Chỉ định thầu đối với Dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống có đúng luật ?

(Pháp lý) – Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là một “dự án hời” vì đây là dự án có sẵn hàng triệu khách hàng. Thế nhưng dự án trên lại được chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu, được UBND thành phố Hà Nội bù giá (cách gọi khác của phân chia rủi ro trong dự án đầu tư công tư)… Đó là những bất thường được các chuyên gia chỉ ra, và kiến nghị cần phải kiểm toán dự án này.

Dự án “hời”…

Thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, đã và đang gây "bão" trong dư luận do mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá nước bán lẻ.

Lý do được lý giải trong 1 cuộc họp giao bán báo chí của Thành ủy Hà Nội mới đây. Theo đó, Nhà máy nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỉ đồng. Suất đầu tư khác nhau, chất lượng nước thô đưa vào sản xuất nước sạch khác nhau nên chi phí sản xuất khác nhau. Khi đầu tư Nhà máy Sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỉ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án và sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước. Ước tính chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao nước mặt sông Đuống khoảng 2.100 đồng/m3.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống.)

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống khởi công xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống năm 2016 với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên là cổ đông nắm quyền chi phối 58% vốn. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nắm 10%, Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới nắm 5%, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman qua hình thức uỷ thác đầu tư nắm 27% vốn. Vốn chủ sở hữu của sông Đuống là 999,6 tỷ đồng.

Dù mới khánh thành giai đoạn 1, một cổ đông đã nhanh chóng “bán lúa non” thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Tập đoàn WHA của nữ tỷ phú hàng đầu Thái Lan là Jareeporn Jarukornsakul thông qua nhiều công ty con mua vào 34% Cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống. Giá trị giao dịch được WHA công bố là 2.073 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Nước mặt sông Đuống được định giá hơn 6.000 tỷ đồng (tương đương định giá 61.000 đồng/cổ phiếu).

Vấn đề quan trọng được nhiều ý kiến cho rằng: Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là một “dự án hời” vì đây là dự án có sẵn hàng triệu khách hàng…

Chỉ định thầu đối với Dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống có đúng luật không?

Qua tìm hiểu, PV nhận thấy có nhiều quy định pháp luật khác nhau qui định về việc lựa chọn nhà đầu tư cho nhà máy xử lý nước sạch.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc Cty Luật Đông Nam Á) dẫn quy định: Điều 29 về Lựa chọn đơn vị cấp nước - Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BXD năm 2018 các ghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành: “Đơn vị cấp nước có thể lựa chọn và được lựa chọn làm chủ đầu tư một, một số hoặc đồng bộ tất cả các hạng mục của hệ thống cấp nước từ công trình khai thác, nhà máy xử lý nước, mạng cấp I, mạng cấp II đến mạng cấp III để kinh doanh bán buôn, bán lẻ nước sạch…

Quy định pháp luật như trên, cho thấy còn tùy nghi, tùy địa phương trọng việc lựa chọn nhà đầu tư hệ thống cấp nước. Chính vì quy định trên nên UBND thành phố Hà Nội lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu nhà máy xử lý nước mà không trái luật.

Tuy nhiên, cũng về vấn đề này Luật Đấu thầu lại quy định: “Sản phẩm, dịch vụ công là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thông tin, truyền thông, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải và các lĩnh vực khác theo quy định của Chính phủ. Sản phẩm, dịch vụ công bao gồm sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công”.

Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện.

Hướng dẫn tại điều 83 Nghị định 63/2014 về chỉ định thầu thì gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thì các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu: Là gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công có giá gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên Và gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà chỉ có 01 nhà cung cấp duy nhất trên địa bàn có khả năng thực hiện và đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

Điều kiện chỉ định thầu: Nhà thầu được chỉ định thầu thực hiện gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công phải có đủ năng lực về vốn, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và đội ngũ người lao động đáp ứng được các yêu cầu của hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Như vậy, căn cứ vào các quy định về chỉ định thầu, thì việc cung cấp nước phải thông qua đấu thầu công khai.

Theo quan điểm của LS. Nguyễn Mạnh Thuật , nếu đối chiếu các quy định trên , thì việc thực hiện đầu tư, xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống không thuộc diện được chỉ định thầu. Lĩnh vực cấp nước sạch sinh hoạt là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công ích là mặt hàng nhà nước kiểm soát giá bán. Mà lĩnh vực sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích Nhà nước quy định lựa chọn nhà cung cấp (dịch vụ cấp, thoát nước đô thị) bắt buộc phải thực hiện theo phương thức đấu thầu; trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng – theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP. Đích đến của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đặt hàng thì trước khi tiến hành đều cho ra một kết quả là giá nước đã được xác định từ trước khi đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Cần xem lại cơ chế chia sẻ rủi ro với Công ty CP nước sạch Sông Đuống

TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên vụ trưởng Vụ Đấu thầu - nay là Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - đầu tư)trả lời báo Tuổi Trrẻ: Đối với các dự án hợp tác công tư như đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống, việc tính toán lãi vay của dự án phải được cộng gộp vào chi phí đầu tư để xác định tổng mức đầu tư dự án ngay từ đầu, từ đó xác định hiệu quả đầu tư của dự án, xác định giá thành sản xuất nước để bán cho người dân.

Nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống là người tạo ra tài sản cố định thì phải bỏ tiền đầu tư, phải huy động vốn, phải chi trả lãi vay. Sau đó, nhà đầu tư khai thác nhà máy, bán nước sạch để thu hồi vốn và lợi nhuận, chứ nhà đầu tư không thể đẩy hết rủi ro lãi vay sang cho Nhà nước và người dân được.

Trong bất kỳ một dự án hợp tác công tư nào, trong đó có việc đầu tư các nhà máy nước sạch bằng nguồn vốn tư nhân, luôn cần có sự chia sẻ rủi ro từ hai phía. Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư tư nhân trong trường hợp bất khả kháng, còn khi nhà đầu tư làm dự án tồi, làm không hiệu quả mà Nhà nước cũng đứng ra hỗ trợ thì rất nguy hiểm.

Thiết nghĩ, đối với dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống cần xem xét lại cơ chế phân chia rủi ro mà UBND thành phố Hà Nội “cam kết” với Chủ đầu tư. Bởi lẽ, tại các Nghị định hướng dẫn về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thởi điểm 2015 – 2016, những đề xuất chia sẻ rủi ro phải dựa trên căn cứ pháp luật. Cần thiết phải xem xét lại điều khoản phân chia rủi ro giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước trong hợp đồng dự án trên.

Cần thanh tra, kiểm toán toàn diện Dự án

Theo luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Theo Luật kiểm toán nhà nước kiểm toán nhà nước có thẩm quyền kiểm toán 2 lĩnh vực: quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo quy định của Luật giá thì nước sạch sinh hoạt là sản phẩm, dịch vụ công ích Nhà nước phải định khung giá và định mức giá cụ thể. Như vậy, nước sạch sinh hoạt liên quan đến tài chính công. Nếu như nhà nước định giá thấp gây ra lỗ cho doanh nghiệp thì phải tiến hành bù giá. Nguyên tắc định giá bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Trong trường hợp Nhà nước định giá thấp hơn chi phí hợp lý của doanh nghiệp Nhà nước phải bồi thường thiệt hại tương ứng và phải sử dụng Ngân sách nhà nước để bù giá. Dẫn đến, bù giá thì Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ công ích (nước sạch sinh hoạt) sẽ nhận được tiền từ Ngân sách nhà nước để tránh lỗ, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp.

Vì sử dụng chính sách bù giá lấy tiền từ Ngân sách nhà nước dẫn đến hậu quả pháp lý là Doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân vẫn phải bị kiểm toán theo quy định về tài chính công. Như vậy, vì Nhà máy nước sạch Sông Đuống sẽ được hưởng bù giá nên vẫn cần phải kiểm toán.

Với những phân tích trên, thiết nghĩ cần phải thanh tra, kiểm toán toàn bộ dự án quan trọng này.

Theo quan điểm của LS. Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc Cty Luật Đông Nam Á) thì việc thực hiện đầu tư, xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống không thuộc diện được chỉ định thầu. Lĩnh vực cấp nước sạch sinh hoạt là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công ích là mặt hàng nhà nước kiểm soát giá bán. Mà lĩnh vực sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích Nhà nước quy định lựa chọn nhà cung cấp (dịch vụ cấp, thoát nước đô thị) bắt buộc phải thực hiện theo phương thức đấu thầu; trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng – theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP. Đích đến của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đặt hàng thì trước khi tiến hành đều cho ra một kết quả là giá nước đã được xác định từ trước khi đầu tư để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Theo LS. Phạm Sơn ( Đoàn Luật sư Hà Nội) : Luật giá qui định nước sạch sinh hoạt là sản phẩm, dịch vụ công ích Nhà nước phải định khung giá và định mức giá cụ thể. Như vậy, nước sạch sinh hoạt liên quan đến tài chính công.

Trong trường hợp Nhà nước định giá thấp hơn chi phí hợp lý của doanh nghiệp Nhà nước phải bồi thường thiệt hại tương ứng và phải sử dụng Ngân sách nhà nước để bù giá. Dẫn đến, bù giá thì Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ công ích (nước sạch sinh hoạt) sẽ nhận được tiền từ Ngân sách nhà nước để tránh lỗ, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp.

Vì sử dụng chính sách bù giá lấy tiền từ Ngân sách nhà nước dẫn đến hậu quả pháp lý là Doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân vẫn phải bị kiểm toán theo quy định về tài chính công. Như vậy, vì Nhà máy nước sạch Sông Đuống sẽ được hưởng bù giá nên vẫn cần phải kiểm toán.

Phan Tĩnh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin