Nhiều năm nay , Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Quảng Ninh liên tục nằm trong Top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài , đóng góp nhiều cho ngân sách, tăng thu nhập bình quân đầu người , năng lực cạnh tranh tốt nhất... của cả nước. Vậy chính quyền các tỉnh, thành phố này đã có những cách làm đặc biệt nào trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế…?
Hà Nội chú trọng phát triển nền tảng số, minh bạch thông tin, đẩy mạnh vai trò các cơ quan xúc tiến đầu tư
Hà Nội thu hút 1,28 tỷ USD vốn FDI sau 10 tháng năm 2022
Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, Hà Nội tập trung rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là cơ hội lớn, động lực để Hà Nội vươn lên đứng trong top các tỉnh, thành phố thu hút đầu tư FDI và thu nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Để có được những thành tích đó, Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong chiến lược duy trì đà phát triển, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Hà Nội ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Đồng thời, thành phố tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, Hà Nội đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ hoạt động của tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Để phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài, Hà Nội đã chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.
Xác định rõ mục tiêu hạ tầng phải đi trước một bước, hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,42ha; trong đó, có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Có thể nói, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
TP. Hồ Chí Minh mở rộng xúc tiến đầu tư với các đối tác tiềm năng gắn liền với các Hiệp định thương mại tự do
Một góc TP. Hồ Chí Minh
Thời gian qua, TPHCM chủ trương chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút đầu tư các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường. Thêm nữa, thành phố ưu tiên các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ưu tiên các ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh việc xác định trọng tâm thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường và đối tác truyền thống, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường và đối tác mới tiềm năng gắn liền với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết
Thành phố cũng chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ với những dự án hợp tác đầu tư thành công cụ thể và với những nhà đầu tư lớn, có tính chiến lược hoặc các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư thành công tại Việt Nam.
Để giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư lựa chọn thành phố là điểm đến của các dự án đầu tư. Cụ thể: Thành phố đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như các hoạt động gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp; thành lập tổ công tác đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng.
Ngoài ra, TP.HCM còn chuẩn bị hơn 300 ha đất dành cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả doanh nghiệp công nghệ cao. Với định hướng này, không chỉ các NĐT nước ngoài mà các doanh nghiệp trong nước cũng dễ dàng gia nhập vào chuỗi liên kết ngành trong thời gian tới. TP. HCM cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến.
Hiện nay, Thành phố đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; đồng thời thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là nền tảng, động lực tạo điều kiện cho sự phát triển của nền công nghiệp thành phố. Hướng tới mục tiêu cốt lõi nhằm quảng bá sức hấp dẫn của thị trường trong nước để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu thông qua sự tham gia đầu tư của các thương hiệu quốc tế, tập đoàn đa quốc gia.
Bằng chính sách ưu tiên thu hút đầu tư và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty FDI; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu; ưu tiên, khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, R&D...TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu cả nước trong thu hút đầu tư FDI , giữ chân những nhà đầu tư lớn và các tập đoàn đa quốc gia.
Hải Phòng chủ động tiếp thị đầu tư, đề nghị doanh nghiệp và báo chí giám sát việc thực hiện các cam kết
Từ chủ trương đổi mới cách tiếp cận nhà đầu tư, doanh nghiệp, Hải phòng đã chủ động tiếp thị, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột đó là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Đây là cách làm mới để Hải Phòng tiếp tục duy trì khai thác hiệu quả thế mạnh thu hút đầu tư , giữ vững vị trí Top đầu cả nước. Thay vì đợi các nhà đầu tư đến với Hải Phòng, địa phương đã "chủ động" tiếp thị giới thiệu, xúc tiến đầu tư về những lợi thế đặc biệt nhất để thu hút nhà đầu tư. Việc chủ động xúc tiến đầu tư, tiếp thị thương mại tại khu vực châu Á, châu Âu mang lại nhiều kết quả rất khả quan, với nhiều thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ được ký kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Riêng trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 21 doanh nghiệp là thành viên của Eurocham. Đặc biệt là các đối tác Hàn Quốc, Đài Loan với những dự án đầu tư khủng vào Hải phòng. Trong đó, lớn nhất là tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG với 7 dự án có số vốn hơn 7,2 tỷ USD, chiếm hơn 37% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố.
Có thể nói, đổi mới trong tiếp thị, xúc tiến đầu tư của Hải Phòng gây được tiếng vang lớn, mức độ lan tỏa khá rộng rãi. Kết quả là có nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ được ký kết, đặc biệt là các cam kết nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Hải Phòng. Đây là bài học kinh nghiệm về sự đổi mới rất rõ nét và hiệu quả của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trong xúc tiến đầu tư, với mục tiêu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hút mỗi năm 2,5-3 tỷ USD vốn FDI trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast được xây dựng tại KCN Đình Vũ -Cát Hải, TP. Hải Phòng
Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, thì hàng loạt dự án khác của các nhà đầu tư trong nước như Tập đoàn Vingroup, Geleximco, Sun Group giúp thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại của thành phố. Đặc biệt, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Vingroup đã đưa Hải Phòng lên bản đồ sản xuất ô tô của thế giới, dẫn đầu xu hướng sản xuất ô tô điện thân thiện với môi trường.
Để huy động được nguồn vốn lớn phục vụ nhu cầu phát triển, Hải Phòng tiếp tục duy trì được thứ hạng cao PCI và các chỉ tiêu về cải cách thể chế khác. Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Hiện nay, chuyển đổi số đang được Hải Phòng áp dụng ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đảm bảo mọi quy trình được công khai, minh bạch. Doanh nghiệp sẽ giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức... Qua đó, tác động trực tiếp và cải thiện nhanh chóng môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng, giúp gia tăng chất lượng điều hành kinh tế.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư mới, thành phố cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng. Với việc ký cam kết công khai, đề nghị doanh nghiệp và báo chí theo dõi, giám sát việc thực hiện các cam kết là một bước đi thay đổi rất tích cực của Hải Phòng.
Cùng với các chính sách, chiến lược trong cải thiện môi trường đầu tư, Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương. Bên cạnh đó, chính sách về quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai; Chính sách về quản lý quy hoạch góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch; Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao lực lượng bảo đảm sự phát triển của thành phố trong tương lai... Đây cũng là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng tiếp tục phát triển đột phá, tạo cơ hội bứt phá mới xứng đáng là trọng điểm trong tứ giác phát triển của khu vực phía Bắc, trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Với những cơ chế đặc thù mới đã được Quốc hội thông qua và những quyết tâm, giải pháp tổng thể, đồng bộ, Hải Phòng đang vươn lên tầm cao mới, hứa hẹn trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
Quảng Ninh đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ về pháp lý và vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư
Nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích đất liền trên 6.000 km2 và diện tích mặt biển tương đương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng.
Quảng Ninh đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm thứ 5 liên tiếp
Những năm gần đây, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát đi thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Với thông điệp đó, Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước. Hàng năm Quảng Ninh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư.
Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng dự án, chỉ sau thời gian ngắn, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt các dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn, như sân bay, đường cao tốc…được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện.
Với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm vốn mồi, Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt 47.000 tỷ đồng với 44 dự án ở các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dân dụng, văn hóa... Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Cách làm này đã cho ra đời các công trình hạ tầng động lực, hiện đại, tầm cỡ quốc tế như hệ thống đường cao tốc, sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách chuyên biệt, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp thế giới đã được đưa vào khai thác tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất lớn. “Làn gió” PPP trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ… đã và đang được Quảng Ninh triển khai đã lan tỏa, mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…
Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà đó là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…
Hướng tới mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới, Quảng Ninh luôn coi trọng việc đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được trong công tác cải cách. Đến nay, tỉnh đã có 9 năm thực hiện đánh giá chỉ số PAR Index (Chỉ số cải cách hành chính) hàng năm và 5 năm đánh giá chỉ số SIPAS(Chỉ số hài lòng của người dân). Và đặc biệt Quảng Ninh đã tích hợp điểm số SIPAS vào kết quả đánh giá PAR Index. Điều này thể hiện sự dám nhìn thẳng sự thật, tập trung cải cách toàn diện và thực chất.
Năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index); đứng đầu về chỉ số phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) 2 năm liên tiếp và lần đầu tiên tỉnh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Tổng kết cả 3 quý đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh ước đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 29.830 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ.