Cơ chế “nhốt” quyền lực

Nhiều người được trao quyền lực để đảm bảo trật tự xã hội, phục vụ nhân dân nhưng chỉ thể hiện quyền lực của mình, bất chấp pháp luật.

 

Hệ thống chính quyền và các cơ quan tư pháp sinh ra để bảo đảm trật tự xã hội với mục đích tối thượng là giữ gìn cho người dân làm ăn, sinh sống và chính những người dân này nuôi bộ máy chính quyền. Đơn giản, không có dân thì không có chính quyền.

[caption id="attachment_139031" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.[/caption]

Điều đơn giản đó mà một số người được trao quyền lực để đảm bảo trật tự xã hội, an sinh cho dân chúng lại không nghĩ đến mà chỉ nhăm nhăm thể hiện quyền lực của mình, bất chấp pháp luật và đạo lý, gây rất nhiều hệ lụy đến người dân và chế độ, tạo ra hình ảnh xấu cho chính quyền, mất niềm tin nơi dân chúng.

Một dẫn chứng gần nhất cho thấy sự lạm dụng quyền lực khi cơ quan chức năng truy tố một chủ quán cà phê chỉ vì “tội” chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày và một loạt các “hành vi trái phép” mà họ tưởng tượng ra và gán cho “nhà kinh doanh” bất hạnh này.

Sau khi đã xử phạt hành chính đủ kiểu thì truy tố tội hình sự khiến người đàn ông đang phải nuôi mẹ già, con dại kia khốn khổ. Đúng là “đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu mất chim”!

Một dẫn chứng khác xảy ra tại Hà Nội, khi bà con tụ tập tại trụ sở UBND xã để phản đối những hành vi trái pháp luật, lạm dụng quyền lực của những cán bộ lãnh đạo chính quyền địa phương.

Phương pháp đấu tranh khá ôn hòa của họ là “nấu cháo tại sân trụ sở UBND xã” đã cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” và 17 người dân phải lĩnh tổng cộng hơn 500 tháng cả tù giam lẫn tù treo.

Những người lạm dụng quyền lực tại địa phương bị họ tố cáo đã phải trả giá tuy một số sai phạm vẫn chưa được làm rõ. Dân đã tố cáo đúng, phản ứng đúng, đấu tranh với tham nhũng tốt thế mà vẫn phải ở tù, trở thành những người phạm tội.

Sự việc này khiến dư luận liên tưởng tới việc “trả đòn” của chính quyền, cơ quan tư pháp với dân và tất yếu việc này sẽ không làm ổn định trật tự xã hội như mục đích của hoạt động tư pháp mà chỉ gây thêm nỗi bất bình của nhân dân mà thôi.

Hậu quả của nó sẽ rất lâu dài, tác động cả đến các thế hệ sau này. Sự lạm dụng quyền lực còn trắng trợn hơn ở một trường hợp cụ thể là người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng ở một đơn vị vệ sinh bị cách chức đội trưởng, bí thư chi bộ và cuối cùng bị đẩy ra đường quét rác.

Về làm việc tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập chuyện “nhốt” quyền lực, tạo ra một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Đó là việc hết sức quan trọng để bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân, bảo vệ sự phát triển đất nước trước những nguy cơ lạm dụng quyền lực của một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã hiển hiện rõ ràng!

Theo Phapluatplus

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin