Công tác giải phóng mặt bằng tại thành phố Sông Công (Thái Nguyên): Đúng, đồng thuận, hiệu quả

Với nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành trọng điểm, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, thành phố Sông Công đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong phát triển công nghiệp, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên, và là đơn vị top đầu cả nước thu hút đầu tư.
1-1679454229.jpg

Hạ tầng tại KCN Sông Công II

Từ chỗ chỉ có 01 Cụm công nghiệp Gò Đầm với 03 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay thành phố Sông Công đã có 2 KCN tập trung là Sông Công I và Sông Công II, trong đó, KCN Sông Công I đã có 102 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 58 triệu USD và gần 8.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 55%; KCN Sông Công II (giai đoạn 1, diện tích 250ha) có 18 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 1 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 96%, cùng 4 cụm công nghiệp với trên 450 đơn vị sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh. Thành phố xác định thu hút đầu tư là một trong những khâu đột phá của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Để đáp ứng được yêu cầu trên, đòi hỏi thành phố luôn xác định công tác giải phóng mặt bằng phải là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Từ đó làm tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Sông Công cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện các dự án. Đối với các hồ sơ về đất đai của người dân, Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện rà soát thật kỹ đảm bảo đúng loại đất, đúng chủ sử dụng sao cho trùng khớp với hồ sơ địa chính. Tiếp đó là xây dựng đơn giá bồi thường về đất ở phù hợp với mặt bằng chung trên địa bàn; phối hợp với chủ đầu tư, các xã, phường có dự án triển khai tuyên truyền về quy mô, ý nghĩa của dự án, diện tích đất GPMB… để người dân nắm được; lắng nghe tâm tư nguyện vọng, vận động người dân có đất thuộc dự án bàn giao mặt bằng…Công tác bồi thường, GPMB ở TP Sông Công được TP tập trung, chỉ đạo quyết liệt trên nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hằng tuần, hằng tháng, thành phố đều tổ chức họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Qua đó kịp thời nắm bắt tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; chỉ đạo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Trung tâm Phát triển quỹ đất cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp để giải quyết những vướng mắc ngay khi mới phát sinh. Cùng với đó, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra thực địa tại các dự án, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của người dân và chủ đầu tư, chủ yếu liên quan đến giá đất bồi thường để có phương án giải quyết phù hợp.

cong-tac-gpmb-luon-duoc-quan-tam-chi-dao-sat-sao-1679454234.jpg

Công tác giải phóng mặt bằng luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao

Bên cạnh đó, đối với những hồ sơ bảo đảm căn cứ pháp lý, phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ, bảo đảm đúng chế độ, chính sách pháp luật và đã được giải thích, vận động, đối thoại công khai nhưng người dân vẫn cố tình khiếu nại, không bàn giao mặt bằng thì cơ quan chức năng kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất. Góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của người dân trên địa bàn. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng ở Khu công nghiệp Sông Công 2 gặp nhiều thuận lợi. Với diện tích 250ha, Dự án Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 1 ở xã Tân Quang, TP Sông Công là 1 dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên. Khi được Cấp ủy, chính quyền các cấp giải đáp thấu tình đạt lý về các chính sách thu hồi đất, những băn khoăn ban đầu của người dân đã hoàn toàn được xóa bỏ.  Đến nay, trên 237 ha đất của hơn 400 hộ đã nhanh chóng được bàn giao cho chủ đầu tư, đạt 90%. Tại Dự án xây dựng trường mầm non Lương Sơn, thuộc phường Lương Sơn, ngay sau khi được phổ biến và giải thích kỹ lưỡng, chỉ trong vòng 1 ngày, 100% người dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng, sớm hơn dự kiến đến 3 tháng. Nhìn lại trong 5 năm gần đây, thành phố đã thực hiện GPMB trên 500ha để triển khai các dự án, tổng kinh phí trên 1.500 tỷ đồng. Đến nay, thành phố cũng đã thu hút đầu tư được 57 dự án thuộc các lĩnh vực, trong đó 26 dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng; 31 dự án đã có nhà đầu tư nghiên cứu với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký gần 13 nghìn tỷ đồng. Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác giải phóng mặt bằng của thành phố; Ông Vũ Duy Nghĩa, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công đồng thời khẳng định: Thới gian tới,  thành phố tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án đồng thuận di dời, khẩn trương bàn giao mặt bằng để các dự án được triển khai đúng tiến độ; giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến giá bồi thường đất. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, xây dựng tại các xã, phường đã công bố dự án; tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước…

Đăng Bao

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin