(Pháp lý) - Tòa án Trung tâm quận Seoul, Hàn Quốc hôm 17/2 đã phê chuẩn lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong với cáo buộc hối lộ và các tội danh khác, liên quan đến vụ bê bối chính trị dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị luận tội. Đây là một vụ bê bối tham nhũng khá đặc biệt mà ở đó tội phạm tham nhũng có quan hệ đặc biệt với quan chức cấp cao.
Đánh vào Tập đoàn giàu có bậc nhất Hàn Quốc
Lee Jae-yong - người thừa kế sáng giá của gia đình giàu có và quyền lực bậc nhất nước này bị cáo buộc đưa hối lộ cho người “bạn thân pháp sư” của Tổng thống Park Geun Hye. Các công tố viên đang điều tra liệu Samsung có cam kết cung cấp 43 tỉ won (37,54 triệu USD) cho doanh nghiệp và các quỹ phi lợi nhuận do bà Choi Soon-sil sở hữu để đổi lấy sự ủng hộ của Chính phủ đối với việc sáp nhập hai chi nhánh của Tập đoàn vào năm 2015 hay không. Nguồn kinh phí này cũng bao gồm việc tài trợ cho sự nghiệp của con gái bà Choi Soon-sil.
Hiện nay, Samsung đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 12% doanh thu và 30% lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất. Samsung là tập đoàn kinh doanh đa ngành từ đồ gia dụng, kỹ thuật, xây dựng, đóng tàu đến bảo hiểm và thẻ tín dụng. Riêng doanh thu từ hàng xuất khẩu của Samsung Electronics, nhà sản xuất tivi và điện thoại thông minh trên khắp thế giới, đã chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Chính vì vậy, việc Lee Jae-yong, nhà lãnh đạo trẻ vừa tốt nghiệp đại học Harvard, người được chính thức trao cho chức vụ Phó Chủ tịch Samsung Electronics, đang ra sức tái định hình Tập đoàn tập trung vào ba mũi nhọn chính: điện tử, tài chính và dược phẩm, người đang nắm quyền điều hành tối cao của Tập đoàn - bị bắt làm nảy sinh những quan ngại về hoạt động của Samsung. Ông Lee, nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba của Samsung. Cha của ông Lee là ông Lee Kun-hee đã không thể tiếp tục dẫn dắt Tập đoàn sau một cơn đau tim hồi năm 2014.
Tập đoàn Samsung và Lee Jae-yong đều lên tiếng cho rằng họ không làm gì sai. Tuyên bố của Tập đoàn Samsung nêu rõ: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng, sự thực sẽ sớm được tiết lộ”.
Tháng trước, Tòa án Hàn Quốc đã bác yêu cầu bắt giữ Lee Jae-yong của các công tố viên, tuy nhiên, các công tố viên lại đưa ra thêm nhiều cáo buộc chống lại Lee Jae-yong, trong đó có tội hối lộ. “Chúng tôi nhận thức rất rõ nguyên nhân và sự cần thiết phải đưa ra lệnh bắt giữ lần này”, một thẩm phán của Tòa án Hàn Quốc nêu rõ. Công tố viên cho biết họ đã có thêm được các bằng chứng và đưa ra thêm nhiều tội danh chống lại ông Lee.
Việc Lee Jae-yong bị bắt giữ sẽ tạo điều kiện cho các công tố viên đẩy nhanh việc điều tra mối liên hệ giữa Tập đoàn Samsung và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil - người hiện đang bị giam giữ và có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực và lừa dối.
Nếu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phê chuẩn kết quả luận tội của Quốc hội đối với bà Park Geun-hye thì Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống sớm trong vòng 2 tháng. Trong thời gian đó, bà Park vẫn là Tổng thống nhưng bị bãi miễn mọi quyền lực.
Người được cho là sẽ thay thế bà Park Geun-hye, ông Moon Jae-in - thành viên Đảng Dân chủ đối lập Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh lệnh bắt giữ Lee Jae-yong. Người phát ngôn của ông Moon Jae-in, ông Kim Kyoung-soo nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng, điều này sẽ là sự khởi đầu cho việc chấm dứt những mối quan hệ “đầy tội ác” giữa Chính phủ và các Tập đoàn lớn”.
Mối quan hệ “đầy tiêu cực”?
Trước đó, ngày 23/11/2016, các công tố viên Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét các văn phòng của Tập đoàn Samsung. Một nghị sỹ Hàn Quốc cũng đã bày tỏ sự nghi ngờ về mối liên hệ của công ty sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin đối với bà Choi Soon Sil.
Phát biểu trên một chương trình của đài địa phương MBC, nghị sỹ Ahn Min-seok của đảng Dân chủ đối lập lớn nhất Hàn Quốc cho biết ông đã nhận được thông tin nội bộ từ quân đội nước này hồi tuần trước về khả năng có mối liên lạc giữa bà Choi và nhà cung cấp vũ khí của Mỹ trên. Ông Ahn đã nêu lên khả năng một "nhân vật trọng yếu" đã giới thiệu bà Choi với phía Lockheed Martin, đồng thời khẳng định sẽ cố gắng tìm ra sự thật khi Quốc hội Hàn Quốc mở phiên điều tra nhằm vào vụ bê bối này.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Chính phủ và giới doanh nhân Hàn Quốc có từ nhiều năm qua, và rất hiệu quả trong thời kỳ tái thiết đất nước. Do đó, phát triển dưới sự bảo hộ của Chính phủ cùng mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị gia, các tập đoàn gia đình (chaebol) Hàn Quốc không chỉ giàu mà còn có tầm ảnh hưởng chính trị. Samsung chỉ là một trong số ít các chaebol chi phối đời sống kinh tế ở Hàn Quốc. Một số tập đoàn như Hyundai, LG cũng rất nổi tiếng trên thế giới. Các tập đoàn này ngày càng có quyền lực ở Hàn nhưng đồng thời cũng chịu sự giám sát ngày càng lớn.
Chaebol bắt nguồn từ sự kết hợp của từ “giàu có” và “gia tộc”, dùng để chỉ các nhóm lớn gồm nhiều công ty con có liên kết với nhau, thường bị chi phối bởi một gia đình giàu có. Hàn Quốc có nhiều Tập đoàn gia đình như vậy nhưng nổi tiếng nhất trên thế giới là các Tập đoàn như Hyundai, LG, Samsung hay Hanjin, Kumho, Lotte và SK.
Chaebol bao gồm nhiều công ty con. LG sở hữu các công ty điện thoại thông minh, tivi, linh kiện điện tử, hóa chất và phân bón. Tập đoàn này cũng thành lập đội bóng chày và bóng rổ riêng. Hyundai nổi tiếng với các mặt hàng ôtô Hyundai và Kia tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Tập đoàn cũng cung cấp các dịch vụ thang máy và khách sạn.
Các Tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc lớn mạnh từ đống tro tàn sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Sau khi xung đột kết thúc, chính phủ cung cấp các quỹ cứu trợ và các khoản vay giá rẻ cho doanh nhân, những người cam kết sẽ tái thiết đất nước.
Chính phủ Hàn Quốc cũng ra sức bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài nhằm hỗ trợ các Tập đoàn kiểu này phát triển. Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các Tập đoàn gia đình sau đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình Hàn Quốc trở thành người khổng lồ công nghiệp trong vài thập kỷ sau đó.
Đến những năm 1980, các Tập đoàn gia đình Hàn Quốc khi đó có đủ tiềm lực kinh tế để tạo ra những ảnh hưởng chính trị đáng kể. Các chính trị gia dựa vào sự hẫu thuận về chính trị và tài chính của các Tập đoàn này trong quá trình vận động bỏ phiếu. Kinh tế phát triển làm gia tăng lo ngại về ảnh hưởng chính trị và nạn tham nhũng trong các Tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng các Tập đoàn gia đình tham nhũng thực sự là vấn đề lớn.
Giám đốc điều hành các Tập đoàn gia đình được cho là đã “lọt lưới” pháp luật dù những bê bối của họ thu hút sự chú ý của dư luận. Chính Chủ tịch Samsung từng bị kết tội tham nhũng hai lần nhưng đều được chính phủ ân xá do những lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc trong tương lai.
Như vậy từ sự khởi đầu tốt đẹp, từ mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trải qua thời gian đã nảy sinh những tiêu cực, khiến cho người ta gọi đó là “mối quan hệ “đầy tiêu cực” giữa Chính phủ và các Tập đoàn lớn”.
Thị trường đã thay đổi, môi trường pháp lý đã thay đổi, vì thế mối quan hệ thân hữu giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần thay đổi trên cơ sở công bằng và minh bạch hơn. Do đó, có ý kiến cho rằng Samsung đang đối mặt với thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử 80 năm phát triển, tuy nhiên đây cũng là một cơ hội. "Cuộc khủng hoảng có thể giúp Samsung tái cấu trúc lại bộ máy điều hành và loại bỏ những yếu tố tiêu cực. Tôi tin đây sẽ là một cú hích giúp đẩy cao giá trị của Tập đoàn", một nhà phân tích tại một ngân hàng đầu tư toàn cầu giấu tên cho hay.
Bê bối tham nhũng rúng động chính trường nhiều nước
Vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Samsung gắn liền với bê bối chính trị xung quanh Tổng thống Hàn Quốc, khi cuối năm 2016 truyền thông đưa tin bà Park cho phép bà Choi – người bạn không có chức danh chính thức nào được quyền sửa các bài phát biểu của Tổng thống. Bà Choi còn bị nghi ngờ gây sức ép với các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc để trục lợi. Đây cũng là lần đầu tiên hàng loạt lãnh đạo cao cấp của các Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc như Huyndai, Samsung, Lotte bị triệu tập thẩm vấn trước Quốc hội trong cuộc điều tra về bê bối liên quan đến Tổng thống.
Năm 2016 được xem là một năm cả thế giới sôi sục vì các vụ bê bối liên quan tới tham nhũng. Ông Jose Ugaz, một luật sư nổi tiếng của Peru và Chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế nói với AFP: "Những gì chúng ta đang phải đối mặt hiện nay rất khác với những gì chúng ta đã từng trải qua 27 năm trước đây", khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế được thành lập. "Chúng ta đang nhìn thấy tham nhũng ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới và làn sóng người dân chống lại nó", ông Jose Ugaz nói.
Năm 2016 đánh dầu nhiều vụ bê bối tham nhũng gây chấn động. Trước hết là vụ rò rỉ Hồ sơ Panama hồi tháng 4 và đợt công bố lần 2 hồi tháng 5 được xem là vụ tiết lộ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama, bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành. Những tiết lộ trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama khiến nhiều lãnh đạo trên thế giới phải từ chức. Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ nên bức tranh tham nhũng toàn cầu với vai trò của ngân hàng và các công ty ma.
Năm 2016, Brazil cũng chìm trong bê bối tham nhũng dẫn đến Tổng thống Dilma Rousseff bị luận tội. Tập đoàn Dầu khí Petrobas đã dùng số tiền lên đến 5,3 tỷ USD để hối lộ, lót tay giữa các cá nhân và tổ chức, trong thời gian từ 2004 đến 2014. Nhưng tham nhũng tại Brazil không chỉ có Tập đoàn Dầu khí quốc gia mà còn nhiều Tập đoàn lớn khác như Tập đoàn Hàng không vũ trụ Embraer, Tập đoàn Thực phẩm JSB và Tập đoàn Xây dựng Camargo Corea.
Những bê bối bị phanh phui trên đây khiến nhiều Tập đoàn rơi vào cảnh khó khăn nhưng nó cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng trên thế giới ngày càng mạnh mẽ, nhằm giúp chính trường thế giới trở nên trong sạch hơn.
Cuối tháng 1 năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công. Tổ chức này cũng đưa ra các khuyến nghị để tạo ra chuyển biến tích cực và thay đổi rõ rệt hơn nữa về cảm nhận tham nhũng trong khu vực công. Tham nhũng nói chung bao gồm các hoạt động bất hợp pháp, được cố tình che giấu và chỉ được đưa ra ánh sáng khi có các vụ bê bối, hay qua công tác thanh tra, điều tra và truy tố, xét xử. Vì vậy, rất khó có thể đánh giá mức độ tuyệt đối của tham nhũng tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ trên cơ sở các dữ liệu “cứng” mang tính thực chứng.
Những nỗ lực nhằm đánh giá tham nhũng như: so sánh các vụ hối lộ được báo cáo, số lượng các vụ truy tố hay nghiên cứu các vụ xét xử ở tòa án liên quan trực tiếp đến tham nhũng đều không thể coi là những chỉ số chính xác thể hiện mức độ tham nhũng. Những số liệu này, đúng hơn, chỉ thể hiện hiệu quả hoạt động của các công tố viên, của toà án hay giới truyền thông trong việc điều tra và phát hiện tham nhũng.
Vì vậy, xem xét cảm nhận về tham nhũng của những người ở vị trí có thể đưa ra đánh giá về tham nhũng trong khu vực công là phương pháp đáng tin cậy nhất để so sánh mức độ tham nhũng một cách tương đối giữa các quốc gia.
Xem ra cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi đồng bộ nhiều biện pháp với một quyết tâm rất cao, từ phía Nhà nước và các tổ chức xã hội và mỗi người dân.
Đăng Khôi (tổng hợp)