‘Cha và con và…’ - câu chuyện đời sống ngổn ngang bên dòng Mekong

29/04/2016 08:32

Phim mới của Phan Đăng Di là một góc nhìn về những mảnh đời đang đấu tranh sinh tồn giữa một xã hội chuyển mình từng giờ, từng phút.

Sau Bi, đừng sợ (2010), đạo diễn Phan Đăng Di ra mắt Cha và con và... (tựa đề tiếng Anh: Big Father, Small Father and Other Stories). Bộ phim là một góc nhìn cuộc sống mang "tính" Phan Đăng Di - đầy nghệ thuật và ám ảnh.

Cuối tháng 4, phim được công chiếu tại Pháp với tựa đề Mekong Stories (Những câu chuyện bên dòng Mekong). Buổi chiếu thu hút rất đông khán giả. Phòng chiếu hơn 100 chỗ chật kín, nhiều người phải ra về vì không còn chỗ. Bộ phim gây xúc động đặc biệt với khán giả là những người Pháp và những Việt kiều chỉ có dịp về thăm quê hai hay ba năm một lần. Đối với họ, một bộ phim, một tác phẩm "thuần Việt" (người Việt đạo diễn, quay, dàn dựng, đóng phim) được coi như món quà hiếm để họ tự hào về đất nước mình.

[caption id="attachment_139582" align="aligncenter" width="410"] Poster phim "Mekong Stories" tại Pháp.
Poster phim "Mekong Stories" tại Pháp.[/caption]

Dòng sông đen ngòm như dải lụa nhuộm hắc ín óng ánh dưới chiều tà. Nước sông đen đến mức những ngôi nhà cao tầng bên tả ngạn không thể đổ bóng soi mình. Ngăn cách giữa những ngôi nhà cao vút trời, kiêu hãnh là những dải nhà lụp xụp tạm bợ, bấu vào mép bờ Mekong tưởng như chực đổ nhào xuống dòng nước bất cứ lúc nào. Trong những ngôi nhà đó là các mảnh đời đang tìm lối thoát giữa một xã hội thay đổi từng ngày. Đó là Việt Nam bên thềm thế kỷ 21 và là cảnh mở đầu của bộ phim.

Giữa bối cảnh đó, từng con người hiện ra. Cậu sinh viên ngành nhiếp ảnh tên Vũ (diễn viên Lê Công Hoàng) muốn để lại cho tương lai những hình ảnh đẹp của cuộc sống. Cô gái Vân (Đỗ Thị Hải Yến) mơ ước được tôn vinh cái đẹp của cuộc sống trên đôi chân vũ nữ. Anh chàng Thăng (Trương Thế Vinh) làm nhân viên hộp đêm và kiếm thêm thu nhập bằng buôn thuốc phiện. Anh hát rong đường phố tên Cường (Mai Quốc Việt đóng) luôn nghĩ mình có chất giọng mê hồn, mơ thành ca sĩ. Những con người trẻ tuổi đầy mơ ước dạt đến bờ sông, trú tạm tại nhà của ông Sáu (Nguyễn Hà Phong) - cha của Vũ.

Ông Sáu luôn trầm ngâm với đời, tưởng như "đứng tuổi" nhưng cái phần "con" trong ông luôn tiềm ẩn để rồi một đêm không ngủ, dục vọng trong ông bùng phát, đê mê trong bùn đất, bên những rễ cây bị nước sông bẩn bào mòn. Ông Sáu đã để dục vọng chiến thắng. Trong khi đó, Vũ phải lòng người cùng giới tên Thăng, Thăng lại thèm khát người con gái bên sông.

Chị cán bộ phụ trách văn hóa cần mẫn với công việc cấp trên giao cho: vận động kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ sinh đẻ bằng cách thắt ống dẫn tinh nam giới. Để đạt được chỉ tiêu công việc, chị không những phải động viên những người đàn ông đã có con mà cả những người chưa một lần làm bố đi triệt sản. Bù lại việc làm "có ý nghĩa" đó, họ sẽ được một khoản tiền khá quan trọng để mua một chiếc điện thoại cho kịp với nhịp sống, để trả những món vay nợ nặng lãi.

[caption id="attachment_139583" align="aligncenter" width="410"]Đỗ Thị Hải Yến (vai cô vũ nữ Vân) và Lê Công Hoàng (vai Vũ) trong một cảnh phim. Đỗ Thị Hải Yến (vai cô vũ nữ Vân) và Lê Công Hoàng (vai Vũ) trong một cảnh phim.[/caption]

Phim là một bức tranh đa chiều, đa sắc, là các góc của xã hội. Tính cách của các nhân vật chạy ngang dọc, uốn khúc, đôi khi đẩy nhau, đôi khi đan chéo, đôi khi trùng khớp lên nhau. Tác phẩm cũng có những nét chấm phá thể hiện muôn mặt đời thường mà lớp trẻ đang phải đối đầu: Bạo lực, trộm cắp, đĩ điếm, nghiện hút, tình yêu dị tính và đồng tính. Ai ai cũng cố đi tìm cho mình một lối đi và đôi khi bàn chân của họ phải bước sang lối khác để hy vọng tìm được đích đến.

Nếu trong Bi, đừng sợ!, nhân vật nữ giữ các vai chủ chốt trong phim thì trong Mekong Stories, phái đẹp chỉ làm nền, làm bóng cho cuộc sống của một xã hội mà đàn ông giữ vị trí trung tâm. Người xem sẽ đặt câu hỏi đó có phải một góc cạnh phản ánh mối quan hệ gia đình, xã hội đương đại Việt Nam?

Những hình ảnh chậm, đôi khi dừng hẳn không cho người xem cảm giác của cuộc sống bình yên. Những âm thanh chói tai và đôi khi bất ngờ lôi khán giả trở về thực tại của cuộc sống.

Trong phim, những chú gà chọi nhau dưới trời nắng, hăng như cuộc đấu tranh sinh tồn của con người đương thời. Sau những cuộc chiến, kẻ chiến thắng ướt mềm, co mình, khép cánh, cô đơn khi hết đối thủ, khi không phải "ra trận". Cuộc sống tạm gác, vô nghĩa, hư không.

Bờ tả, bờ hữu Mekong vẫn cứ vươn cao với mây trời, bao mảnh đời đấu tranh với cuộc sống hàng ngày trong những ngôi nhà mái tôn nằm bất động, không biết bên nào lở, bên nào bồi. Những mảnh đời cũng đang bám vết theo cái thăng trầm của xã hội đang chuyển mình.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "‘Cha và con và…’ - câu chuyện đời sống ngổn ngang bên dòng Mekong" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin