Trả lời chất vấn của ĐBQH, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện đã có 13 án lệ. Và Hệ thống Tòa án đã áp dụng án lệ vào công tác xét xử. Còn án hành chính đang gặp khó khăn, bất cập từ thực tế khách quan.
Án lệ đã được áp dụng
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết, Hội đồng Thẩm phán đã ban hành 6 án lệ, đến nay có bao nhiêu vụ án đã được áp dụng án lệ? “Vì sao nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ còn quá mờ nhạt?", đại biểu thắc mắc.
Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đã có 13 án lệ được công bố. Hiện vẫn còn khoảng 10 án lệ đang được xem xét. "Dù số lượng chưa nhiều, nhưng cơ sở cho việc xây dựng án lệ đã được hình thành; Thẩm phán nào có bản án lựa chọn để làm án lệ sẽ được khen thưởng vì đã tạo ra được chuẩn mực pháp lý mới" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Hiện nay, đã có nhiều vụ án được áp dụng quy định của án lệ. Ví dụ, theo quy định của luật, khi bán bất động sản phải có chữ ký của cả vợ và chồng thì hợp đồng mới có giá trị. Tòa án đã xử vụ án chỉ có chữ ký của chồng, nhưng vợ biết việc bán này vì tham gia thu tiền. Sau đó, giá nhà lên thì gia đình đó đã kiện theo hướng hợp đồng không có giá trị, nhưng bằng chứng cho thấy có ý chí bán nhà của bà vợ, nên họ thua kiện.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, việc phát triển án lệ được TANDTC rất chú trọng. Sau khi Luật Tổ chức Tòa án 2014 có hiệu lực, trong đó giao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC xây dựng án lệ và trên thực tế đã làm được nhiều việc. Cho đến nay, Tòa án mới công bố được 13 án lệ, còn 10 án lệ đang được xin ý kiến trước khi công bố.
“Chúng tôi có quy trình thủ tục xây dựng án lệ và nêu rõ Thẩm phán nào có bản án được lựa chọn và phát triển án lệ sẽ được khen thưởng, cất nhắc vì tạo ra cơ sở pháp lý mới. Cùng với đó, nhiều hội thảo khoa học về án lệ đã được tổ chức để thảo luận về vấn đề này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định. “Trong tương lai sẽ có nhiều vướng mắc được tháo gỡ khi áp dụng án lệ”. Chúng ta không phải chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam mà còn áp dụng án lệ của thế giới. Từ lâu, phiên toà ở Đức tuyên axit là vũ khí, sau này các Toà trên thế giới đều mặc định như vậy", Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng thêm.
Án hành chính bất cập từ nhiều lý do
Liên quan đến án hành chính, theo Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, có 3 hạn chế: Thẩm phán còn nể nang, ngại với chính quyền nên có trường hợp thiếu khách quan, chưa công minh trong đánh giá chứng cứ; tỷ lệ án hủy, cải chính sửa cao; án xử chưa thi hành được. Đâu là giải pháp xử lý những hạn chế này?
Về hạn chế tỷ lệ tuyên án hành chính thấp, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình “mặt bằng chung tuyên án là 9%, nhưng án hành chính chỉ được tuyên 7%”. Tỷ lệ bị hủy, sửa cao do lỗi chủ quan của án hành chính là 3%. Còn về nguyên nhân khách quan, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình là “có nhiều”. Án hành chính tồn đọng kéo dài có nguyên nhân từ quy định của luật. Trước đây, do Tòa án huyện xét xử vụ án cấp huyện, nhưng nay (từ 01/7/2017) đều chuyển lên TAND cấp tỉnh.
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tất cả các vụ án hành chính phải đáp ứng được hai yêu cầu. Trước hết, phải qua đối thoại - hòa giải, nếu chưa đối thoại thì TAND không xử lý. Thứ hai, phải có sự có mặt của Chủ tịch UBND cấp ban hành quyết định hành chính.
Hiện nay, 74% số lượng án hành chính liên quan đất đai. Đây là câu chuyện có nhiều ách tắc, không chỉ trình tự tố tụng, mà trình tự hành chính, luật pháp về đất đai thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Một số địa phương có số án hành chính nhiều, như tại TP Hồ Chí Minh, năm 2017 có trên 1.390 vụ án, Hà Nội có hơn 400 vụ án hành chính.
Nếu quy định Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó có mặt tại Tòa án để tham gia giải quyết, thì phải đánh giá lại quy định này sau 5 hoặc 10 năm thực hiện. “Vì khi lãnh đạo địa phương không có mặt tại Tòa thì phiên xét xử sẽ phải hoãn lại, hoãn hoài sẽ tạo hình ảnh xấu”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình giãi bày.
Vụ án hành chính thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa người dân và chính quyền. “Nếu chính quyền cứ né hoài thế này sẽ không hay, mà có mặt hoài cũng không có thời gian giải quyết công việc”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói. Tới đây, trong quá trình xem xét tổng kết thực hiện quy định này, cụ thể khi xem xét cơ chế đặc biệt cho TP Hồ Chí Minh, “cũng nên cho phép Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố được ủy quyền cho cấp dưới tham gia phiên giải quyết”, Chánh án đề xuất.
Nguyên nhân chủ quan, theo Chánh án, do năng lực của Thẩm phán. “Thực tế, đối với vụ án khó khăn thế này, thông thường các Thẩm phán né, do ngại với chính quyền nên xử sẽ né. Việc thuộc về trách nhiệm, bản lĩnh, năng lực thì TANDTC sẽ chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn và có nhiều phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm”, Chánh án khẳng định.
Theo Congly