Cấp thiết ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em

(Pháp lý) - Vụ ông cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng có dấu hiệu dâm ô bé gái trong thang máy và nhiều vụ tương tự xảy ra thời gian gầy đây đã báo động vấn nạn xâm hại trẻ em ở nhiều mức độ khác nhau. Làm gì để ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này là câu hỏi đặt ra cấp thiết hiện nay.

Nhức nhối tình trạng xâm hại trẻ em

Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vừa bắt giữ Nguyễn Thiện Thập (42 tuổi, trú xã Ea Phê, Krông Pắk) để điều tra về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Thập bị bắt khi đang lẩn trốn tại một bệnh viện ở tỉnh Đồng Nai. Theo điều tra, Thập là chủ một cơ sở mộc tại xã Ea Phê.

Ngày 2/3/2019, cháu P.T.N. (SN 2004, trú xã Ea Phê, hàng xóm Thập, bị thiểu năng trí tuệ) đến cơ sở mộc xin ớt, Thập đã dụ dỗ cháu N. để thực hiện hành vi dâm ô rồi cho 20 ngàn đồng. Sáng ngày hôm sau, biết N. ở nhà một mình, Thập mò sang, tiếp tục dụ dỗ cháu bé, thực hiện hành vi dâm ô. Lúc này, mẹ cháu N. đi làm về bắt quả tang, hô hoán bắt giữ Thập giao cho công an. Tại cơ quan công an, Thập thừa nhận hành vi dâm ô đối với cháu N.

 Hình ảnh cựu Phó Viện trưởng VKS TP Đà Nẵng có hành vi dâm ô trong thang máy ở một chung cư TP.HCM
Hình ảnh cựu Phó Viện trưởng VKS TP Đà Nẵng có hành vi dâm ô trong thang máy ở một chung cư TP.HCM)

Sự kiện này nối tiếp vụ bé gái khoảng 5-6 tuổi bị người đàn ông dâm ô trong thang máy chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khái, P.1, Q.4, TP.HCM) tối ngày 1/4/2019 gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Người đàn ông này được xác định là Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, Viện phó VKSND TP Đà Nẵng vừa nghỉ hưu.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em (giảm 2,8% so với năm 2017). Cơ quan chức năng đã xử lý gần 1.700 người phạm tội có hành vi xâm hại trên 1.500 em. Trong đó, hơn 1.200 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.230 người phạm tội có hành vi xâm hại tình dục trên 1.100 em. Cơ quan điều tra đã xử lý hình sự 1.360 người phạm tội; xử phạt hành chính 160 người…

Rất nhiều vụ xâm hại trẻ em diễn ra gây lo âu, bức xúc và phẫn nộ trong dư luận. Đó là vụ Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi dâm ô với nhiều học sinh nam của trường. Vụ Nguyễn Văn Viễn (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) bị khởi tố do có hành vi hiếp dâm cháu bé ba tuổi. Vụ thầy giáo chủ nhiệm lớp 5A Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có hành vi dâm ô 13 học sinh đang học lớp 5A. Vụ Hồ Trọng Đăng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phan Bội Châu (xã La Nan, huyện Đức Cơ) bị khởi tố do có hành vi dâm ô đối với một nữ học sinh lớp tám. Vụ Nguyễn Trọng Trình (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị khởi tố về hành vi hiếp dâm bé gái 9 tuổi. Vụ án 5 nam sinh của Trường THPT Nguyễn Hữu Thận, THPT Triệu Phong và một thanh niên lao động tự do ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị khởi tố về hành vi hiếp dâm nữ sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Thận.

Trước đó, cũng có không ít các vụ dâm ô trẻ em gây rúng động cả nước.

Ngày 8/1/2017, cháu T.Y.N. (sinh tháng 12/2008) bị Cao Mạnh Hùng (SN 1983, quê Thái Bình) dụ dỗ và bế vào sân trong một ngách nhỏ ở phố Tân Mai (Hoàng Mai) để giở trò đồi bại.

Năm 2016, chị Trần Thị T.T. (ngụ tại Chung cư Lakeside, P. Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) đã tố cáo Nguyễn Khắc Thủy (76 tuổi, ngụ cùng chung cư, nguyên Giám đốc một chi nhánh Ngân hàng tại Bà Rịa - Vũng Tàu) có hành vi dâm ô con gái mình. Sau rất nhiều thời gian kiên trì, dư luận lên án, Nguyễn Khắc Thủy mới ra tòa lĩnh án.
Cũng trong năm 2016, 7 học sinh trong độ tuổi từ 10 - 12 của một trường tiểu học ở xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu) đã kể chuyện bị ông Nguyễn Văn Toàn (47 tuổi, ở ấp Mỹ 2, xã Vĩnh Phú Đông, nguyên hiệu trưởng 1 trường tiểu học) ôm rồi sờ vào vùng nhạy cảm trên cơ thể. Vụ việc vỡ lở khi một học sinh nữ từng bị ông Toàn sàm sỡ đã dùng điện thoại ghi lại cảnh nguyên hiệu trưởng này kéo một em học sinh khác vào nhà vệ sinh sờ mó. Ông Toàn bị truy tố về tội “Dâm ô đối với trẻ em”.

 Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong vụ án dâm ô trẻ em
Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy trong vụ án dâm ô trẻ em)

Phức tạp, nhiều thành phần phạm tội

Người có hành vi xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau. Trước đây, những vụ được phát hiện cho thấy đối tượng phạm tội thường có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Đến nay, tình trạng này đã thay đổi, trong số các đối tượng bị xử lý vì hành vi xâm hại trẻ em có nhiều người có trình độ học vấn cao, có trình độ hiểu biết pháp luật, họ là Hiệu trưởng nhà trường, từng là Giám đốc Ngân hàng, là Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh…

Nhìn từ mối quan hệ với nạn nhân cũng thấy có đủ thành phần, kẻ thủ ác có thể là thầy giáo, bạn học, thân nhân, thậm chí cha đẻ, hàng xóm, người quen, người lạ gặp tình cờ.

Địa phương xảy ra các vụ xâm hại cũng đa dạng, ở đủ mọi vùng miền, từ các tỉnh miền núi Hà Giang, Đăk Lăk đến các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu.

Địa điểm phạm tội cũng rất đa dạng, từ nơi công cộng, nhà của nạn nhân hay nhà của thủ phạm, chỗ trống vắng, đường sá, đến nhà trường, thang máy… đều có thể xảy ra vụ xâm hại trẻ em.

Làm gì để ngăn chặn?

Ngày 3/4, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Văn bản chỉ đạo này cũng nêu rõ, mặc dù lực lượng Công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhưng hiệu quả còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em...

 Cần sửa đổi bổ sung những quy định cụ thể để xử lý nghiêm khắc đối với tội phạm xâm hại trẻ em
Cần sửa đổi bổ sung những quy định cụ thể để xử lý nghiêm khắc đối với tội phạm xâm hại trẻ em)

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại và bạo lực; xác định các hành vi bạo lực, xâm hại có nguyên nhân từ bản thân các em, gia đình, nhà trường, xã hội để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời, tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phối hợp Viện kiểm sát và Tòa án các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung.

Bộ trưởng Công an giao Cục Cảnh sát hình sự chủ trì xây dựng Kế hoạch, phối hợp hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai Chương trình phối hợp số 11/CTPH ngày 26/02/2019 giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022; Giao Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì hướng dẫn Công an các địa phương thực hiện Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Có thể nói, Công an có vai trò và trách nhiệm chủ yếu trong việc ngăn ngừa tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, với tội phạm xâm hại trẻ em, cần khẳng định vai trò, trách nhiệm của gia đình, của nhà trường và xã hội trong việc quan tâm sâu sát hơn; hướng dẫn các cháu kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; tạo môi trường an toàn cho các cháu, có biện pháp ngăn chặn từ xa những nguy cơ xâm hại. Các cấp, các ngành phải tuân thủ tốt, triệt để tinh thần của Luật Giáo dục, Luật Trẻ em.

Khẩn trương khắc phục kẽ hở của luật

Vụ dâm ô tại thang máy Chung cư Glaxy cho thấy một lỗ hổng pháp luật bộc lộ, gây khó khăn cho công tác, đó là xác định thế nào là hành vi dâm ô. Trước đây, có hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01 ngày 1/1/1998 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ có hướng dẫn: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác”. Nếu theo Thông tư này thì phải chứng minh được người có hành vi dâm ô phải sờ mó, kích thích… mới có thể khởi tố, điều tra, truy tố. Thông tư này hướng dẫn BLHS đã hết hiệu lực pháp luật, trong khi BLHS năm 2015 lại chưa có hướng dẫn.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, tội giết người không có quy định cụ thể thế nào là giết người nhưng không ai thấy đó là vướng mắc, do đó hành vi dâm ô cũng không khó nhận biết. Lẽ ra có thể xác định tất cả hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân, không nhất thiết là một hay hai bộ phận nhạy cảm trên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô.

