Biến động kinh tế thế giới năm 2020 do đại dịch Covid và bài học vận dụng chính sách

26/02/2021 09:40

(Pháp lý) - Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch đã tác động tiêu cực, thiệt hại vô cùng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong đại dịch vẫn xuất hiện các nền kinh tế năng động, nhờ sự điều chỉnh linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô ứng phó đại dịch.

Đáng chú ý, với sự ứng phó thích hợp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia phòng dịch hiệu quả nhờ có chính sách linh hoạt và được dự báo là nước hiếm hoi trên thế giới có tăng trưởng dương trong năm 2020.

Những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang phải thực hiện các chính sách mềm dẻo linh hoạt nhất trước đại dịch (ảnh minh họa)

Từ sự lựa chọn chính sách giữa đại dịch

Đứng trước tình trạng “báo động đỏ” về tình trạng lây nhiễm Covid-19 với tốc độ chóng mặt, các quốc gia kể cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới buộc phải có lựa chọn những phản ứng khác nhau. Các chính sách này được thực thi để cùng đảm bảo 2 yếu tố: sự ổn định cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng như những biện pháp đảm bảo sự an toàn cho sức khoẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang phải thực hiện các chính sách mềm dẻo linh hoạt nhất có thể nhưng chỉ là kéo dài thời gian để “nền kinh tế miễn nhiễm với Covid-19” và không kéo theo các đà tăng trưởng âm của sự suy thoái.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh với nguy cơ tác động lớn nhất thể kỷ, các quốc gia phát triển và mới nổi đã áp dụng một loạt các chính sách tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế, các quốc gia khác nhau sẽ có những quy mô thực thi khác nhau, nhưng tựu chung đều bao gồm việc cắt giảm thuế, hoãn thuế, hỗ trợ thu nhập…

Theo báo cáo của WHO, ngay từ khi đại dịch bùng phát ở cấp độ toàn cầu, Bộ trưởng tài chính nhóm các nước G7 và các Ngân hàng Trung ương đã khẳng định họ sẽ sử dụng tất cả những công cụ phù hợp nhất để triển khai nhằm đối phó với Covid-19.

Thực hiện các chính sách này, hầu hết các ngân hàng thuộc nhóm G7 đã hạ lãi suất và tăng thanh khoản trong hệ thống tài chính thông qua những biện pháp kết hợp như giảm dự trữ bắt buộc, nới lỏng điều kiện cho vay tín dụng, đơn giản hoá điều khoản cho vay. Nhưng một cách tốt nhất để kiềm chế tác động của đại dịch, Chính phủ các nước buộc phải lựa chọn 1 trong 2: Sức khỏe người dân hay phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), muốn dập dịch hiệu quả phải tiến hành cách ly xã hội, nhưng cái giá phải trả là sự mất mát rất lớn về kinh tế là chủ đề xuyên suốt trong việc giải bài toán kinh tế toàn cầu 2020 và sự lựa chọn của các nước khác nhau.

Theo các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), muốn dập dịch hiệu quả phải tiến hành cách ly xã hội, nhưng cái giá phải trả là sự mất mát rất lớn về kinh tế là chủ đề xuyên suốt trong việc giải bài toán kinh tế toàn cầu 2020 và sự lựa chọn của các nước khác nhau.

Còn nhớ khi đại dịch xảy ra năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng có một phát biểu gây tranh cãi dữ dội là: “Nền kinh tế đáng giá bao nhiêu mạng người?” và cho rằng: “Chúng ta không thể để cách chữa bệnh còn nguy hiểm hơn chính căn bệnh đó”, ám chỉ rằng nếu tiến hành cách ly xã hội để chống dịch thì các hậu quả về kinh tế và tác động lên cuộc sống người Mỹ còn nguy hiểm hơn hậu quả của Covid-19.

Những gì đã diễn ra sau đó đã chứng minh một điều rằng phản ứng chính sách đúng đắn, kịp thời và quyết liệt ở những giai đoạn đầu là chìa khóa để dập dịch thành công và đảm bảo các động cơ phục hồi kinh tế không bị tê liệt.

Tuy nhiên, bài học cụ thể được đúc rút trong suốt năm 2020: Lựa chọn sức khỏe của cộng đồng và tạm thời hy sinh các mục tiêu kinh tế cho thấy rằng là phản ứng chính sách đúng đắn nhất cho tới lúc này. Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Âu là những trường hợp điển hình.

…đến phản ứng linh hoạt, bơm tiền cứu thị trường

Đây là một điểm chung của nhiều nền kinh tế lớn nhằm giữ vững sự ổn định trước sự đe dọa suy thoái kinh tế năm 2020 bởi đại dịch Covid-19 như Mỹ, EU và Trung Quốc.

Ngay sau khi dịch lây lan và bùng phát tại Mỹ, FED đã triển khai các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính thông qua chính sách tiền tệ với vai trò là “người cho vay cuối cùng”. Cụ thể, lãi suất đã được điều chỉnh từ 1% - 1,25% xuống biên độ 0% - 0,25% vào ngày 18/3/2020. Đến ngày 31/3/2020, chính quyền Trump đã thông báo về việc tạm ngưng thuế nhập khẩu các mặt hàng may mặc và xe tại hạng từ Trung Quốc, ngọai trừ hàng hóa tiêu dùng và kim loại.

Đối với chính sách tiền tệ, Mỹ ngay lập tức triển khai “Định hướng chính sách” can thiệp đến các quyết định tài chính của hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà đầu tư bằng cách cung cấp một hướng dẫn về đường lãi suất dự kiến. Để tăng tính thanh khoản cho thị trường, FED tạm thời cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính bằng cách cho vay tiền mặt thông qua các thỏa thuận mua lại với các đại lý chính. FED cũng nhanh chóng tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay ngắn hạn 1.000 tỷ USD để “giải cứu thị trường”.

Trong khi đó các quốc gia khu vực châu Âu, không giống như trước đây trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, phản ứng đồng lòng của EU là đưa ra các chính sách để triển khai đồng bộ. Phần lớn các quốc gia thành viên EU đã sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa quốc gia và mua trái phiếu của Ngân hàng Trung Ương châu Âu (ECB) để giải quyết tác động kinh tế của đại dịch.

Các quốc gia riêng lẻ đã áp dụng kiểm dịch và yêu cầu đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại và biên giới, thuế cho các doanh nghiệp, gia hạn một số khoản thanh toán và bảo lãnh cho vay và trợ cấp cho công nhân và doanh nghiệp. Ủy ban Châu Âu đã ủng hộ sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các thành viên EU trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ để giải quyết vấn đề kinh tế từ đại dịch virus corona.

Trong thời điểm giữa năm 2020, ECB đã quyết định mở rộng hoạt động tái cấp vốn dài hạn để cung cấp các khoản vay chi phí thấp cho các ngân hàng Eurozone để tăng thanh khoản ngân hàng mở rộng các hoạt động tái cấp vốn dài hạn để cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp hơn thị trường cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19.

Mặt khác, cung cấp thêm 120 tỷ euro (khoảng 130 tỷ USD) cho chương trình mua tài sản của ngân hàng để cung cấp thanh khoản cho các công ty ngoài 20 tỷ EUR mỗi tháng mà họ đã cam kết mua trước đó. ECB cũng dành ra 750 tỷ EUR (tương đương 800 tỷ USD) để khởi động chương trình trao đổi khẩn cấp nhằm mua lại chứng khoán nhà nước và tư nhân, mở rộng thêm các loại chứng khoán phi tài chính và một số tài sản đảm bảo khác.

Nhờ có chính sách đồng nhất mà các kế hoạch tài chính phối hợp giữa các quốc gia khu vực Eurozone đã thống nhất hơn và đạt được hiệu quả nhất định trong tăng trưởng kinh tế (ít nhất là hạn chế tăng trưởng âm trong những tháng cuối năm 2020) và tạo đà triển vọng cho năm 2021.

Theo báo cáo của IMF, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930, GDP của thế giới sẽ chỉ giảm 4,4% trong năm nay. Tuy nhiên, cũng theo IMF, triển vọng kinh tế năm 2021 có cải thiện ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm Mỹ, châu Âu, Brazil và Nga và thoát khỏi mức tăng trưởng âm.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới cũng có những phản ứng chính sách tương tự. Khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã bơm 57 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, hạn chế tăng lãi suất cho vay đối với những công ty lớn và kéo dài thời gian trả lãi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan này đã thiết lập tỷ lệ tham chiếu cho tiền tệ Trung Quốc mạnh hơn tỷ giá đóng cửa chính thức để giữ ổn định.

Ngân hàng Quốc dân Trung Hoa cũng đã cung ứng 78,8 tỷ USD hỗ trợ phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc giảm dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại. Do có các chính sách linh hoạt, theo tính toán của CNN Business dựa trên số liệu của WB, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu có thể tăng thêm 1,1 điểm phần trăm trong năm nay, cao gấp hơn 3 lần mức tăng nước này đạt được vào năm 2019. GDP 2020 của Trung Quốc sẽ đạt mức 14,6 nghìn tỷ USD, chiếm 17,5% GDP toàn cầu.

IMF cũng nhận định Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có thể tăng trưởng trong năm nay, với dự báo mức tăng GDP 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% năm 2019, song có thể bứt phá với mức tăng trưởng lên tới 8,2% trong năm 2021.

Việt Nam được đánh giá nằm trong Top các nước có chính sách kinh tế linh hoạt trong đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

Việt Nam trở thành “ngôi sao sáng”

Đáng chú ý, trong nguy cơ suy thoái toàn cầu, các đánh giá và thống kê của nhiều tổ chức quốc tế cho thấy: Việt Nam đã giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á “trên đà tăng trưởng” trong năm 2020. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,4% trong năm 2020 nhờ “các bước đi mang tính quyết định trong việc ngăn chặn các hệ lụy kinh tế và y tế do dịch Covid-19”.

Theo IMF, Chính phủ không đặt vấn đề lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Bài viết cho rằng xuất khẩu - vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa, chính là động lực cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

“Nền kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước Đông Nam Á khác, do đó ít chịu sức ép hơn khi du lịch quốc tế bị đình trệ. Theo bài viết, việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn” – tổ chức này nhận định. Việc IMF dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay “rõ ràng là sự ghi nhận đối với cách ứng phó nhanh, hiệu quả và minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam trước dịch Covid-19”.

Dự báo của IMF cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% “khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường”. “Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự kiên cường của mình… Chắc chắn rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại khiến khu vực phải ghen tỵ trong năm 2021”- tờ Asia Times khẳng định.

Trần Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Biến động kinh tế thế giới năm 2020 do đại dịch Covid và bài học vận dụng chính sách" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin