Bàn về phẩm chất liêm chính của Thẩm phán

26/07/2018 14:56

(Pháp lý) - Ngày 4/7/2018, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ký Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, trong đó liêm chính là một trong những chuẩn mực đạo đức hàng đầu.

Hội đồng xét xử tuyên án tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm (ảnh minh họa)
Hội đồng xét xử tuyên án tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm (ảnh minh họa))

Chuẩn mực liêm chính

Bộ quy tắc nêu chuẩn mực đầu tiên là tính độc lập, yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết vụ việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật, không bị tác động từ bất kỳ sự can thiệp nào; thứ hai là sự liêm chính; chuẩn mực thứ ba là sự vô tư, khách quan; chuẩn mực thứ tư là sự công bằng, bình đẳng; thứ năm là sự đúng mực; thứ sáu yêu cầu Thẩm phán phải tận tụy và không chậm trễ, nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao; cuối cùng là chuẩn mực năng lực và chuyên cần.

Các chuẩn mực này có liên quan hữu cơ với nhau, phẩm chất nào cũng rất cần thiết đối với một Thẩm phán, tuy nhiên chúng tôi cho rằng chuẩn mực quan trọng nhất, mấu chốt nhất chính là sự liêm chính.

Liêm theo nghĩa từ điển là ngay thẳng, trong sạch, không tham của cải. Chính là đúng đắn, thích đáng, đúng phép tắc. Liêm chính là ngay thẳng và trong sạch. Đối với một Thẩm phán, giữa liêm và chính đó có mối tác động nhân quả với nhau.

Thẩm phán thanh liêm là không nhận hối lộ, nghĩa là không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Thẩm phán chính trực là tuân thủ quy định nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cụ thể hơn, khi Thẩm phán xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân của đương sự.

Nếu Thẩm phán không thanh liêm, không trong sạch, nhận hối lộ từ một bên nào đó thì hậu quả dẫn đến là bẻ cong pháp luật, xem xét vụ án không khách quan, toàn diện mà thiên vị để làm lợi cho bên đã đưa hối lộ. Như vậy, đã không giữ được sự thanh liêm thì sự chính trực cũng mất.

Thẩm phán không giữ được phẩm chất liêm chính thì kết quả cuối cùng là chất lượng xét xử, giải quyết vụ việc không cao, án oan sai xảy ra gây thiệt hại cho bị cáo, đương sự, cho công dân và cả Nhà nước. Do liêm chính có tính chất đặc biệt quan trọng như vậy nên tiêu chí này được đưa vào Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

Những yếu tố tác động đến phẩm chất liêm chính

Hầu hết các Thẩm phán, Chánh án một số Tòa án khi chúng tôi hỏi ý kiến về việc giữ gìn phẩm chất thanh liêm của Thẩm phán đều rất quan tâm, chia sẻ nhưng ngại công khai danh tính vì bàn đến vấn đề nhạy cảm.

Có vị Chánh án một tỉnh phía Nam chia sẻ: Là người quản lý đơn vị, mình mong sao anh em giữ được phẩm chất đạo đức, không để xảy ra những sai phạm đáng tiếc nhưng mình cũng chỉ biết nhắc nhở chung thôi, còn anh em ra ngoài đường gặp gỡ ai, làm gì mình đâu biết. Thật sự là lo lắm.

Nỗi lo lắng của vị Chánh án rất dễ hiểu, bởi lẽ ngành Tòa án cũng như mọi ngành khác trong cả nước đang đối diện với “tệ chạy chọt” rất nhức nhối. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định rằng tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Phẩm chất nào cũng rất cần thiết đối với một Thẩm phán, tuy nhiên mấu chốt nhất là sự liêm chính (ảnh minh họa)
Phẩm chất nào cũng rất cần thiết đối với một Thẩm phán, tuy nhiên mấu chốt nhất là sự liêm chính (ảnh minh họa))

Do đó, khi bị truy tố ra Tòa án hay có vụ kiện ở Tòa án, đương nhiên người ta sẽ tìm đến Thẩm phán để chạy chọt, không những trực tiếp mà có thể họ còn nhờ người thân quen, có uy tín giúp đỡ để tiếp cận. Bủa vây như thế, Thẩm phán có tránh được hay không?

Trong khi đó lương bổng, thu nhập chính đáng của Thẩm phán hiện nay không đủ sống. Thẩm phán sơ cấp khoảng 6 triệu đồng/ tháng; Thẩm phán trung cấp cỡ 8 triệu và Thẩm phán cao cấp khoảng 10 triệu đồng. Rõ ràng mức thu nhập đó khó bảo đảm cuộc sống, nhất là ở các đô thị.

Thẩm phán đang cần có thêm thu nhập, trong khi có người tìm mọi cách đưa tiền, tình cảnh đó Thẩm phán muốn giữ gìn phẩm chất thanh liêm thật hết sức gian nan.

Nhân nói chạy chức, chạy quyền, chạy ghế… Thẩm phán trong không ít trường hợp cũng có thể phải bỏ tiền ra chạy, vì cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm Thẩm phán của ta hiện nay khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều ý kiến. Nếu không được một trong các tổ chức, cá nhân theo quy định phải có ý kiến đó ủng hộ thì Thẩm phán khó được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm. Chừng nào cơ chế này thay đổi, nhiệm kỳ Thẩm phán suốt đời, chỉ khi nào vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và chất lượng xét xử thấp đến mức nào đó mới bị bãi miễn thì Thẩm phán mới hết lo lắng việc phải nhờ vả người này, người khác khi được bổ nhiệm hay mỗi khi đến kỳ tái bổ nhiệm.

Nếu Thẩm phán cũng phải chạy chọt thì chi phí lấy ở đâu? Chắc chắn họ phải nhận hối lộ, vậy là vòng luẩn quẩn kìm hãm sự liêm chính của mỗi Thẩm phán. Và khi đã chạy chọt để có được chức danh Thẩm phán thì họ phải thu hồi vốn và đương sự, bị cáo trở thành khách hàng của họ. Án oan sai, xử đi, xử lại vì thế sẽ tiếp diễn.

Một Thẩm phán đã nghỉ hưu cho rằng, thời nào cũng có Thẩm phán nhận hối lộ, bên cạnh những Thẩm phán thanh liêm, trong sạch. Với cảm nhận cá nhân, vị Thẩm phán này cho rằng, trước đây tỷ lệ Thẩm phán “có vấn đề” chiếm tỷ lệ nhỏ, là thiểu số trong các Tòa án, nhưng ngày nay e rằng ngược lại. Tuy nhiên, như anh em thường nói “Biết rất rõ nhưng nói ra rất khó” nên không thể có con số cụ thể được.

Nhiều Thẩm phán bày tỏ quan điểm muốn có mức lương và thu nhập chính đáng đủ sống để họ không phải lo lắng cho thu nhập của gia đình, bên cạnh đó là cơ chế bổ nhiệm, tái bổ nhiệm được cải thiện để họ an tâm thực thi nhiệm vụ xét xử một cách trung thực, chân chính.

Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Bàn về phẩm chất liêm chính của Thẩm phán" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin