Bảo vệ người tố cáo để khuyến khích phòng, chống tội phạm

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp tác động vào nhiệm vụ bài trừ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước và xử lý các loại tội phạm.

Theo Chỉ thị, trong thời gian qua, để phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ đảng viên, Ðảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Lộ, lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù chưa được phát hiện, xử lý nghiêm; việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng chưa được quan tâm; cán bộ, đảng viên và người dân chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm…

Thanh tra Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị bảo vệ người tố cáo
Thanh tra Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị bảo vệ người tố cáo)

Thực tế cho thấy, việc tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng có những người tố cáo không am hiểu pháp luật dẫn đến vấn đề tố cáo không được quan tâm, bản thân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí bị đe dọa, trù dập; có những trường hợp phát hiện ra tiêu cực, có những vấn đề liên quan trực tiếp quyền lợi của bản thân nhưng không dám tố cáo. Nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo còn hạn chế, bất cập, nhất là chưa có quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo. Trước đây, khi Luật tố cáo chưa được sửa đổi, các quy định còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn, chưa nêu cụ thể cơ chế và các biện pháp bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị trả thù, trù dập. Ðiều này làm cho người tố cáo lo ngại, không dám tố cáo khi phát hiện có vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Do vậy làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm liên quan đến tham nhũng và chức vụ, quyền hạn nói riêng.

Ðể phòng, chống tham nhũng nói riêng và tội phạm nói chung hiệu quả tốt, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu cấp thiết. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải thực hiện tốt nhiều giải pháp, trong đó cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cần xác định rõ, việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức Ðảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp… Ðầu tháng 3-2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì cuộc họp triển khai Chỉ thị 27-CT/TW (ngày 10-1-2019) của Bộ Chính trị. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cục, vụ thuộc Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai nhiều nội dung công việc, trong đó tập trung tham mưu với Tổng Thanh tra ban hành Thông tư hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo và một số nội dung khác liên quan; Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tham mưu với Tổng Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức gắn với việc tham mưu nghiên cứu, đề xuất cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh.

Các cơ quan, tổ chức liên quan phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo đã được quy định trong Luật tố cáo năm 2018 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, trong đó đề cao trách nhiệm của cá nhân trong bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo tội phạm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo để mọi người hiểu, yên tâm, sẵn sàng tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng. Lực lượng Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. Các quy định của pháp luật về nội dung này cần cụ thể hóa nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo, để các cơ quan này có cơ sở thực hiện các phương pháp bảo vệ hiệu quả, tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm bảo vệ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở nơi người tố cáo đang công tác và sinh sống.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201903/bao-ve-nguoi-to-cao-de-khuyen-khich-phong-chong-toi-pham-305322/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin