'Bản thân khu vực tư cũng có nhu cầu chống tham nhũng'

Chuẩn bị cho Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (Luật PCTN) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới, hiện Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN (Dự thảo). Trong đó, một số nội dung được dư luận quan tâm là những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, hành vi tham nhũng trong khu vực tư...

 TS. Đinh Văn Minh. (Ảnh: vov.vn)
TS. Đinh Văn Minh. (Ảnh: vov.vn))

TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) trao đổi xung quanh vấn đề này:

Thưa ông, Dự thảo đưa ra khá nhiều biện pháp cụ thể nhằm đấu tranh có hiệu quả với hành vi tham nhũng, tiêu cực..., ông ấn tượng với nội dung nào hơn cả?

- Tôi cho rằng trong các nội dung của Dự thảo nghị định, nội dung phòng ngừa rất quan trọng, trong đó có quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích. Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp có xung đột giữa lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức (CBCC) với lợi ích chung. Trong những trường hợp như vậy, đôi khi nếu chúng ta không quy định thì bản thân CBCC cũng không biết để tránh và cơ quan nhà nước không có cơ chế để giám sát.

Vì vậy, quy tắc ứng xử được đưa ra là gì? Là “anh” phải có cách xử sự phù hợp trong các mối quan hệ công việc cũng như trong cuộc sống để đảm bảo tính liêm chính của “anh”. Ví dụ, trong một cơ quan, nếu bố đã làm thủ trưởng thì con không thể làm kế toán, hoặc nếu người chồng làm lãnh đạo một lĩnh vực nào đó thì vợ, con của họ không được kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đưa ra chế định về xung đột lợi ích một cách tổng quát hơn, tức là tình huống mà trong đó có thể có sự mâu thuẫn giữa lợi ích công vụ và lợi ích tư, trong những trường hợp như vậy thì CBCC phải báo cáo.

Trong ngành thanh tra của chúng tôi cũng vậy, nếu chúng tôi được quyết định vào đoàn thanh tra mà thấy trong đối tượng thanh tra có người thân, người quen thì phải báo cáo, phải tránh. Tương tự, trong việc thi cử, nếu có con, cháu của mình tham dự kỳ thi thì mình không được tham gia trong các hội đồng thi...

Thực ra quy định này chỉ mới so với Việt Nam, còn trước đó các nước trên thế giới đều đã có quy định rồi. Chúng ta cố gắng lần này đưa vào Luật để có thể làm tốt điều đó trong thực tiễn.

Hiện các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước đang rất băn khoăn với những điều luật mới về PCTN. Ông có đề xuất gì để những quy định của Luật được áp dụng phù hợp với thực tiễn đời sống của các DN này?

- Thứ nhất, mình phải nhận thức một điều, chống tham nhũng là chống cả khu vực công và khu vực tư, như mọi người vẫn nói một cách hình ảnh là “đi bằng cả hai chân”, bởi giữa khu vực công và khu vực tư có sự “móc nối” với nhau.

Thứ hai, bản thân khu vực tư cũng có nhu cầu chống tham nhũng, vì khu vực tư cũng tổ chức ra một hệ thống quản lý và họ mong muốn đội ngũ nhân viên của mình hành xử một cách liêm chính, vì lợi ích của công ty.

Đơn giản là bản thân các DN ngoài nhà nước nếu không cẩn thận, không tạo ra cơ chế kiểm soát tốt thì họ cũng bị thiệt hại. Chẳng hạn, một người có chức vụ quyền hạn như kế toán trong công ty sẵn sàng lấy tiền của công ty, hoặc một “anh” nào đó được đi giao dịch sẽ ăn chặn tiền hoa hồng...

Cho nên trước hết phải nghĩ rằng, chống tham nhũng trong công ty trước hết là vì lợi ích của công ty đó, nhằm đảm bảo giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh của công ty.

Bên cạnh đó, những biện pháp đấu tranh PCTN trong khu vực công cũng cần được áp dụng cho khu vực tư, nhưng làm từng bước và đối với từng loại đối tượng chứ không phải là tất cả. Ví dụ, câu chuyện về công khai minh bạch, xung đột lợi ích... hoàn toàn có thể áp dụng cho khu vực tư.

Bởi quy định chống tham nhũng trong khu vực tư là tương đối mới, lần đầu tiên được Luật PCTN quy định nên có thể còn hơi lạ lẫm, nhưng về mặt nhận thức phải nghĩ rằng đó là điều cần thiết. Chúng ta phải phổ biến, truyền thông và bằng những vụ việc cụ thể thì tôi tin những biện pháp đưa ra trong Luật PCTN sẽ đi vào cuộc sống và rất nhiều DN hào hứng với điều đó.

Trên thế giới đã có rất nhiều DN phải trả giá vì không làm tốt công tác kiểm soát nội bộ, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, mà khi có vi phạm pháp luật thì không chỉ người đó bị xử lý, nó còn ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của DN. Rõ ràng như vậy sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Luật PCTN sửa đổi cũng đề ra nhiều biện pháp xử phạt hành chính. Theo ông, mức xử phạt hành chính này có đủ sức răn đe đối với hành vi tham nhũng?

- Chúng ta hay quan tâm đến mức phạt nhưng thực ra không hẳn như vậy. Nên hiểu rằng, phạt, dù lớn hay nhỏ, cũng có mức độ răn đe. Bên cạnh đó, từ chuyện phạt này còn có những ảnh hưởng khác. Ví dụ câu chuyện phạt cưỡng hôn 200.000 đồng xảy ra trong thang máy (tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội- PV), số tiền này không hẳn là to nhưng phạt là phạt. Đồng thời, xã hội, công luận... lên án, cái đó là chế tài nặng nhất. Chúng ta phải thấy tác động của số đông là rất lớn.

Thế thì câu chuyện kia cũng vậy. Khi phạt chúng ta đừng nghĩ là cứ phải phạt nặng, quan trọng là “anh” đã vi phạm thì phải phạt. Thứ hai, việc xử phạt đó phải công khai để mọi người biết. Tất nhiên, phạt là phải nghiêm khắc, nhưng cũng không có nghĩa là càng nhiều càng nghiêm khắc, mà mức phạt là cần thiết, thể hiện một thái độ nghiêm khắc của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/ban-than-khu-vuc-tu-cung-co-nhu-cau-chong-tham-nhung-447876.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin