoài, tổ chức hòa giải ở nước ngoài không đăng ký hoạt động tại Việt Nam thực hiện không thuộc loại được công nhận và cho thi hành. Do vậy nếu tham gia Công ước thì Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan.

Công ước là vấn đề mới, các nước vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về giá trị pháp lý của thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Vì vậy, Việt Nam cần có thời gian theo dõi, đánh giá kinh nghiệm quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về thể chế, nguồn lực để thực thi hiệu quả.

Có thể thấy rằng, Công ước là một cơ chế pháp lý quốc tế tốt, góp phần thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thông qua hòa giải. Việc tham gia Công ước hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải.

Mới đây, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến bởi những lợi ích mà nó mang lại như tiết kiệm được thời gian, chi phí, giữ gìn được mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên. Xét về mặt lợi ích, việc tham gia Công ước trong bối cảnh những tranh chấp xuyên quốc gia ngày càng diễn ra phổ biến sẽ là cơ chế hiệu quả để giải quyết những tranh chấp này. Khi tham gia Công ước, kết quả hòa giải thành giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp nước ngoài nếu được thực hiện bởi các hòa giải viên, trung tâm hòa giải thương mại của Việt Nam sẽ được công nhận và thi hành ở các quốc gia thành viên. Tính đến thời điểm này có trên 40 quốc gia đã ký kết tham gia Công ước, trong đó có những quốc gia như Hoa kỳ, Trung quốc, Singapore đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta.

Nếu tham gia Công ước, chúng ta sẽ từng bước đưa pháp luật Việt Nam tiệm cận với pháp luật quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, các điều kiện trong nước của Việt Nam cả về mặt thể chế pháp luật, nguồn lực và kinh nghiệm thực tiễn chưa đáp ứng đầy đủ để tham gia ký Công ước ngay và khó có thể thực thi hiệu quả. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước đối với Việt Nam, theo dõi mức độ quan tâm của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, để từ đó xác định thời điểm phù hợp để tham gia Công ước./.

AN HẠ

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin