Nhiều đối tác đã phản ánh và không mua gạo trắng của Việt Nam do lo ngại chất lượng gạo bị giả mạo. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường gạo trắng và có thể mất luôn thị trường gạo trắng vào tay Thái Lan.
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TP HCM cho biết đơn vị này đang tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, lô hàng thuộc hai tờ khai nhập khẩu do một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021, lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, phát hiện toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Trên bao bì mỗi bao gạo đều ghi rõ tên thương hiệu, địa chỉ nhà máy, địa chỉ doanh nghiệp tại Việt Nam; thành phần gạo 5% tấm…
Từ các thông tin kiểm tra, nghi vấn, có sự giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ, báo Hải quan TP HCM đưa tin.
Theo một số doanh nghiệp, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho các nhà máy bia… do nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, cho biết: "Thực tế có doanh nghiệp kinh doanh gạo "bẩn", mua hàng Ấn Độ nhưng đóng bao bì là xuất xứ Việt Nam rồi xuất đi".
Ông Có cho hay một số người mua hàng đã phản ánh về việc gạo trắng của Việt Nam gần đây có chất lượng kém, tương đồng như gạo Indian Swarna 5% của Ấn Độ.
Ông Có cũng cho biết, hiện công ty này cũng nhận được không ít lời mời chào hàng mua gạo Ấn Độ với giá rất rẻ. Cụ thể, giá nhập về chỉ ở mức 420-425 USD/MTS nhưng bán ra đến 480-490 USD/MTS. Tuy nhiên, ông Có cho rằng đây là việc làm cần lên án mạnh mẽ.
Theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.
Trong khi đó, theo biểu giá gạo được công bố ngày 27/5 của Hiệp hội lượng thực Việt Nam (VFA), giá hai loại gạo này của Ấn Độ hiện chỉ ở mức khoảng 388 USD/tấn và 273 USD/tấn
Mức giá này thấp hơn trên 100 USD/tấn so với gạo cùng loại của Việt Nam đang giao dịch trên sàn thế giới lần lượt là 488 USD/tấn và 418 USD/tấn. Do đó, đây có thể là nguyên nhân khiến gạo Ấn Độ được nhiều doanh nghiệp Việt nhập khẩu về.
Trước tình huống giả mạo xuất xứ gạo Việt có thể xảy ra, ông Phan Văn Có cho rằng: "Các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Ấn Độ khi mở tờ khai xuất hoặc nhập khẩu cần kiểm hóa 100%. Đồng thời các lô hàng vi phạm nhãn mác hay giả mạo xuất xứ phải chịu thuế xuất nhập khẩu như luật hiện hành".
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Bộ Công Thương cần có giải pháp giám sát chặt chẽ tình trạng này để tránh “một con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi Vệt Nam đã mất nhiều năm mới xây dựng được uy tín cho hạt gạo, nhưng hành động này có thể khiến cho mọi nỗ lực đó đều thành vô nghĩa.
Thực tế, nghi vấn gạo Ấn Độ giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam không phải là trường hợp đầu tiền được phát hiên.
Trước đó, vào tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038… Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhưng qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
Tuy nhiên, chia sẻ với người viết, đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết có nghe thông tin nhưng chưa có báo cáo cụ thể cũng như chưa xác định những doanh nghiệp nào đang thực hiện nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam.
Theo thuonghieucongluan.com.vn
Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/canh-bao-gia-mao-nhan-hieu-gao-viet-nam-tren-thi-truong-quoc-te-a135973.html