Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hỗ trợ kịp thời đảm bảo an sinh, an toàn sức khỏe cho người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịnh bệnh Covid-19

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt của toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong hơn 1 tháng qua chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT, BHTN đã kịp thời đến với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. đến nay, nhiều người lao động và người sử dụng lao động trong cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

image001-1627981310.jpg
BHXH Việt Nam kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách “phủ sóng” kịp thời đến với người dân và doanh nghiệp

Tính đến hết ngày 31/7/2021, toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) cho 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 120 đơn vị với 9.533 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 61,53 tỷ đồng tại 25 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lai Châu, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh.

Toàn ngành BHXH đã xác nhận danh sách cho 175.804 lao động của 10.858 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 55 tỉnh, thành phố cho 116.160 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 7.959 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 16.764 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để vay vốn trả lương ngừng việc; 25.877 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động).

Ngoài ra, BHXH cả nước đã xác nhân cho 9.044 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Để đạt được những kết quả nêu trên, BHXH Việt Nam đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong toàn hệ thống nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó, đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của lãnh đạo, viên chức toàn Ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ; cũng như việc cắt giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn không quá 01 ngày làm việc… để chính sách hỗ trợ đến được với NLĐ, NSDLĐ một cách sớm nhất, hiệu quả nhất. Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Hỗ trợ tối đa, đảm bảo an toàn, sức khỏe khám chữa bệnh BHYT 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, nhằm tiếp tục chung tay phòng, chống dịch, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT, đảm bảo kinh phí KCB cho cơ sở KCB BHYT, ngày 2/8/2021 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 2311/BHXH-CSYT hướng dẫn về việc thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT yêu cầu BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ KCB cho người tham gia BHYT, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở KCB BHYT. Theo đó, BHXH các tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát và thực hiện tạm ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí KCB BHYT theo quy định tại Điều 32 Luật BHYT.

Trường hợp đặc biệt, căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, đề nghị cơ sở KCB thuyết minh, đề xuất, có ý kiến của Sở Y tế (đối với các cơ sở KCB do địa phương quản lý) gửi cơ quan BHXH xem xét giải quyết, đảm bảo tạm ứng đủ kinh phí phục vụ công tác KCB BHYT, không để người bệnh tự chi trả chi phí trong phạm vi quyền lợi được hưởng theo quy định.

Thứ hai, BHXH các tỉnh thực hiện việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh khẩn trương tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo BHXH Việt Nam để được hướng dẫn giải quyết.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, BHXH Việt Nam luôn chủ động bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời đưa ra những giải pháp quyết liệt, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Giải pháp trên của BHXH Việt Nam tiếp tục thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Ngành nhằm chung tay cùng các cơ sở KCB BHYT đảm bảo và hỗ trợ tốt nhất cho người tham gia BHYT, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 tại mỗi địa phương.

Thành Chung

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin