'Bố Già' - tuyệt phẩm dịch thuật của Ngọc Thứ Lang

Ra đời sau tác phẩm gốc 4 năm, bản dịch "Bố Già" của Ngọc Thứ Lang tự tạo nên một đời sống riêng và được yêu thích cho tới tận ngày hôm nay.

Từ sáng tạo tiêu đề “Bố Già”

Năm 1969, Mario Puzo xuất bản The Godfather. Ba năm sau, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông đã đoạt 5 giải Oscar, trong đó có giải cho Phim hay nhất, Đạo diễn hay nhất và Nam chính xuất sắc nhất. Bài hát nhạc phim cũng đi vào lòng khán giả yêu điện ảnh và văn chương từ thời gian ấy.

Tiểu thuyết và bộ phim The Godfather tạo nên làn sóng hâm mộ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại miền Nam Việt Nam thời gian ấy, khi đang ảnh hưởng “lối sống Mỹ”. Bốn năm sau khi ra đời, năm 1973, dịch giả Ngọc Thứ Lang đã dịch trọn vẹn tiểu thuyết The Godfather sang Việt ngữ với tên Bố Già, xuất bản tại NXB Thứ Tư. Bản dịch trở thành kinh điển, được tái bản nhiều lần mà gần đây nhất là cuối năm 2016.

 Bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang cho tới nay vẫn được thừa nhận là hoàn hảo nhất.
Bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang cho tới nay vẫn được thừa nhận là hoàn hảo nhất.)

Nếu như nghĩa chính của “Godfather” là “cha đỡ đầu” thì công phu sáng tạo của Ngọc Thứ Lang đã trở thành kinh điển khi dịch từ này là “Bố Già”. Danh từ này đã đi vào đời sống ngôn ngữ của người Việt để chỉ những người có quyền lực, reo rắc uy phục ở khắp nơi… (Ông trùm Tano trong bộ phim truyền hình Bạch tuộc nổi tiếng thập niên 1990 hay nhân vật Phan Quân trong bộ phim Người phán xử gần đây). Chú ý rằng, ngay đầu truyện, Don Corleone có ý trách ông chủ nhà đòn Bonasera không nhận mình là cha đỡ đầu cho con gái trong khi Bà Trùm là mẹ đỡ đầu. Dường như thâm ý của từ Godfather là từ đây…

Thêm nữa, “The Don” trong tên Don Vito Corleone được dịch thành “Ông Trùm” là một sáng tạo kỳ tài của Ngọc Thứ Lang. Và cũng chữ đó, trong trường hợp dùng miêu tả các thành viên trong gia đình Don Vito Corleone nói chuyện với nhau thì nó lại được dịch là “Ông Già”. Hoặc dịch “The Turk” thành “thằng Đường Thổ” để nghe cho đúng chất giang hồ; và dịch “Mama Corleone” thành “Bà Trùm”.

Cách sử dụng đại từ xưng hô của Ngọc Thứ Lang cũng rất thâm sâu. Bản tiếng Anh chỉ là “I” với “you” nhưng khi Ông Trùm nói với các ông già đồng hương gốc Ý thì nó được dịch là “Tôi với bạn”. Cách dịch này dường như thể hiện được thâm ý của Ông Trùm: muốn cho thấy mình gần gũi thân thiện nhưng đồng thời khiến người đối diện luôn có cảm giác sợ hãi mơ hồ trong khi cùng lúc cảm nhận được vẻ tôn kính của Ông Trùm. Và khi Ông Trùm nói với đám đệ tử thì “I” với “you” được chuyển thành “Tao với mi”.

 Hình tượng Don Corleone của Marlon Brando đã trở thành kinh điển.
Hình tượng Don Corleone của Marlon Brando đã trở thành kinh điển.)

Đến “đằng sau một tài sản khổng lồ là tội ác”

Đi dọc dài tác phẩm của Mario Puzo qua tài hoa dịch thuật của Ngọc Thứ Lang, ta thấy hiện dần lên nhân tình thế thái chốn giang hồ. Chắc Ngọc Thứ Lang phải hiểu và đồng cảm với Mario Puzo lắm khi dịch tiểu thuyết của ông như thế này.

Nếu bản gốc tiếng Anh là: “Amerigo Bonasera sat in New York Criminal Court Number 3 and waited for justice; vengeance on the men who had so cruelly hurt his daughter, who had tried to dishonor her” thì Ngọc Thứ Lang dịch thành: “Amerigo Bonasera có việc ra Tòa. Tòa Đại-hình Nữu-Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão” (đến luật sư cũng dịch hay đến thế là cùng). Và sau đó, bởi công phu vô hình của Bố Già, hai thằng khốn kể trên bị đánh trở thành “người nát ngướu” như một món quà tặng cho ông chủ nhà đòn Bonasera.

Hay lúc dịch nỗi oán hận tủi nhục của nghệ sĩ Johnny khi không làm gì được vợ: “Đi ngủ với trai” dịch từ “Out Fucking” và “Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi” (He hated the woman on the floor but her beauty was a magic shield). Cả hai người này (Johny và Bonasera) đều đến đám cưới con gái Bố Già để xin những ân huệ mà công lý chính thống không thể thực thi được.

Bố Già không đòi hỏi gì, chỉ mong muốn là tình bạn, đến một lúc nào đó, không được phép chối từ lời đề nghị của Bố Già (có thể không bao giờ đề nghị). Với ông chủ nhà đòn, đơn giản chỉ là sửa sang xác chết lỗ chỗ vết đạn của Sony trước khi hạ huyệt, để khỏi làm đau lòng Bà Trùm.

Xuất phát từ câu đề từ “Đằng sau tài sản khổng lồ là một tội ác” (Balzac) đến câu nói của Ông Trùm Don Vito Corleone “Trả thù là một món ăn càng nguội càng ngon”, điều này khiến người ta nghĩ đến thuyết Công lý hoàn hảo – Tương xứng hoàn hảo trong lý luận về Công lý và Pháp luật (máu phải trả bằng máu) xuyên suốt tác phẩm Bố Già.

Hơn thế, qua công phu dịch thuật của Ngọc Thứ Lang, tác phẩm chắc chắn đã mang đến nhiều cảm xúc cho độc giả, bởi cốt truyện hấp dẫn mà còn cả ý nghĩa về công lý, sự báo thù, nhân tình thế thái…không chỉ trong giới mafia Hoa Kỳ những năm sau Đệ nhị Thế chiến. Chính vì lẽ đó, tác phẩm dịch thuật Bố Già có một đời sống riêng, vượt thời gian và song hành cùng tác phẩm gốc The Godfather.

Dịch giả Ngọc Thứ Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, biệt danh là “Công tử Bắc Kỳ”, vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng năm 1950. Ngọc Thứ Lang là dịch giả của thời kỳ trước năm 1975, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nhưng có lẽ Bố Già là một dấu son trong sự nghiệp của ông. Năm 1973, bản dịch tác phẩm này của Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh ra mắt và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều độc giả.

Nếu như The Godfather của Mario Puzo khi vừa xuất bản đã nằm trong danh sách sách bán chạy nhất suốt 67 tuần thì Bố Già của Ngọc Thứ Lang cũng“làm mưa làm gió” trên thị trường văn học dịch của Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ trước. Theo một số tư liệu, Ngọc Thứ Lang mất năm 1979, tại Sài Gòn.

Theo Zing

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin