Chế định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù – Một số vấn đề cần hoàn thiện

Xuất phát từ thực tiễn công tác và với tinh thần mong muốn được trao đổi, nghiên cứu, tác giả đề xuất những giải pháp, kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn hiện tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án trong thời gian tới.

Ảnh minh họa của Báo Hà Tĩnh

Giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù (THCHHPT) là chế định pháp luật mang tính chất nhân đạo, phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội, được thể hiện thông qua việc Tòa án quyết định cho người bị kết án đang chấp hành hình phạt được chấp hành hình phạt với mức ít hơn mức hình phạt của bản án đã tuyên, khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động này, như: BLHS năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS 2019); Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành án quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân (viết tắt TTLT số 02/2013); Thông tư số 181/2013/TT-BQP ngày 08/10/2013 của Bộ Quốc phòng, quy định tiêu chuẩn thi đua và xếp loại chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam quân sự (viết tắt TT số 181/2013)…

Bên cạnh những mặt tích cực, pháp luật về giảm THCHHPT hiện nay đã dần dần bộc lộ những bất cập, nhiều quy định chưa đồng bộ với các quy định có liên quan, làm cho hoạt động giảm THCHAPT của Tòa án gặp nhiều khó khăn.

1.Về căn cứ giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù

Khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015 quy định:

“Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân”.

BLHS năm 2015 quy định đã dần bộc lộ những bất cập, gây không ít khó khăn, lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật. Cụ thể:

So sánh với quy định của BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 quy định điều kiện xét giảm THCHAPT đối với phạm nhân ngoài hai điều kiện: “đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ”, thì bắt buộc phải có thêm một điều kiện nữa là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Chính quy định trên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên đã xuất hiện ba vấn đề cần nghiên cứu.

Thứ nhất: Việc BLHS năm 2015 quy định thêm điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để xem xét khi xét giảm, trên thực tế còn có sự chồng chéo, bất hợp lý với các văn bản pháp luật khác có liên quan thể hiện ở chỗ:

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 TT số 181/2013 có quy định: xếp loại chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân gồm 4 loại: tốt, khá, trung bình, kém; ngoài thực hiện tốt 4 tiêu chuẩn thi đua quy định tại Điều 5 Thông tư này thì việc xếp loại chất lượng cải tạo tốt hay khá còn phụ thuộc vào việc đánh giá yếu tố “tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả”.

Đối với phạm nhân được xếp loại chấp hành án loại tốt thì phải thực hiện tốt 4 tiêu chuẩn thi đua, trong đó bắt buộc phạm nhân phải thực hiện xong các nghĩa vụ dân sự, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí các loại. Nếu thực hiện tốt 4 tiêu chuẩn thi đua, mà các nghĩa vụ dân sự chưa thực hiện được thì phải có bản cam kết tiếp tục thực hiện, thân nhân phạm nhân hoặc người đại diện hợp pháp có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn phải có đơn trình bày thì mới xếp loại chấp hành án ở mức khá. Và kéo theo đó là mức đề nghị xét giảm của phạm nhân cao nhất cũng chỉ ở mức 9 tháng, không thể cao hơn nữa theo quy định tại điểm 1.3 mục 1 phần B Văn bản số 04/THAHS-P4 ngày 25/3/2014 của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng.

Mặc dù TT số 181/2013 đã quy định vậy nhưng BLHS năm 2015 lại tiếp tục quy định việc đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự cũng là điều kiện bắt buộc phải xem xét đối với phạm nhân khi xét giảm. Thực sự đây là điều bất hợp lý, tức là một yếu tố được xem xét hai lần đối với một đối tượng áp dụng, trong cùng một chế định pháp luật. Thiết nghĩ, nếu như TT 181/2013 không quy định xem xét yếu tố “tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả” thì phạm nhân được xếp loại cải tạo ở mức cao hơn, được đề nghị xét giảm ở mức cao hơn và ngược lại, nếu như BLHS năm 2015 không quy định “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” là yếu tố xem xét điều kiện bắt buộc đối với phạm nhân khi xét giảm thì phạm nhân có cơ hội được xét giảm nhiều hơn. Do vậy, việc xem xét như trên sẽ gây thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, hạn chế cơ hội được xét giảm, hạn chế tinh thần, động lực phấn đấu cải tạo của PN. Vì vậy, TT số 181/2013 cần được sửa đổi theo hướng hủy bỏ không xem xét yếu tố “tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả” là tiêu chuẩn bắt buộc trong quá trình xếp loại chất lượng chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, để đảm bảo phù hợp với việc đánh giá điều kiện “đã bồi thường nghĩa vụ dân sự” mà BLHS năm 2015 đã quy định tại khoản 1 Điều 63.

Thứ hai: Căn cứ để áp dụng đối với những PN được đề nghị xét giảm lần hai.

Theo quy định chung của BLHS năm 2015 thì phạm nhân được CQTHAHS có thẩm quyền đề nghị xét giảm khi hội đủ 3 điều kiện: “đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Ở đây, BLHS không quy định rõ là ba điều kiện đó được áp dụng chung cho tất cả các lần đề nghị xét giảm đối với phạm nhân hay chỉ áp dụng đối với phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu. Vì vậy, trong thực tiễn giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xét giảm lại có những nhận thức khác nhau và không thống nhất trong quá trình áp dụng. Vấn đề này, hiện có nhiều quan điểm: Có cơ quan thì quan điểm rằng: “Quy định trên được hiểu là đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu thì phải thỏa mãn cả ba điều kiện trên mới được đề nghị xét giảm, còn đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần hai, do BLHS quy định không rõ và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định trên.

Mặt khác, để đảm bảo yếu tố có lợi cho phạm nhân, vẫn áp dụng tinh thần quy định tại khoản 5 Điều 6 TTLT số 02/2013 đang còn hiệu lực pháp luật áp dụng: “Phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên mới được tiếp tục xem xét đề nghị giảm thời hạn đúng đợt…” mà không cần phải có điều kiện “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Tinh thần áp dụng quy định trên được nêu rõ tại mục 1 Công văn số 09/THAHS-P4 ngày 14/9/2018 của Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng, về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân”.

Nhưng có cơ quan khác thì nêu quan điểm ngược lại: “Quy định trên được hiểu là tất cả các lần đề nghị xét giảm lần một, lần hai hay lần ba, phạm nhân đều phải đáp ứng đầy đủ ba điều kiện trên mới đề nghị xét giảm; mặc dù quy định trên chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định cụ thể, nhưng BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành và giá trị hiệu lực của BLHS cao hơn TTLT hướng dẫn. Do đó, áp dụng Điều 63 BLHS năm 2015 để xét giảm cho PN mới đúng”.

Từ những quan điểm trái ngược trên, dẫn đến một thực tế là Trại giam, Trại tạm giam, CQTHAHS, Tòa án, Viện kiểm sát lại có căn cứ khác nhau khi xét giảm.

Thứ ba: Căn cứ để xem xét phạm nhân “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.

Theo tinh thần hướng dẫn tại mục 1 Phần I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 của TANDTC, thì “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án”. Do không được hướng dẫn cụ thể nên khi áp dụng có nhiều quan điểm trái ngược nhau:

Quan điểm thứ nhất: Yếu tố “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” ở đây được xem xét áp dụng đối với tất cả các lần được đề nghị xét giảm đối với phạm nhân. Có nghĩa là, lần đầu xét giảm phạm nhân đã thực hiện được một phần hai nghĩa vụ dân sự theo quyết định của bản án và lần xét giảm tiếp theo phạm nhân phải tiếp tục thực hiện thêm một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm. Có như thế, phạm nhân mới đủ điều kiện xem xét giảm đúng đợt, đảm bảo sự công bằng, dân chủ giữa các phạm nhân và đảm bảo mục đích khắc phục triệt để hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của phạm nhân gây ra.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: “Đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự” chỉ xem xét đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần đầu, còn đối với những phạm nhân được đề nghị xét giảm lần hai, không cần xem xét phạm nhân phải thực hiện một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm nữa, mà chỉ cần xem xét phạm nhân có tiếp tục thể hiện tinh thần khắc phục phần nào hậu quả thiệt hại của vụ án hay không.

Từ hai quan điểm trên, tác giả nhất trí với quan điểm thứ hai

Thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các điều kiện xét giảm quy định tại khoản 1 Điều 63 BLHS, để thay thế TTLT số 02/2013, bởi TTLT số 02/2013 đến nay đã có những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh có liên quan. Và yếu tố “đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự” được làm căn cứ đánh giá việc xét giảm cho mỗi phạm nhân theo hướng như sau:

“Đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự” chỉ được xem xét trong lần đề nghị xét giảm lần đầu đối với những phạm nhân phạm tội thuộc các nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về tham nhũng, chức vụ; đối với đề nghị xét giảm lần hai không cần xem xét phạm nhân đã thực hiện một phần hai nghĩa vụ dân sự trên tổng số một phần hai nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện của lần đầu xét giảm nữa, mà chỉ cần xem xét phạm nhân có tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, tích cực khắc phục phần nào hậu quả thiệt hại của vụ án hay không, nhưng phải xem xét cụ thể đối với từng trường hợp: đối với những phạm nhân mà nghĩa vụ dân sự còn lại phải thực hiện nhiều thì đòi hỏi phải thực hiện nghĩa vụ dân sự có phần đáng kể, bắt buộc phải nhiều hơn đối với những phạm nhân có số nghĩa vụ dân sự còn lại ít hơn, đồng thời xem đó là yếu tố để quyết định mức giảm phù hợp.

Còn đối với những phạm nhân phạm tội thuộc các nhóm tội phạm khác thì các lần đề nghị xét giảm không bắt buộc phải “bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự”, nhưng buộc phạm nhân phải thể hiện tinh thần tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả và các nghĩa vụ dân sự khác trong bản án, quyết định của Tòa án. Về mức độ thực hiện nghĩa vụ dân sự cần phải đánh giá dựa trên các yếu tố liên quan, như đặc điểm nhân thân, hoàn cảnh gia đình, khả năng thực hiện. Còn đối với những phạm nhân mà trong các kỳ xét giảm tiếp theo vì hoàn cảnh gia đình, khả năng kinh tế hoặc vì lý do nào đó mà không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ dân sự thì bắt buộc họ phải có số kỳ xếp loại chất lượng cải tạo khá, tốt nhiều hơn đối với những phạm nhân tích cực thực hiện nghĩa vụ dân sự và PN phạm tội thuộc các nhóm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Đồng thời, mức xét giảm cũng phải quyết định trên cơ sở mức độ thực hiện nghĩa vụ dân sự trong từng kỳ xét giảm.

2.Về đối tượng giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù

Với thực tiễn sau, chúng ta nhận thức như thế nào đối với những phạm nhân có hành vi phạm tội khác xảy ra trước nhưng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình chấp hành hình phạt của bản án đối với hành vi phạm tội xảy ra sau ? Liệu đối tượng này pháp luật có cần hạn chế quyền được đề nghị xét giảm đúng đợt hay không ?

Năm 2016, H chấp hành án phạt tù 07 năm tại Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2016/HSST ngày 15/01/2016 của TAQS Quân khu K. Trong quá trình chấp hành án tại trại giam, H đã được Tòa án quyết định xét giảm THCHHP 01 lần, trong quá trình chấp hành án tiếp theo, H đều được xếp loại chất lượng cải tạo khá. Nhưng đến đợt 30/4/2019 Trại giam, CQTHAHS không đề nghị xét giảm án đối với H, với lý do: H đang bị TAQS Quân khu K xét xử theo trình tự phúc thẩm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác xảy ra trước khi chấp hành hình phạt của Bản án số 01/2016 của TAQS Quân khu K.

Theo tác giả, mặc dù về cở sở lý luận, đây là vấn đề (phạm nhân phạm tội khác) chưa được BLHS quy định cụ thể thuộc trường hợp hạn chế quyền được đề nghị xét giảm và CQTHAHS chưa đưa ra căn cứ cụ thể theo quy định của pháp luật hiện hành để loại phạm nhân ra khỏi danh sách đề nghị xét giảm. Nhưng về mặt thực tiễn, thấy rằng quyết định của CQTHAHS là phù hợp, bởi lẽ: việc phạm nhân đã thực hiện hành vi phạm tội trước đó nhưng khi điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội sau và trong suốt 4 năm chấp hành án phạt tù, phạm nhân đã không ăn năn hối cãi, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội trước đó của mình, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh, gọn, dứt điểm vụ án, mà còn cố tình giấu diếm hành vi phạm tội của mình và hành vi phạm tội của người khác. Điều đó thể hiện bản chất H là người không tốt, chưa thực sự là người hoàn lương, hướng thiện. Vì vậy, mặc dù không phải thuộc trường hợp phạm nhân phạm tội mới trong quá trình chấp hành án, nhưng những lý do nêu trên thấy rằng H không hưởng được chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự là hoàn toàn hợp lý.

Chính những quy định của BLHS chưa cụ thể hóa hết những vấn đề trong thực tiễn, nên trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những bất cập, khó khăn nhất định. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xét giảm và xét giảm đưa ra những quyết định có căn cứ thuyết phục, hợp lý, hợp tình và có sự thống nhất chung, Điều 63 BLHS năm 2015 cần quy định bổ sung nội dung: “Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà có hành vi phạm tội khác xảy ra trước nhưng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình chấp hành hình phạt của bản án đối với hành vi phạm tội xảy ra sau, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung”.

3.Về căn cứ giải quyết trường hợp phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án, nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 14 TTLT số 02/2013 quy định rất rõ việc giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm THCHHPT mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định giảm của Tòa án. Thế đối với trường hợp “Phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực mà phạm nhân vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật” thì giải quyết như thế nào ? Từ trước cho đến nay, khi BLHS năm 2015 và Luật THAHS năm 2019 có hiệu lực thi hành, không có điều luật nào quy định, hướng dẫn cụ thể việc giải quyết trường hợp nêu trên. Đây là một điểm thiếu sót mà pháp luật hiện nay chưa đề cập đến. Vấn đề trên, qua nghiên cứu về mặt lý luận có hai ý kiến đặt ra:

Ý kiến thứ nhất: Nếu “Phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật”, thì áp dụng quy định tại Điều 16 TTLT số 02/2013 để giải quyết theo trình tự phúc thẩm quyết định của Tòa án.

Ý kiến thứ hai: Nếu “Phạm nhân đã có quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật” thì nên chăng, cơ quan đã đề nghị giảm đối với phạm nhân cần lập hồ sơ chuyển đến Tòa án đã ra quyết định giảm để xem xét, hủy quyết định giảm, áp dụng tương tự như tinh thần quy định đối với chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 71 Luật THAHS năm 2019.

Mặc dù, trường hợp tác giả nêu trên chưa xảy ra trong thực tế, nhưng quá trình thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền trong xét giảm đã giả thiết đặt ra trường hợp đó và nghiên cứu về mặt lý luận thấy rằng: Nếu áp dụng theo ý kiến thứ nhất thì không phù hợp, vì việc Viện kiểm sát kháng nghị quyết định giảm của Tòa án, phải xem xét trên cơ sở tại thời điểm xét giảm Tòa án có vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện xét giảm đối với phạm nhân hay không ? Còn trong trường hợp này, tại thời điểm xét giảm, phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm; Tòa án tiến hành các trình tự, thủ tục xét giảm đúng quy định của pháp luật, nhưng vì lý do khách quan sau khi có quyết định xét giảm phạm nhân vi phạm nội quy Trại giam, Trại tạm giam hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, không có cơ sở để kháng nghị và nếu giải quyết theo hướng của ý kiến thứ hai thì không có căn cứ áp dụng, vì pháp luật hình sự và thi hành án hình sự không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục.

Vì vậy, TTLT số 02/2013 cần quy định bổ sung theo hướng: “Phạm nhân đã có quyết định xét giảm của Tòa án nhưng quyết định chưa có hiệu lực pháp luật mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam và bị xử lý kỷ luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan đã đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù lập hồ sơ, chuyển đến Tòa án đã ra quyết định xét giảm để xem xét, hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đồng thời gửi 01 bộ hồ sơ đến Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án. Trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định hủy quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 38 Luật Thi hành án hình sự năm 2019”.

Trên đây là một số bất cập trong công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng như kiến nghị tôi nêu ra, rất mong ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/che-dinh-giam-thoi-thoi-han-chap-hanh-hinh-phat-tu-mot-so-van-de-can-hoan-thien

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin