Francois Fillon, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée, đang đối mặt một vụ tố giác thâm lạm công quỹ liên quan đến vợ ông.
Quả bom chính trị mang tên Penelope Gate bùng nổ hôm 25-1 khi tuần báo trào phúng trên 100 tuổi Le Canard enchainé (Con Vịt buộc) cáo buộc bà Penelope, vợ ông Francois Fillon, được chồng thuê làm phụ tá ăn lương ngân sách quốc hội nhưng thực tế không có mặt tại chỗ làm và không thực hiện đầy đủ chức năng.
Tính ra, trong mấy chục năm làm “phụ tá ảo” cho chồng, bà Penelope đã lĩnh tổng cộng 831.440 euro (1 euro = 24.193 đồng) sau thuế.
Hết vợ…
Theo nguồn tin của tờ Con Vịt buộc, ông Fillon tuyển mộ phu nhân mình làm “phụ tá ảo” không phải một mà đến 3 lần. Lần đầu tiên là từ năm 1988 đến 1990, lúc đó ông được tái bầu làm thượng nghị sĩ (đại biểu tỉnh Sarthe). Tái đắc cử thượng nghị sĩ năm 1997, ông tiếp tục tuyển mộ bà Penelope làm phụ tá.
Sau 5 năm tham gia chính phủ của Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin với chức vụ Bộ trưởng Lao động, ông Fillon trở về thượng viện trong vai trò đại biểu khu vực bầu cử Paris năm 2012. Bà Penelope lại được tuyển mộ làm phụ tá cho ông đến năm 2013.
Đáng chú ý, lúc ông Fillon làm thủ tướng dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, người kế nhiệm ghế thượng nghị sĩ của ông là Marc Joulaud cũng thuê bà Penelope phụ tá, làm dấy lên nghi vấn “theo chỉ đạo của ông Fillon”. Nghi vấn này đang được làm rõ.
… đến con
Chuyện này do ông Fillon tự khai trên đài TF1 trong một chương trình phỏng vấn trực tiếp truyền hình lúc 20 giờ ngày 26-1. Mục đích của ông, theo tuần báo Marianne, là làm sáng tỏ vụ Penelope Gate.
Fillon khẳng định trong 20 năm làm dân biểu, bà xã ông đảm nhận rất tốt nhiệm vụ phụ tá nghị sĩ. Theo ông, bà Penelope “làm việc thực sự chứ không phải ngồi chơi hưởng lương như tin đồn vô căn cứ”. Nhân tiện, ông Fillon vui miệng nói với Gilles Bouleau, nhà báo đang phỏng vấn ông: “Tôi xin kể luôn một chuyện mà anh chưa biết. Hồi còn làm thượng nghị sĩ, tôi từng trả công cho 2 đứa con luật sư của tôi trong những dịch vụ tư vấn pháp luật vì chúng rất giỏi”.
Thời điểm mà ông Fillon nhắc đến là từ tháng 10-2005 đến tháng 6-2007. Theo Con Vịt buộc, tổng số tiền (lấy từ ngân sách quốc hội) mà ông Fillon bồi dưỡng cho 2 con là 83.735 euro - không quá lớn nhưng cũng không hề nhỏ.
Thay vì gỡ rối, tình tiết nêu trên lại khiến vụ Penelope Gate thêm rối ren. Không biết do vô tình hay đãng trí, ông Fillon quên béng trước tháng 6-2007, 2 con ông chưa tốt nghiệp tiến sĩ luật. Ông không nói rõ dịch vụ tư vấn luật pháp là dịch vụ gì, con cái người nào, đã trả bao nhiêu tiền nhưng kiểm tra chuyện này không khó.
Marianne cho biết đó là cô Marie và cậu Charles Fillon, hai con đầu trong 5 người con của ông Fillon. Đúng là hiện cả 2 đều hành nghề luật sư nhưng vào thời điểm trên, Marie (SN 1982) chưa được công nhận là luật sư. Trong khi đó, Charles vẫn còn mài đũng quần trên ghế giảng đường đại học luật (Columbia Law School) ở New York - Mỹ.
Vu cáo hay có thật?
Ông Fillon tố cáo các bài báo đăng trên Con Vịt buộc nằm trong một chiến dịch vu cáo hiểm độc nhằm chặn đường tranh cử tổng thống của ông. Để làm rõ sự thật, Viện Kiểm sát Tài chính quốc gia (PNF, thành lập năm 2014 để chống tham nhũng và gian lận thuế) đã tiến hành cuộc điều tra sơ bộ ngay sau khi tuần báo này đưa tin. Chuyện PNF nhảy vào cuộc hết sức nhanh chóng cho thấy vụ việc được các nhà chấp pháp đánh giá là nghiêm trọng thật sự chứ không phải vu vơ như ông Fillon nói.
Các nhà điều tra đã sung công một mớ tài liệu, bao gồm hợp đồng tuyển dụng bà Penelope làm phụ tá nghị sĩ, trong một cuộc khám xét tại trụ sở thượng viện hôm 31-1. Thượng viện Pháp cũng chuyển những tài liệu liên quan đến công việc có lương của Marie và Charles qua PNF. Nếu những gì Con Vịt buộc nêu là sự thật thì ông Fillon có thể bị khởi tố hình sự với tội danh “Thâm lạm công quỹ”, “nhũng lạm tài sản xã hội”.
Nghi vấn “thâm lạm công quỹ” liên quan đến việc bà Penelope làm “phụ tá ảo” cho chồng. Còn nghi án “nhũng lạm tài sản xã hội” liên quan đến vụ việc khác cũng do Con Vịt buộc phát giác: Bà Penelope từng được nguyệt san văn học Revue des Deux Mondes của tỉ phú Marc Ladreit de Lacharrière, bạn chí cốt của ông Fillon, tuyển dụng làm “cố vấn văn học” với mức lương 5.000 euro/tháng từ tháng 5-2012 đến 12-2013. Chuyện tuyển dụng này không có gì phi pháp. Vấn đề nằm ở chỗ ông tổng biên tập Michel Crepu nói không biết gì về chuyện cộng tác này và “chưa bao giờ thấy mặt bà Penelope”.
PNF nghi ngờ bà Penelope được mời cộng tác với nguyệt san nhưng làm việc rất tài tử (mỗi số chỉ viết 1-2 tin điểm sách) để “lại quả” việc ông chủ báo de Lacharrière được trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng cao quý nhất năm 2010 theo đề xuất của Thủ tướng Fillon. Mới đây, ngày 30-1, PNF đã triệu tập ông de Lacharrière để nghe giải trình về chuyện này. Cùng ngày, vợ chồng ông Fillon cũng bị PNF triệu tập để giải trình vụ bà Penelope làm “phụ tá ảo” và làm cố vấn văn học cho Revue des Deux Mondes.
Nguồn tin điều tra cho biết thêm cô Marie, cậu em Charles và ông nghị Marc Joulaud cũng bị triệu tập đến PNF để giải trình. Một số nhân chứng như bà Sylvie Fourmont, thư ký riêng của ông Fillon, cũng bị triệu tập hôm 2-2.
Không thể chấp nhận
Không ai thắc mắc chuyện ông Fillon thuê vợ hay con cái làm phụ tá. Đây là chuyện bình thường và hợp pháp vì hiện có 1/5 (115/577) nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội Pháp sử dụng phương thức này với lý do “người nhà đáng tin hơn người dưng”. Vấn đề mấu chốt của ông Fillon là, theo cáo giác của Con Vịt buộc, bà Penelope chỉ ở nhà làm việc rất tài tử mà vẫn lãnh lương “khủng”, cao hơn mức bình thường.
Theo Jean Garrigues, giáo sư lịch sử chính trị, lâu nay, công luận và cả giới truyền thông Pháp khá dễ dãi, thường bỏ qua cái gọi là nền văn hóa của giới tinh hoa. Theo đó, hễ có quyền cao chức trọng thì có quyền chi xài vô tội vạ công quỹ. Bây giờ thì thời thế đã thay đổi. Xã hội ngày nay yêu cầu chấm dứt thói quen nhũng lạm đó khi mà chỉ số tham nhũng của Pháp đã xuống tới cận đáy - theo tổ chức chống tham nhũng Transparency International (Minh bạch Quôc tế), Pháp chỉ đứng trên Slovenia trong số 27 nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU).
Theo NLD