Chuyên gia pháp lý cảnh báo các cơ sở sản xuất kinh doanh cố tình găm hàng tăng giá.

31/01/2020 18:08

(Pháp lý) - Trước tình trạng người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn để phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp do virus corona, nhiều cửa hàng tranh thủ đẩy giá. Chuyên gia pháp lý cảnh báo có thể bị xử lý hình sự nếu các cơ sở sản xuất kinh doanh cố tình găm hàng, tăng giá.

Loạn giá khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn.

Thông tin từ Bộ Y tế chiều 30/1, cho biết Việt Nam đã ghi nhận 3 bệnh nhân người Việt Nam dương tính với virus corona, cả ba đều trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Theo thông tin phản ánh trên địa bàn một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra tình trạng “cháy” khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tại các cửa hàng dược phẩm và vật tư y tế.

Theo ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, do cầu sử dụng khẩu trang, các sản phẩm sát khuẩn tăng đột biến nên dẫn tới thiếu hàng, xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Tổng cục Quản lý thị trường vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh.

Tìm hiểu của phóng viên, do lo sợ dịch viêm phổi cấp do virus corona, những ngày này, người dân đang cuống cuồng tìm mua khẩu trang y tế, nước muối sinh lý súc miệng hay cồn rửa tay,… để phòng ngừa dịch bệnh.

Do đó, những mặt hàng này bắt đầu lên cơn sốt giá ngay từ trước Tết, khi dịch bệnh này bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đáng chú ý, khoảng 2 ngày gần đây, lượng hàng tiêu thụ bất ngờ tăng mạnh, giá tăng phi mã, thậm chí mặt hàng khẩu trang y tế có loại giá tăng gấp đôi vẫn “cháy hàng”.

Không ít nhà thuốc đã treo bảng hết khẩu trang, nước rửa tay

Chị Lại Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở, suốt từ Tết đến giờ đọc tin về viêm phổi cấp thấy quá nguy hiểm nên nay chị phải tìm mua ngay khẩu trang và nước muối súc miệng. Kết quả, đi đến tiệm thuốc thứ 5 mới mua được những mặt hàng mình cần.
“Bốn cửa hàng thuốc trước báo hết hàng, chờ mai quay lại. Đi đến cửa hàng thứ 5 may mua được 1 hộp khẩu trang y tế dùng một lần và 5 chai nước muối sinh lý để về súc miệng. Tuy nhiên, tôi cũng phải mua khẩu trang này với giá đắt gấp nhiều lần ngày thường”, chị Hương chia sẻ.

Một đầu mối bán khẩu trang cho biết, trước Tết, giá khẩu trang loại hộp 100 chiếc giá chỉ 270.000 đồng, song hai hôm nay người mua phải chấp nhận giá 350.000 đồng/hộp. Các nguồn cung khẩu trang bắt đầu khan hiếm nên giá cả cũng bị đẩy lên cao từ kho tổng.
Một số đầu mối khác cũng tranh thủ tăng giá khẩu trang 3D lên mức giá 60.000-70.000 đồng/hộp 50 chiếc thay vì giá 45.000-50.000 đồng như ngày thường.

Tương tự, khẩu trang 3M cũng đang loạn giá, mỗi nơi bán một mức giá khác nhau. Trên mạng xã hội, một số đầu mối bán khẩu trang 3M loại 1 hộp 10 chiếc có giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/hộp, loại 25 chiếc/hộp có giá 280.000 đồng/hộp,…

Sẽ bị xử lý hình sự nếu “đầu cơ” găm hàng

Trao đổi với PV Pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khi có dịch bệnh thì tất cả các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và các cơ quan tổ chức phải có trách nhiệm thực hiện biện pháp phòng bệnh theo quy định của pháp luật. Đối với các hành vi bán thuốc, công cụ hỗ trợ y tế nếu lợi dụng để tăng giá thì có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật trong trường hợp các loại thuốc, thiết bị dụng cụ y tế đó có quản lý về giá.

Theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Khoản 1 Điều 11 Luật Giá quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang

Đối với hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ. Theo đó, hành vi kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ (TCVN 8389:2010 Khẩu trang y tế), tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Mặc dù pháp luật không quy định về bình ổn giá khẩu trang y tế. Tuy nhiên, đây cũng là một loại hàng hóa phải thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Theo LS Đặng Văn Cường, trong bối cảnh hiện nay, nếu Chính phủ và các cơ quan chức năng có văn bản yêu cầu bình ổn giá đối với các mặt hàng đặc biệt này để đảm bảo phòng chống dịch bệnh mà các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm thì sẽ được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Trường hợp hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”./.

Điều 196. Tội đầu cơ

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Phan Tĩnh – Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia pháp lý cảnh báo các cơ sở sản xuất kinh doanh cố tình găm hàng tăng giá." tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin