“Giành lại màu xanh cho bầu trời” nhờ xe điện
Thời điểm 2010-2013, Bắc Kinh (Trung Quốc) nổi tiếng là thành phố “đen tối” bậc nhất thế giới bởi những làn sương màu vàng xám bao phủ khắp thành phố hơn 21 triệu dân. Số lượng ô tô sử dụng động cơ đốt trong bùng nổ trong thời gian dài kéo theo những hệ quả khủng khiếp về ô nhiễm không khí. Đỉnh điểm là vào năm 2013, chỉ số bụi mịn PM 2.5 trong không khí tại Bắc Kinh lên tới 900 µg/m3, cao gấp 90 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người Trung Quốc khi ấy phải xếp hàng mua “không khí sạch đóng chai” trong bối cảnh các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân mắc vấn đề về hô hấp.
Năm 2013 cũng là thời điểm chính quyền Trung Quốc khởi động kế hoạch “giành lại màu xanh cho bầu trời” với trụ cột quan trọng bậc nhất là điện hóa hàng triệu phương tiện chạy xăng, dầu – một trong những nguyên nhân chính gây nên “tận thế ô nhiễm” như cách nói của người Trung Quốc khi ấy. Chiến dịch điện hóa bắt đầu từ hệ thống xe buýt, taxi rồi lan nhanh sang phương tiện cá nhân với những chính sách mạnh tay của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuyển đổi xanh.
Tác động tích cực từ những thay đổi trên ngày càng rõ nét. Cuối năm 2017, tức là chỉ 4 năm sau kế hoạch trên, chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm ở Bắc Kinh giảm 35% so với năm 2013. Tới năm 2023, chỉ số này hạ xuống mức 32 µg/m3, giảm hàng chục lần so với trước đó. Cái tên Trung Quốc dần biến mất khỏi “bảng xếp hạng tử thần” về ô nhiễm.
Việc điện hóa phương tiện giao thông cũng giúp nhiều nước ở châu Âu trở thành “ốc đảo xanh” của thế giới. Nổi tiếng bậc nhất phải kể tới Na Uy – nơi nổi tiếng là “vương quốc xe điện”. Tháng 9/2024, Na Uy đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số xe điện nhiều hơn xe xăng. Đây cũng là có bầu không khí trong lành bậc nhất thế giới với nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình 6,3 µg/m3 (2023).
Tín hiệu lạc quan từ vị trí số 1 của VinFast
Nhìn về Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm đang ngày càng báo động khi nhiều thành phố lớn thường được nhắc tên trong top những nơi có không khí tệ nhất thế giới. Theo ước tính, thiệt hại về kinh tế, xã hội do ô nhiễm không khí tại Việt Nam lên tới hơn 13 tỉ USD/năm, tương đương với 4% GDP của đất nước.
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, hàng triệu chiếc xe chạy bằng xăng, dầu là một trong các thủ phạm chính cho tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam. So sánh một cách trực quan, TS Nguyễn Đình Thạo (Đại học Giao thông Vận tải) cho hay, trung bình mỗi xe ô tô con xả 250g khí thải CO2 ra môi trường trên mỗi km. Tính ra, trong một năm, lượng CO2 một xe ô tô con thải ra môi trường lên tới con số khổng lồ là 3 tấn. Đó là lý do, nếu muốn giảm phát thải về 0, vị TS nhấn mạnh việc Việt Nam phải chuyển đổi năng lượng, từ sử dụng năng lượng phát thải sang năng lượng sạch, mà bản chất là chuyển đổi công nghệ từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.
So sánh với các nước trên thế giới, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường bày tỏ sự vui mừng bởi trong những năm gần đây, lượng xe điện sử dụng tại các thành phố lớn đang tăng nhanh, nhất là các phương tiện giao thông cá nhân.
Điều này được thể hiện rõ nét khi ngay trong tháng 9/2024 vừa qua, lần đầu tiên VinFast – một hãng xe có dải sản phẩm hoàn toàn thuần điện - vượt lên tất cả các thương hiệu ô tô xăng nước ngoài để giành vị trí dẫn đầu thị trường về doanh số. Trước đó, riêng trong năm 2023, VinFast cũng đã “đóng góp” cho thị trường xe gần 35.000 ô tô điện và 72.500 xe máy điện.
Với PGS-TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là cột mốc ý nghĩa bởi ngày càng nhiều người dân cảm nhận được trực tiếp giá trị mà xe điện đem lại cho môi trường sống, từ đó dần thay đổi thói quen lựa chọn phương tiện di chuyển.
Hơn nữa, không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng đang chứng kiến làn sóng chuyển đổi xanh mạnh mẽ với hàng loạt công ty vận tải và nhiều lĩnh vực khác cùng chuyển đổi sang phương tiện xanh. Tiếp tục giữ đà chuyển đổi sang xe điện mạnh mẽ như vậy, chắc chắn chất lượng không khí tại các đô thị sẽ tốt hơn rất nhiều, sức khỏe của người dân Việt Nam sẽ được nâng cao rõ rệt.
Từ kết quả này, vị chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của những doanh nghiệp tiên phong. Ngoài những sản phẩm nổi tiếng là có chất lượng “đáng tiền”, PTS-TS Đàm Hoàng Phúc nhắc tới những hành động ý nghĩa của VinFast và Tập đoàn Vingroup như chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” với các đặc quyền miễn phí sạc điện, gửi xe… cho người dùng. Cách làm này đã tạo được hiệu ứng cộng đồng mạnh mẽ, giúp mọi người dân đều được hưởng lợi và có thêm động lực chuyển đổi xanh.
Song song với những kết quả đáng mừng trên, ông Phúc cũng cho rằng, hiệu quả của những chiến dịch “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” chỉ là bước đầu. “Chúng ta cần sự chung tay nhiều hơn nữa cả từ phía các doanh nghiệp khác và cộng đồng”, PGS TS Đàm Hoàng Phúc khuyến nghị để công cuộc chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hơn.