Hơn nữa, dưới góc độ sinh lý, dâm ô là hành vi tình dục có đặc điểm thỏa mãn hoặc khêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu, cũng như không phải là hành vi quan hệ tình dục khác. Đối tượng của hành vi dâm ô là người dưới 16 tuổi. Họ có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể nhưng cũng có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi tình dục.

Do đó, phải nhận thức rằng có các hình thức xâm hại không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa kẻ phạm tội và trẻ em như: gạ gẫm, dụ dỗ thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin (phơi bày thân thể để chụp ảnh, ghi hình)… vẫn phải bị trừng phạt.

Do đó, cần khắc phục lỗ hổng này. TANDTC đang khẩn trương soạn thảo Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, để hoạt động ngăn ngừa, xử lý tội phạm này được thuận lợi.

Học tập kinh nghiệm xử lý của thế giới

Có thể thấy khung hình phạt đối với loại tội phạm này ở Việt Nam là quá nhẹ so với nhiều nước trên thế giới. Xem xét cách xử phạt quấy rối tình dục trên thế giới thì thấy rõ điều đó.

Ở Thụy Điển vừa thông qua luật rằng quan hệ tình dục không có sự đồng thuận là cưỡng hiếp. Ở Pháp, bạo lực tình dục không bao gồm cưỡng hiếp sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù giam và 75.000 Euro (gần 2 tỷ đồng), đối với tội cưỡng hiếp, có thể bị phạt 15 năm đến chung thân.

Hoa Kỳ có gần 30 tổ chức của chính phủ về bảo vệ quyền lợi trẻ em. Trong đó có hơn 10 tổ chức bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại tình dục với đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ. Pháp luật Mỹ mạnh tay đối với những tội phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên. Trước kia, ở một số bang như Louisiana, Oklahoma, Texas..., những người bị kết án hiếp dâm trẻ em và tái phạm nhiều lần sẽ phải đối diện với án tử hình. Ngoài hình thức phạt tiền và phạt tù, người bị kết án còn phải chịu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý địa phương. Thông tin về những người có tiền án cũng được công khai trên các trang mạng của chính quyền địa phương cho người dân tiện tra cứu.

Tại Nhật Bản, khung hình phạt dành cho tội phạm xâm hại tình dục theo hướng tăng nặng hình phạt. Điều 177 Bộ luật Hình sự Nhật Bản quy định người có hành vi hiếp dâm bé gái dưới 13 tuổi sẽ bị phạt tù từ năm năm trở lên (không quy định mức trần). Với hành vi dâm ô trẻ em, Điều 176 quy định người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 10 năm. Ngoài ra, công tố viên còn được phép truy tố người phạm tội kể cả khi nạn nhân không tố cáo.

Tại Anh, trẻ em và gia đình của trẻ em bị xâm hại được khuyến khích liên hệ ngay lập tức với các tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em như Hiệp hội quốc gia dành cho trẻ em bị xâm hại, Cộng đồng Bảo vệ trẻ em quốc gia... để được trợ giúp, tránh xảy ra tình trạng giấu diếm hoặc bao che cho kẻ xâm hại.

Một biện pháp gây tranh cãi, được một số nước áp dụng là thiến hóa học, hoặc thậm chí là thiến bộ phận sinh dục. Indonesia, Nga, Ba Lan và Hàn Quốc đã áp dụng hình phạt cho tội lạm dụng tình dục trẻ em có thể bằng hình thức thiến hóa chất. Thiến hóa chất là hình thức dùng thuốc để làm giảm nhu cầu tình dục mà không cần thiến sinh lý hoặc cắt bỏ nội tạng. Cộng hòa Séc áp dụng hình thức thiến dương vật “tự nguyện”, với 94 ca phẫu thuật đã được tiến hành từ 1999. Đây là biện pháp gây tranh cãi ở Czech.

Do đó, tham khảo pháp luật quốc tế, điều chỉnh khung hình phạt theo hướng tăng nặng để có sức răn đe cũng là một biện pháp cần được Quốc hội Việt Nam quan tâm.

Minh Khôi

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin