Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện các quy định của Luật Cư trú (Ảnh minh hoạ)
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú với nhiều đề xuất mới qui định về: Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú; hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú; xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghị định sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh
Dự thảo Nghị định quy định nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi thường trú khác nhau thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi thường trú của cha hoặc mẹ mà trẻ em mới sinh thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi thường trú của trẻ em mới sinh là nơi do cha, mẹ thỏa thuận. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú phải thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho trẻ.
Đề xuất điểm mới về xóa đăng ký thường trú
Tại Điều 10 của dự thảo quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú. Theo đó, trong thời hạn 1 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khai tử; quyết định tuyên bố chết, mất tích của Tòa án; thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú của thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc ngay sau khi ra quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú đối với công dân, cơ quan đăng ký cư trú thực hiện việc xóa đăng ký thường trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hộ gia đình có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú, người thuộc diện xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú.
Ảnh minh hoạ
Hồ sơ xóa đăng ký thường trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ liên quan. Cơ quan, đơn vị quản lý người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn đóng quân xóa đăng ký thường trú đối với người thuộc đơn vị mình quản lý.
Văn bản đề nghị cần nêu rõ họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân; số Căn cước công dân, số căn cước hoặc Chứng minh nhân dân của người cần xóa đăng ký thường trú; lý do đề nghị xóa đăng ký thường trú. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú phải xóa đăng ký thường trú đối với công dân và cập nhật việc xóa đăng ký thường trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ quan đăng ký cư trú thực hiện việc xóa đăng ký thường trú đối với công dân khi phát hiện công dân đó thuộc một trong các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trước khi thực hiện việc xóa đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú thông báo về việc xóa đăng ký thường trú tới công dân hoặc đại diện hộ gia đình để biết và thực hiện việc nộp hồ sơ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp không liên hệ được với công dân hoặc đại diện hộ gia đình.
Trường hợp quá 7 ngày kể từ ngày thông báo, người thuộc diện xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình không nộp hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành lập biên bản và thực hiện xóa đăng ký thường trú đối với công dân. Cơ quan đăng ký cư trú thông báo bằng văn bản cho công dân đó hoặc chủ hộ về việc xóa đăng ký thường trú sau khi đã thực hiện.
Đề xuất mới về đăng ký cư trú cho công dân sinh sống trên tàu, thuyền
Theo đó, dự thảo nêu, công dân sinh sống trên tàu, thuyền, phương tiện khác qua đêm thì chủ phương tiện phải thực hiện thông báo lưu trú cho người đó với cơ quan chức năng nơi phương tiện đăng ký hoặc nơi thường xuyên đậu, đỗ...Đối với công dân không có nơi thường trú hay tạm trú, họ phải khai báo ngay thông tin với cơ quan chức năng tại nơi ở hiện tại. Nếu đã có nơi thường trú nhưng chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, tạm trú, cá nhân đó cần khai báo thông tin để cập nhật vào cơ sở dữ liệu cư trú. "Trường hợp người khai báo thông tin về cư trú không có giấy tờ tùy thân, cơ quan đăng ký cư trú phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của người khai báo", dự thảo đề xuất.
Đề xuất bổ sung quy định hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực khi đăng ký thường trú
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, Bộ Công an đã đề xuất quy định hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực khi đăng ký thường trú. Theo Điều 5 dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp của người thuê nhà, cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm yêu cầu hợp đồng thuê nhà phải được công chứng, chứng thực. Cụ thể, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành (khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP), người thuê nhà khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê bằng hợp đồng thuê nhà phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở. Ngoài ra, trong các văn bản đều không yêu cầu hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú
Theo đề xuất, công dân khi đăng ký thường trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng).
Hợp đồng mua, bán, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Hợp đồng mua nhà ở, hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán. Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở; Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình; Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.
Chuyên gia pháp lý cho rằng các dự án chưa hoàn thiện liệu sẽ trở nên hấp dẫn hơn với đề xuất quy định mới về đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai
Giấy tờ, tài liệu chứng minh giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp đang thế chấp ngân hàng; giấy tờ mua bán viết tay, cam kết về việc không có tranh chấp. Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và không thuộc địa điểm quy định tại Điều 23 Luật Cư trú nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên; Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú. Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức). Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng mua bán nhà ở trong tương lai và các giấy tờ khác có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng; hoặc xác nhận của UBND cấp xã, UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với công dân khi đăng ký tạm trú cần giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp sau: Một trong những giấy tờ, tài liệu quy định nêu trên, trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã.
Văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp chứng minh là chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú hoặc được chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Công dân được đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình mà không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý nếu thuộc trường hợp được quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú. Trường hợp công dân đề nghị đăng ký vào hộ gia đình tạm trú đã có phải có ý kiến đồng ý của chủ hộ, thời hạn tạm trú bằng thời hạn tạm trú của hộ gia đình.
Đề xuất cũng nêu rõ, trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong Kho dữ liệu điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, tích hợp trên thẻ căn cước, thẻ căn cước điện tử hoặc có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho công dân
Dự thảo Nghị định không quy định thêm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Ví dụ, ngoài điều kiện là có chỗ ở hợp pháp, nhập hộ khẩu về nhà người thân, đăng ký thường trú ở nhà thuê, mượn, ở nhờ…, người dân có thêm một lựa chọn nữa là đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là đề xuất mở, thông thoáng với nhiều loại giấy tờ khác nhau để giúp người dân hưởng các dịch vụ công tại khu vực đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, việc người dân có thể đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai – Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại tờ trình của Bộ Công an về Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, có thể quy định này rất cần các ý kiến đóng góp, phản biện để khi được đưa ra, sẽ phù hợp với thực tiễn.
Các chuyên gia pháp lý và luật gia cho rằng: đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai có thể gây quá tải hệ thống dịch vụ công nếu cho phép đăng ký thường trú bằng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là có cơ sở. Đặc biệt khi nhiều dự án khu đô thị, chung cư thường bị chậm tiến độ, trong đó có cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, trường học. Trong bối cảnh đó, việc cho phép hàng vạn cư dân trong một dự án chưa thành hình đăng ký thường trú tại một khu vực nhất định có thể gây mất kiểm soát quản lý dân cư cũng như quá tải các dịch vụ công.